Hoàng Thủy Ngữ (Danlambao) - ...Cái Orwell lo sợ là sách báo bị cấm đoán. Cái Huxley lo sợ là chẳng cần cấm sách báo vì không còn ai muốn đọc. Orwell lo sợ quyền truy cập thông tin của chúng ta bị tước đoạt. Husley sợ thông tin tràn ngập nhiều đến mức chúng ta bị ngụp lặn trong biển thông tin, mất cái nhìn toàn diện và khả năng phán đoán, trở nên thụ động, chán nản rồi thờ ơ. Orwell sợ sự thật bị che giấu. Huxley sợ sự thật không còn giá trị và bị đánh tráo, đồng nghĩa với giả dối. Orwell sợ một nền văn hóa mất tự do, Huxley sợ một nền văn hóa tầm thường, chỉ trôi dạt theo cảm xúc, tràn ngập những thú vui sa đọa vô nhân tính.
*
Neil Postman, giáo sư và là nhà nghiên cứu về truyền thông tại đại học New York, đã thu hút rất nhiều sự chú ý khi ông chỉ trích không ngừng vai trò của truyền hình. Ông tin rằng sức mạnh và ảnh hưởng của truyền hình là mối đe dọa lớn cho nền dân chủ. Theo ông, truyền hình đã định hình lại tất cả mọi cơ chế xã hội, do đó các sự kiện hay quyết định chính trị, kinh tế hoặc xã hội được trình bày ngắn gọn trên cơ sở giải trí thay vì tổ chức những cuộc thảo luận nghiêm chỉnh và sâu sắc. Nó đã biến mọi sự kiện thành chương trình giải trí. Theo thời gian, nhiều người cho rằng ông đã tiên đoán đúng: chúng ta vui thú để đi vào chỗ chết.
Năm 1985, ông cho xuất bản cuốn sách Amusing Ourselves to Death (Chúng ta vui thú để đi vào chỗ chết). Đây là một trong những khảo luận rất quan trọng về truyền thông và xã hội. Những gì Postman mô tả về truyền thông Mỹ vào thời gian đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là cơ sở giúp chúng ta có được cái nhìn tỉnh táo hơn về xã hội và bản thân mình trong sinh hoạt hàng ngày.
Truyền hình tác động đến nhận thức về thực tế của chúng ta như thế nào? Nó là nguồn thông tin trung lập hay đã trở thành công cụ của hệ tư tưởng riêng?
Đó là những câu hỏi Postman đã đặt từ năm 1985 nhưng lại rất phù hợp với thời đại này. Màn ảnh TV, máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại di động v.v... vừa là cửa sổ để chúng ta nhìn ra thế giới bên ngoài vừa là công cụ giải trí. Các công ty cung cấp dịch vụ internet, các đài phát thanh và truyền hình, bằng cách kết hợp sự kiện với giải trí, đã tạo cho chúng ta thói quen lệ thuộc, tiếp nhận thụ động và yêu thích kịch tính. Tin tức, chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, quảng cáo... tất cả phải đáp ứng nhu cầu giải trí. Giải trí là yếu tố để thành công và nắm giữ truyền thông sẽ có được quyền lực.
Trong cuốn sách Amusing Ourselves to Death, Postman có đề cập đến hai quyển tiểu thuyết khoa học viễn tưởng: 1984 của George Orwell và Brave New World (Tân Thế Giới Tuyệt Vời) của Aldous Husley. Cả hai đều nói về xã hội nô lệ tăm tối nhưng hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau.
Quyển tiểu thuyết của Orwell thường được viện dẫn như lời khuyến cáo về những gì sắp xảy ra và được dùng như một ví dụ khi chính phủ giám sát công dân. Đây là câu chuyện về nhân vật chính Winston Smith và Julia, người yêu của ông. Smith làm việc trong Bộ Sự Thật. Ông có trách nhiệm kiểm duyệt, biên tập lại lịch sử theo chỉ thị của đảng, ông Anh Cả. Vì không chấp nhận sự giả dối và tàn bạo của Bộ Sự Thật, Winston và Julia chống lại đảng. Cả hai bị bắt và bị tra tấn. Winston phản bội Julia và tố giác người yêu. Julia bị phẫu thuật não còn Winston trở thành thân tàn ma dại với một nhân cách tàn lụi.
Điểm đặc biệt trong tác phẩm là nỗ lực phá vỡ ngôn ngữ của ông Anh Cả, theo nguyên lý không có gì là đúng và một từ có thể mang hai ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau. Những thuật ngữ vô nghĩa như “than sạch” hay “khí đốt tự nhiên” thường được một vài chính trị gia Mỹ ( cả đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ) hay các đại diện vô liêm sỉ của những công ty năng lượng sử dụng là vài thí dụ. Chúng làm người ta liên tưởng đến những khẩu hiệu của ông Anh Cả: “chiến tranh là hòa bình, tự do là nô lệ, vô minh là sức mạnh”. Ông Anh Cả không chỉ nói nước đôi, lắt léo kiểu lưỡi không xương mà còn thao túng, tha hóa, loại bỏ sắc thái và sự phong phú của ngôn ngữ. Giới hạn ngôn ngữ là giới hạn tư duy. Nhưng đó cũng chính là thâm ý của những kẻ mị dân độc tài.
Tuy vậy, theo Postman, tác phẩm của Aldous Huxley phù hợp với tình hình thế giới ngày nay hơn. Huxley mô tả một xã hội hưởng thụ hời hợt, nơi mọi người được giáo dục và khuyến khích yêu thích cuộc sống thoải mái. Trong Tân Thế Giới Tuyệt Vời, hai nhân vật chính Bernard và Lenina uống soma, một chất kích thích giúp họ cảm thấy hạnh phúc và thoải mái, say sưa mà không gây phản ứng phụ. Nhưng Bernard hoài nghi và muốn biết cảm xúc thật sự, thể hiện sự tức giận và ghen tuông, những thứ không hề có trong thế giới tuyệt vời. Từ lúc nhỏ, tất cả mọi người đã được học tập yêu thích những gì họ được phép làm hay phải tôn kính. Họ được dạy phải ghê tởm văn học và nghệ thuật, những thứ sẽ tạo ra thắc mắc, phản kháng khi họ trưởng thành. Những kẻ hay “đặt lại vấn đề” hoặc không tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng trong xã hội hài hòa sẽ bị đày đến các hòn đảo xa xôi.
Neil Postman đã khuyến cáo những hậu quả do sự phát triển công nghiệp gây ra và xã hội Mỹ là trường hợp điển hình. Theo Huxley, con người không cần một Anh Cả độc đoán nếu họ ngưỡng mộ một nền công nghệ làm thui chột khả năng suy nghĩ và khiến họ hài lòng sống chung với áp bức.
Cái Orwell lo sợ là sách báo bị cấm đoán. Cái Huxley lo sợ là chẳng cần cấm sách báo vì không còn ai muốn đọc. Orwell lo sợ quyền truy cập thông tin của chúng ta bị tước đoạt. Husley sợ thông tin tràn ngập nhiều đến mức chúng ta bị ngụp lặn trong biển thông tin, mất cái nhìn toàn diện và khả năng phán đoán, trở nên thụ động, chán nản rồi thờ ơ. Orwell sợ sự thật bị che giấu. Huxley sợ sự thật không còn giá trị và bị đánh tráo, đồng nghĩa với giả dối. Orwell sợ một nền văn hóa mất tự do, Huxley sợ một nền văn hóa tầm thường, chỉ trôi dạt theo cảm xúc, tràn ngập những thú vui sa đọa vô nhân tính.
Trong thế giới của 1984, mọi người bị khống chế bằng bạo lực. Trong Thế Giới Tuyệt Vời, mọi người bị kiểm soát bằng việc thả lỏng, cho phép tha hồ hưởng thụ.
Không khó để nhận diện các dấu hiệu nguy hiểm trong thế giới của Orwell vì nó vốn đã hàm chứa sự giám sát, kiểm soát, cưỡng bách và bạo lực. Thế giới của Huxley nguy hiểm hơn nhiều vì tâm địa hiểm hóc khó dò của kẻ cầm quyền trong việc duy trì quyền lực bằng cách ru ngủ và định hướng quần chúng.
Từ 1984 đến Tân Thế giới Tuyệt Vời, chúng ta thấy gì ở Việt Nam?
Không khó để chỉ ra những gì nhà nước cộng sản Việt Nam đã và đang làm đối với người dân trong nước. Đất nước này là phiên bản tổng hợp thực tế của cả hai cuốn tiểu thuyết nói trên. Từ viễn tưởng đã trở thành sự thật. Sau biến cố ở Bãi Tư Chính, nhà cầm quyền cộng sản đã thực hiện thành công điều Aldous Huxley từng lo sợ: "Chiến thắng lớn nhất mà việc tuyên truyền đạt được không phải là cách khiến mọi người làm việc gì đó nhưng là cách khiến họ không làm gì cả" (The greatest triumphs of propaganda are not achieved by getting people to do something, but by making them refrain to do anything). Thế hệ cha anh - những người còn quan tâm đến tương lai dân tộc - bất lực hay ngậm miệng ăn tiền. Vài tiếng nói phản kháng chỉ xuất hiện trong thế giới ảo dăm ba ngày rồi đi vào kho lưu trữ. Đa số đàn trẻ lớn lên chạy theo những cám dỗ vật chất, hoà nhập vào các trò chơi, chương trình giải trí mà chính quyền dọn sẵn trên TV. Rồi thể thao, showbiz, ca nhạc, thời trang, hội hè...! Những cái bã soma dưới hình thức khác. Mọi thứ còn lại đã có Đảng và Nhà Nước lo. Người Việt đang sống trong một thế giới tuyệt vời, sẵn lòng sống kiếp nô lệ tình nguyện, giao vận mệnh đất nước vào tay một thiểu số thống trị bằng dối trá và bạo lực.
Việc Trung Quốc thiết lập hệ thống tín dụng xã hội cho thấy sự thất bại hoàn toàn trong chính sách giáo dục. Việt Nam chắc chắn sẽ đi theo con đường đó, có thể với quy mô nhỏ hơn vì không đủ tài lực. Cái thòng lọng đang xiết dần vào cổ người Việt. Vui thú đi để đi vào chỗ chết!
15.08.2019