Tháng 10, kể một câu chuyện cũ! - Dân Làm Báo

Tháng 10, kể một câu chuyện cũ!

Mẹ Nấm (Danlambao)Tôi biết, lựa chọn của tôi, sẽ là kiếm những người bạn đồng hành, chịu ngồi xuống học hỏi, lắng nghe lẫn nhau, chịu thay đổi phương pháp đấu tranh tuỳ hứng theo thời vụ, để bắt tay vào xây dựng một phong trào của người Việt từ cách làm việc nhóm (teamwork) thật hiệu quả! Tôi biết tôi chẳng thể thay đổi quá khứ, nhưng tôi có thể thay đổi hiện tại đế hướng tới tương lai. Rất khó! Nhưng không có nghĩa là không làm được, tôi nghĩ vậy!
Vài lời nhắn gửi cho Nấm trước khi mẹ rời nhà 10/10/2016.
Một người bạn giữ lại hình này và nhắc "Ba năm rồi đó chị!"

Giờ nhìn lại những dòng chữ mà tôi đã viết trước lúc rời nhà đi một hơi 737 ngày từ ngày 10/10/2016, đến hôm nay tôi không thể hiểu nổi tại sao mình có thể bình thản phân chia tâm trí ra trong lúc đó như vậy!

Tôi chỉ nhớ ngay khi tay vừa bị tra vào còng, câu đầu tiên bật ra trong đầu tôi là “Con mình đi học về không thấy mình sẽ ra sao?”. Hàng chục công an, an ninh, kiểm sát bao vây đen đặc lúc đó chẳng là gì trước mắt tôi nữa. Điều đọng lại duy nhất trong đầu tôi ngay thời điểm đó là ánh mắt của Nấm.
Tôi đã học cách đóng mọi cửa ngõ vào đầu mình chỉ để viết những dòng này cho con, như nột lời dặn cuối cùng vì mình biết sẽ phải lâu lắm mới được gặp lại gia đình.

Viết xong những dòng chữ này, tôi bình thản đi ra khỏi nhà! Vì tôi tin con gái tôi đọc sẽ hiểu, và đúng là như vậy!

Nấm dù rất đau buồn, nhưng đã cố nuốt nước mắt vào lòng.

Con bị trầm cảm, phải đi điều trị tâm lý sau đó. Mỗi cuối tuần, chiều thứ 6 con lên tàu với bà Ngoại hoặc dì Cà Rốt để vô Sài Gòn đi gặp bác sĩ sáng thứ Bảy, rồi lại gấp rút lên tàu trở về trong ngày để đi học. Một bác sĩ ở bệnh viện lớn xem qua tình trạng của con và đề nghị con nên dùng thuốc. Nhưng may mắn có một chuyên viên khác nhận lời trò chuyện tư vấn với con mỗi tuần.

Ánh mắt Nấm lúc đó luôn mang hình viên đạn, tâm lý đầy sự thủ thế với người lạ. Và khi chuyên viên tâm lý hỏi :

- Con có khi nào khóc không?

Nấm trả lời:

- Tại sao mình phải khóc?! Khóc là sự yếu đuối , là hèn nhát!

Chuyên viên đã giải thích cho con, khóc là một cách giải toả cảm xúc, cũng như chia sẻ với người khác suy nghĩ của mình cũng là một giải pháp để bản thân nhẹ nhõm hơn. Đến Chúa Jesus cũng khóc thì con người khóc không có gì sai cả. Khóc là phản ứng tự nhiên của con người, khi nước mắt chảy ra không có nghĩa là người ta yếu đuối mà họ sẽ mạnh mẽ hơn sau đó!

Nấm dường như không tin lời giải thích này nên đã đem câu hỏi về nhà hỏi bà Ngoại, và hai bà cháu đã tìm trong Kinh Thánh đoạn Chúa Jesus rơi nước mắt.

Việt Nam bây giờ đối với Nấm gần như là nột phần ký ức đau buồn mà con muốn đóng lại. Không muốn nhớ đến! 

Có những tổn thương, không thể viết thành lời, và sự chịu đựng của một đứa trẻ lên 10 ở thời điểm đó quả là quá giới hạn.

Cũng thông tin này, ngay bên trong trại giam, tôi được Phan Bình Dương - Phó trưởng phòng PA92 CA tỉnh Khánh Hoà thông báo:

- Quỳnh, mày làm sao thì làm theo anh mày nên tìm cách về nhà cho sớm, càng nhanh càng tốt. Mày để lại gánh nặng cho mẹ mày quá lớn. Nhất là con Nấm, nó bị bệnh trầm cảm, sợ người lạ, không nói không cười!

Tôi đón nhận thông tin với thái độ bình thản, trở về buồng giam tôi lại học cách đóng hộp thông tin mình vừa nhận, để mở ra một hộp khác – hoà nhập và sống vui với bạn tù xung quanh.

Mỗi ngày trong tù là một cuộc vật lộn tâm trí - nhất là khi ở giai đoạn tạm giam, vì nếu không biết cách điều phối thông tin, tự tôi sẽ rất mệt nhoài.

Năm 2019, anh chị, bạn bè, em út cho tôi xem lại những gì mọi người đã viết trong những ngày đầu tôi bị bắt. Chúng tôi nhận ra một bầu không khí sợ hãi bao trùm. Những gì viết về việc tôi bị bắt và bị khởi tố bởi Điều 88 BLHS được đón nhận trong bầu không khí im lặng. Rất ít likes và comment chia sẻ. Chúng tôi cùng đọc lại và cùng thừa nhận sự sợ hãi làm tê liệt tất cả ở thời điểm đó.

Vài người yêu thương tôi lúc đầu còn nghĩ, chắc bắt rồi sẽ thả ra, tôi có làm gì ghê gớm, nguy hiểm đâu?! Nhưng đến khi xem những hình ảnh của cuộc trấn áp gia đình tôi cuối ngày 10/10/2016, viễn ảnh sẽ rất lâu tôi mới trở về dần dần hiện ra.

Câu chuyện của tôi trước khi rời Việt Nam khá dài, báo đài trong nước lẫn quốc tế cũng đã nói, tôi nghĩ mình sẽ chẳng nhắc lại nữa.

Bản án nặng nề và nhà tù là phương thức gieo rắc sợ hãi mà chế độ độc tài đã chọn trong nhiều năm cai trị. Và với kế hoạch vô hiệu hoá những người tranh đấu bằng cách tống xuất, đảng Cộng sản ít nhiều đã rất thành công trong việc gieo rắc nghi ngờ, chia rẻ. Nhưng với tôi, tất cả đều vô nghĩa.

2 năm sau khi tôi bị bắt, tôi đã bị tống xuất khỏi Việt Nam bằng máy bay dân dụng chứ không phải chuyên cơ của Quốc hội nhưng an ninh tỉnh Khánh Hoà vẫn mời bạn bè, người quen của tôi lên làm việc để "hỏi thăm", dò la chuyện tôi làm. Tôi biết, mình không bị vô dụng như họ muốn! Đó đã là một chiến thắng của cá nhân tôi!

Tôi nhận được bức hình kỷ niệm tròn 3 năm sau khi tôi bị bắt rồi bị tống xuất khỏi Việt Nam, phải thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời từ đầu nhưng vẫn có nhiều người xì xào cho rằng tôi đang thực hiện chủ trương "cài cắm" của Cộng sản sau khi thực hiện "khổ nhục kế". Nhóm người này không nhiều, nhưng cũng chẳng ít! Lẽ thường, tôi vốn chẳng bận tâm đến điều thiên hạ nói về mình, nhưng nó giúp tôi hiểu hơn về con người về nguyên nhân Cộng sản có thể kéo dài sự cai trị của họ! Cộng sản rất thích điều này!

Bây giờ và nhiều năm sau nữa sẽ chẳng có gì khác nếu tôi vẫn sống trong ngày hôm qua, điều này cũng như chuyện Biển Đông chẳng có gì mới, sau vài tháng bị Trung Cộng gây hấn.

Khi tôi bị tống xuất đi Mỹ, khá nhiều người nói với nhau rằng "Thế là xong, chấm dứt một cuộc đời hoạt động. Quỳnh nó sang Mỹ rồi sẽ lặn thôi, trước giờ nó có tự nó làm đâu, người khác giật dây nó đó chứ!"

Tôi im lặng, chưa bao giờ trả lời bất kỳ ai về lựa chọn tương lai của mình bởi sau 737 ngày tù đày tôi biết mình muốn gì và nên làm gì. Không nhất thiết phải chứng minh mình là ai để lấy lòng tin của người khác.

Sự yêu mến hay thán phục đến rồi sẽ đi nhưng sự tin tưởng, đồng hành cần được nuôi dưỡng qua các hành động thực tế.

"Ra nước ngoài là hết" chính là cách mà Cộng sản muốn. Và tôi cùng với anh chị, bạn bè mình, sẽ không để họ có được thứ họ muốn.

Tôi biết, lựa chọn của tôi, sẽ là kiếm những người bạn đồng hành, chịu ngồi xuống học hỏi, lắng nghe lẫn nhau, chịu thay đổi phương pháp đấu tranh tuỳ hứng theo thời vụ, để bắt tay vào xây dựng một phong trào của người Việt từ cách làm việc nhóm (teamwork) thật hiệu quả!

Tôi biết tôi chẳng thể thay đổi quá khứ, nhưng tôi có thể thay đổi hiện tại đế hướng tới tương lai. Rất khó! Nhưng không có nghĩa là không làm được, tôi nghĩ vậy!

Nhìn lại ngày 10/10/2016 và hôm nay ngày 10/10/2019, trên mặt trận thông tin, tôi nhận ra mình đã trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi có bạn bè, có anh em tốt những người hiểu và tin tưởng tôi.

Đến bây giờ thì tôi tin rằng, chiến đấu với độc tài, với cái sai cái ác là một cuộc chiến không có biên giới. Bởi khi mỗi cá nhân xác định được vai trò, vị trí, điểm mạnh, điểm yếu của mình để biết dừng lại, lắng nghe, học hỏi và tuân thủ kỷ luật, theo một chiến lược đường dài thì rõ ràng không quan trọng bạn ở đâu, Việt Nam hay Hoa Kỳ, Nha Trang hay Houston, bạn cũng sẽ làm được việc bạn muốn!

Tôi có gần 1 năm, để nhìn lại những xáo trộn, để xây dựng và bắt đầu lại từ đầu con đường của mình đã lựa chọn. Và đương nhiên, tôi cũng nhận ra sự thương yêu và che chở dành cho tôi chưa bao giờ có điểm dừng. Tôi sẽ chỉ nhìn thấy điểm này, như ánh lửa dẫn đường, soi sáng trái tim tôi để đi tới.

Và tôi cũng muốn bạn bè tôi biết rằng - tôi vẫn đã và đang bên cạnh các bạn, trong mọi lúc, để khuyến khích và ủng hộ các bạn được sống là chính mình, được làm điều mình muốn trên đôi cánh tự do. Khát vọng cho tự do của người Việt Nam chưa bao giờ tàn lụi trong tôi một ngày nào.

14.10.2016




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo