Từ Đồng Tâm nhìn tới tương lai của đảng CSVN - Dân Làm Báo

Từ Đồng Tâm nhìn tới tương lai của đảng CSVN

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - ...ĐCSVN đang đứng trước thềm đại hội đảng lần thứ XIII với quá nhiều dấu hiệu không lấy gì làm sáng sủa cho lắm, bởi "sự kiện Đồng Tâm" không còn gói gọn tại Việt Nam mà đang bị nghị viện Châu Âu xem xét kỹ lưỡng trong mối liên hệ với hiệp định thương mại EVFTA được thông qua hay không...

*

Theo báo chí trong nước - xung đột tại Đồng Tâm - do người dân sở tại chống đối đường lối chủ trương của ĐCSVN và pháp luật của nhà nước CHXHCNVN về sở hữu đất đai, kéo dài từ nhiều năm. 

Cho đến ngày 15 tháng Tư năm 2017, dân làng Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người Cộng Sản Việt Nam (CSVN) để đòi hỏi yêu sách của họ phải được đáp ứng. 

Cuộc xung đột tiếp diễn với quy mô lớn và khốc liệt gấp nhiều lần, dẫn đến 3 viên công an tử vong vào hôm 9 tháng Giêng năm 2020, 

ĐCSVN cùng nhà nước CHXHCNVN đã truy tặng huân chương chiến công hạng nhất và cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho 3 viên công an dưới đây: 

1. Nguyễn Huy Thịnh - Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn cảnh sát cơ động Thủ đô - E22. 

2. Dương Đức Hoàng Quân - Công an viên Trung đoàn cảnh sát cơ động Thủ đô - E22. 

3. Phạm Công Huy - Công an viên Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 3 Công an thành phố Hà Nội. 

"Thủ lĩnh và linh hồn" cùng những khuất tất

So với tất cả các vụ tranh chấp đất từ: Thủ Thiêm, Văn Giang, Cồn Dầu, Vườn Rau Lộc Hưng v.v... cho đến Đoàn Văn Vươn [1], Đặng Ngọc Viết [2], Đặng Văn Hiến [3] v.v... những người liên quan đến "vụ chống đối" tại Đồng Tâm được xem là "tội phạm đặc biệt nghiêm trọng" - khái niệm đã được "pháp luật hóa" trong Bộ Luật Hình Sự, bởi vụ án Đồng Tâm đã được khởi tố với 3 tội danh: "Giết người" - điều 123, "Tàng trữ vũ khí trái phép" - điều 306, "Chống người thi hành công vụ" - điều 330, trong đó tội "Giết người" có thể bị kết án lên đến mức tử hình. 

Đã có 30 người dân làng Đồng Tâm bị bắt giam trong ngày 9 tháng Giêng năm 2020, theo thông tin từ các báo trong nước. 

Đụng độ tại Đồng Tâm, tính cho đến nay, về phía dân làng, đã làm ông Lê Đình Kình thiệt mạng. 

Biến loạn tại Đồng Tâm xảy ra ngày 9 tháng Giêng năm 2020 - Một phần của tình trạng nhà nước dai dẳng tranh chấp đất với dân - có thể nói, nó diễn ra như chưa từng được biết đến suốt chiều dài liên tục 45 năm, tính từ 1975 với nhân vật Lê Đình Kình được xem là "thủ lĩnh và linh hồn" của dân làng. 

Đông đảo người dân dễ dàng tìm thấy hình ảnh như vậy từ wikipedia trích yếu lý lịch [5]: 

Ông Lê Đình Kình sinh năm 1936 cư ngụ tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành thành phố Hà Nội; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhiều năm là lãnh đạo xã Đồng Tâm; từng là Chủ nhiệm Hợp tác xã, Trưởng Công an xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm vào những năm 1980. 

Sau khi nghỉ hưu, với bề dày tham gia cách mạng cùng uy tín lâu năm trong làng, ông Lê Đình Kình trở thành người có ảnh hưởng rất lớn tại xã Đồng Tâm. 

Trang kiemsat.vn phát hành ngày 02 tháng Năm năm 2017 với tựa đề "Thôn Hoành hồ hỡi đón cụ Lê Đình Kình trở về" [6]. Trong bài báo, ngoài những lời trân trọng, còn có hình ảnh dân làng rất đông đảo cùng phấn khởi chào đón Lê Đình Kình xuất viện, sau khi ông tạm bình phục từ việc xương đùi bị gãy trong cuộc xô xát ngày 15 tháng Tư năm 2017. 

Ông Lê Đình Kình cũng được tặng huy hiệu 60 năm tuổi đảng- trang kiemsat.vn cho biết thêm. 

Từ năm 2013, ông Kình tham gia "Tổ đồng thuận" của nhân dân xã Đồng Tâm đại diện cho họ gửi đơn thư khiếu kiện về đất đai. 

So với tất cả địa phương khác, việc đòi hỏi và bảo vệ quyền sở hữu đất đai của người dân Đồng Tâm trở thành một tổ chức tự phát mà báo Người Lao Động đưa tin rằng, Tô Ân Xô - Chánh Văn Phòng Bộ Công An nói với báo giới [7]: "Lời khai của một số đối tượng bị bắt xác nhận ông Kình là người cầm đầu, chủ mưu các hoạt động chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật trong vụ việc tại Đồng Tâm"

Tuy nhiên, đông đảo người theo dõi lấy làm lạ về khái niệm "người cầm đầu" sẽ được hiểu ra sao với một ông già 84 tuổi cùng đôi chân tập tễnh, ở tại giường ngủ trong phòng riêng "điều binh khiển tướng" như thế nào vào lúc bóng đêm vẫn còn đặc quánh phủ trùm xung quanh mảnh đất hơn 50 hecta với toàn bộ đường internet tại đó bị khống chế? 

Sự nghi ngờ về vai trò "người cầm đầu" càng tăng lên gấp bội, khi báo giới khẳng định, xác của ông Lê Đình Kình được phía Công an Hà Nội trả về cho gia đình để mai táng mà cái xác đó đủ sức ám ảnh tất cả những ai nhìn qua với phát đạn ngay tim và đường mổ suốt chiều dài từ yết hầu cho đến rốn?! 

Ông Kình chết tại nhà, tại địa điểm nào đó trong làng Đồng Tâm hay tại nơi bị bắt giam của Công an Hà Nội? Dù chưa thể xác định tại đâu, nhưng điều không thể chối cãi - bởi do chính phía Công an Hà Nội xác nhận - họ "làm chủ" cái xác, trước khi trao trả cho gia đình Lê Đình Kình.- "người cầm đầu"(!). 

Báo Vietnamnet cũng cho hay [8]: "Theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, khi khám nghiệm tử thi, trên tay của ông Lê Đình Kình cầm giữ quả lựu đạn"

Tại sao cần phải có một đường mổ thật dài như vậy để làm gì? Nếu đó là giám định pháp y thì biên bản là điều bắt buộc phải có, nhưng người ta không nhìn thấy được trao cho gia đình "người cầm đầu"? Ông Kình chết vào lúc mấy giờ? 

Ông Kình "cầm quả lựu đạn" (nếu là thật) chưa kịp giật chốt và ném về phía công an - điều này vô hình chung, đã xác nhận phát đạn ngay tim được bắn ra ngay trong phòng ngủ của ông là đúng. Một câu hỏi cũng cần đặt ra, ai đã cung cấp quả lựu đạn mà ông Kình bị cho là "cầm trên tay"

Một thông tin có liên quan mật thiết về vụ công an Hà Nội tấn công làng Đồng Tâm: Số lượng gọi là "vũ khí" của người dân - do các trang báo trong nước đưa lên - lại không nhìn thấy bất cứ một cây súng nào, dù bất kể đó là loại súng gì - Làm sao có thể phản công phía công an lăm lăm trong tay toàn là võ khí chuyên nghiệp? 

Sinh thời, những lời nói của ông Lê Đình Kình mang đậm nét của những đại quan liêm chính xa xưa, như: Chu Văn An với "Thất Trảm Sớ" hay La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp được vua Quang Trung nhiều lần vời ra giúp nước. 

Dáng vóc của ông Lê Đình Kình với chòm râu bạc làm người ta nhớ lại hai câu thơ của Tố Hữu: 

Mong manh áo vải hồn muôn trượng 
Hơn tượng đồng phơi giữa lối mòn. 

Có lẽ vì thế, trên mạng xã hội cho biết, sáng ngày 13 tháng Giêng năm 2020, toàn bộ người làng Đồng Tâm đều thắt khăn tang để tiễn đưa ông Lê Đình Kình cùng với nhiều người ở các làng kế cận và cả từ phương xa. 

Nước CHXHCNVN - khởi thủy từ Hồ Chí Minh "lập quốc" - vẫn là một nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu đậm chất phong kiến thời kỳ suy tàn kéo dài mãi đến tận bây giờ, với khao khát "Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020" đã hoàn toàn phá sản - Là bằng chứng khó thể chối cãi, dành cho người CSVN khi họ vẫn cứ khăng khăng con đường "công nghiệp hóa - hiện đại hóa"! 

Dù Hồ Chí Minh đã khuất hơn 50 năm, nhưng "sùng bái cá nhân" vẫn chiếm một vị trí rất đáng kể trong xã hội hiện nay. Đặc biệt, qua "vụ án Đồng Tâm", khái niệm này càng đậm nét, bởi nguyên nhân quan trọng nhất: Người dân Việt Nam không còn chỗ nào bám víu vào niềm tin công lý ngoài những "lãnh đạo tinh thần" như ông Lê Đình Kình - đã được gọi tên "Anh Hùng". Đó là thực tế rất cần một cuộc điều tra xã hội học cho người dân mất đất nói riêng và toàn dân Việt Nam nói chung. 

Có lẽ hình ảnh và hành động của ông Lê Đình Kình sẽ buộc rất nhiều người, trong đó nhất là người CSVN phải "đau đầu" trong những ngày tháng trước mắt, bởi sự rầm rộ của dư luận trong và ngoài nước thuộc vào bậc nhất của những người dân mất đất tính từ 45 năm qua. 

Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam mất kiểm soát?! 

Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc đánh úp làng Đồng Tâm vào đêm hôm khuya khoắt là một việc làm không chính danh của "nhà nước CHXHCNVN". 

Thật vậy, Luật Đất Đai đã nêu rõ tại: 

Điều 70. Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc 

1. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc: 

a) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật; 

b) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính. 

Như vậy, việc công an Hà Nội huy động lực lượng vũ trang tấn công vào làng Đồng Tâm hoàn toàn sai trái, dù có được biện minh với động từ "cưỡng chế". Đây là hành vi mất kiểm soát đầu tiên của nhà cầm quyền CSVN. 

Đài RFA vào hôm 11 tháng Giêng năm 2020 cho hay [9] Bộ Thông tin - Truyền thông đã mất hết kiên nhẫn với tập đoàn Facebook, khi "làn sóng ngày biển động dữ dội" về cuộc tấn công của công an Hà Nội vào làng Đồng Tâm lan truyền trên mạng Facebook khiến cộng đồng mạng có nguy cơ chìm lỉm từ thông tin vô số chiều, trong đó "giới hăng hái và quyết tâm bảo vệ nhà cầm quyền CSVN bằng mọi giá" bỗng nhiều đến mức như "đội quân bóng đêm" trong bộ phim "Xác Ướp Ai Cập" tràn về che khuất cả "Mặt Trời đang tỏa sáng ở Việt Nam" - Nguyễn Phú Trọng - người ký truy tặng huân chương cho ba vị gọi là "liệt sĩ - tự hào vô kể về hình ảnh tươi sáng như thế(!). Vì vậy, thái độ mất hết kiên nhẫn của Nguyễn Mạnh Hùng là hành vi mất kiểm soát thứ hai cần nêu ra trong "vụ án Đồng Tâm". 

Rất nhanh nhảu với việc truy tặng huân chương và bằng "Tổ quốc ghi công" là hành vi mất kiểm soát thứ ba cần nêu ra. Bởi, Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư nói rằng: "khi sang châu Âu 10 năm sau Liên Xô sụp đổ, nghe các phương tiện thông tin đại chúng ở đây nói về sự kiện này như một ngày hội, ông đã rất đau xót. "Mình nghĩ lại làm sao để Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy" - báo Thanh Niên đưa tin [10] vào ngày 25 tháng Chạp năm 2019. 

Cũng theo báo Thanh Niên nói trên, Trần Quốc Vượng cho biết thêm: "vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ, do đó, cần hết sức chú ý công tác nhân sự, nhất là nhân sự cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới. Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi". 

Nhân sự tham gia vào cuộc tấn công làng Đồng Tâm, cho đến nay không biết chính xác bao nhiêu nhưng chắc chắc lệnh điều động phải có cũng như phải có cụ thể tên tuổi người chỉ huy trận đánh kèm với người ký lệnh điều động. 

Kết luận 

ĐCSVN đang đứng trước thềm đại hội đảng lần thứ XIII với quá nhiều dấu hiệu không lấy gì làm sáng sủa cho lắm, bởi "sự kiện Đồng Tâm" không còn gói gọn tại Việt Nam mà đang bị nghị viện Châu Âu xem xét kỹ lưỡng [11] trong mối liên hệ với hiệp định thương mại EVFTA được thông qua hay không. 

"Con đường Bác đi" - một hình ảnh lung linh và huyền diệu, ru ngủ hàng triệu đảng viên được xem là trung kiên nhất trong hàng chục năm qua đang bị nứt toác và đầy những ổ gà, ổ voi do chính tay người CSVN tạo ra từ những "trạm BOT lương tâm"... 

Khi tôi còn là hạt bụi, người đã lên tàu đi xa
Khi bến Nhà Rồng đầy nước mắt, bước chân Bác đặt chốn này
Dấu chân không nhẹ như mây
Dấu chân không êm không ấm
Dấu chân không là dấu nắng
Mười ngón trăn trở bầm sâu
Dấu chân của Dân đứng đâu
Nặng hai vai là Tổ quốc... [12] 

Thầm lặng ở cuối dòng người tiễn đưa nhà "lão thành cách mạng" Lê Đình Kình chắc chắc có "dấu chân của Bác" ngậm ngùi đưa tiễn... 

Chú thích:

[12] Dấu Chân Phía Trước - sáng tác Phạm Minh Tuấn 

14.01.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo