Mai Xuân Trần (Danlambao) - Việc trái đất có nóng hơn 1 hay 2 độ C đối với chúng ta hình như không có gì đáng lo vì chúng ta không ý thức được ảnh hưởng tai hại của nó trên toàn bộ môi sinh. Nếu bầu khí quyển tăng nhiệt thì sẽ ảnh hưởng tới mực nước biển, các tảng băng tuyết ở hai vùng Nam cực và Bắc cực sẽ chảy dần và như thế mực nước biển sẽ dâng cao lên khoảng từ 7 đến 165 phân tây. Nước dâng cao thì sẽ gây lụt lội, bão tố, thiệt hại mùa màng, nhứt là ở các vùng duyên hải hoặc các vùng thấp gần mực sông như sông Hằng, sông Nil. Ngay cả các thành phố lớn như Luân Đôn, Nữu Ước, Bangkok cũng khó tránh khỏi thiên tai.
Rừng cây bị đốn phá:
Rừng cây bị đốn phá thì liên quan gì đến chúng ta? Phi Châu đã mất gần phân nửa số rừng xanh đã có trước đây. Hiện tại Á châu cũng đang bắt chước các nước văn minh Âu Tây mà đốn phá rừng núi. Ai cũng biết con người phải hít thở thì mới sống được. Hít dưỡng khí (oxygène) và thở ra thán khí (gaz Carbonique).Trong khi đó thì cây cỏ cũng hít thở để sống, nhưng lạ lùng và may mắn thay chúng không dành lấy dưỡng khí của ta mà ngược lại chúng hít thán khí và thở ra dưỡng khí. Cây cỏ hít thở cùng với con người, cho con người và như vậy tất cả những rừng cây trên trái đất chẳng khác gì những lá phổi thiên nhiên hay là những máy điều hòa không khí khổng lồ. Có người bảo nếu không chặt cây, đốn rừng thì lấy đâu ra củi để sưởi. lấy gỗ làm nhà. Không ai cấm chúng ta chặt cây đốn rừng cả, vấn đề được nêu ra ở đây là rừng cây (sản phẩm của mấy ngàn năm đang bị đốn phá với tốc độ quá mức tưởng tượng). Xưa kia khi cần củi để đốt hay gỗ làm nhà thì người tiều phu vác búa, vác lều vào rừng chặt cây đốn củi nhưng không vì thế mà rừng cây bị tiêu diệt. Ngày nay với máy móc tối tân, chỉ trong chốc lát người ta có thể đốn hàng ngàn cây rừng. Đốn thì cứ đốn nhưng phải để cho cây cối có thì giờ mọc lại chứ! Công trình xây dựng ngàn đời chỉ một phút chốc tan hoang.
Ngoài việc điều hòa không khí, rừng cây còn là một môi sinh quan trọng và tối ư cần thiết cho tất cả mọi loài sinh vật. Chúng là nơi trú ẩn mà lại là kho thức ăn của thú rừng, chim chóc. Khi mưa xuống rừng cây hút nước và giữ đất không để cho nước cuốn trôi đi. Tất cả những sinh tố của cây cỏ trở lại hoà lẫn với đất làm giàu khoáng chất. Với đà tiêu thụ rừng cây hiện nay, mặt đất trở nên xơ xác vì bao nhiêu khoáng chất, sinh tố đều bị mưa gió cuốn đi hết, không còn cây che nắng mùa hè, không còn cây để giữ nước mùa mưa. Hậu quả của nó chính là những trận lụt lội và hạn hán thường xuyên xảy ra trên thế giới. Tham gia vào việc tiêu diệt rừng cây không phải chỉ có sự đốt rừng mà còn có một yếu tố khác nữa đó là những trận mưa Á-xít (pluie acide). Những trận mưa nầy rơi xuống rừng làm cho cây cối tàn úa, mất lá, những rễ cây teo lại, nhỏ dần và tan rã. Sự kiện nầy đã được ghi nhận xảy ra ở các nước vùng Tây Âu (Anh, Đức, Thụy Điển…) và ở vùng Bắc Mỹ châu (Hoa Kỳ,Gia Nã Đại) Nguyên nhân của nó không gì xa lạ chính là sự gia tăng tiêu thụ xe hơi và máy bay, sự sản xuất hàng ngàn chất liệu hóa học mỗi năm, sự kỷ nghệ hóa canh nông, sự khai thác quá mức các mỏ nhiên liệu, tất cả đã họp nhau lại mà phá hoại thiên nhiên. Chúng ta cần nhớ rừng cây là nguồn sống. Nếu cha mẹ là người đã sanh ra ta thì rừng cây chính là người vú em đã nuôi ta lớn. Rừng cây điều hòa không khí cho chúng ta thở, lọc nước cho chúng ta uống, tạo đất cho chúng ta trồng trọt. Tiêu diệt rừng cây chính là tiêu diệt nguồn sống.
Đất màu thành đất muối:
Cuối thập niên 60, hai kỷ sư của Bộ Thủy lợi Nga Sô đã lập một dự án khổng lồ: đào ngược dòng hai con sông lớn vùng Trung Á, sông Amou-Daria và sông Syr-Daria để dẫn nước về vùng đồng bằng khô cằn cuả hai tỉnh Ouzbekistan và Turmenistan. Mục đích của dự án nầy là muốn biến 10 triệu mẫu đất trước đây là đồng cỏ dại, thành những cánh đồng trồng trọt. Một năm sau, kết qủa của dự án dẫn thủy nhập điền trên là hai phần ba vùng đất được tưới nước đã biến thành những cánh đồng muối không thể trồng trọt gì được. Lý do là sự dẫn nước vĩ đại đã làm trồi lên mặt đất những chất muối trước kia nằm dưới lòng đất. Số đất“sống sót“ còn lại được khai thác triệt để quá mức đến nổi nếu không dùng phân bón hóa học thì không thể gặt hái gì được và cùng lúc để bảo vệ số mùa màng hiếm hoi, người ta đã phải xịt hàng ngàn tấn thuốc sát trùng khiến nước uống ở các vùng nầy đều bị nhiễm độc.
Làm canh nông, việc dẫn nước về tưới ruộng là đương nhiên, nhưng sau đó phải biết cho đất "nghỉ ngơi" một thời gian để nước mưa có đủ thì giờ cuốn trôi đi số luợng muối trên đất. Ngày nay với tâm lý tiêu thụ, con người muốn gặt hái cho nhiều, cho mau nên dẫn nước cho cố để rồi sau một thời gian ngắn, ruộng đất mầu mở trở thành đất chết. Ở Trung Hoa từ năm 1971 đến năm 1985 có hơn 900.000 mẫu đất trở thành đất chết vì lý do trên. Dù máy móc, kỷ thuật có tối tân cách mấy đi nữa, nếu không biết để cho đất nghỉ ngơi thì khó tránh khỏi đất mầu thành đất muối.
Sông biển thành cống rãnh:
Trung bình mỗi năm có hơn 400.000 kílô mét khối nước bốc hơi từ biển lên không trung, sau đó biến thành mưa hoặc tuyết rơi trở xuống, 10% số nước nầy thấm xuống lòng đất, 90% còn lại chảy về biển cả dưới nhiều hình thức: sông ngòi, lạch, thác, suối v.v... Nhà triết gia cổ Hy lạp Héraclite có nói: "một người không thể tắm hai lần trong một giòng sông". Đại ý câu nầy nói lên tính chất hằng chuyển, vô thường của các giòng nước. Nhờ tính chất hằng chuyển nầy mà các sông ngòi không bị ứ động, sình thối: các chất phế thải ô uế của con người vứt xuống sông đều được cuốn trôi đi và nhờ đó các loài thủy tộc, cá, tôm v.v... mới sinh sống được. Không những cá, tôm sống nhờ nước mà ngay cả con người cũng phải nhờ nước mới sống được. Người ta có thể nhịn ăn một tháng nhưng không thể nhịn uống quá một tuần. Trong cơ thể con người có hơn 70% là nước. Do đó nước là nguồn sống, không có nước là chết.
Ngoài sự phế thải phân tiểu, rác rến của con người, lại có thêm sự phế thải các chất kim khí, độc tố hóa học của các xưởng kỹ nghệ hoặc các chất sát trùng từ những cánh đồng do mưa dẫn về. Do đó các giòng nước, sông lạch trở thành ô nhiễm chẳng khác gì cống rãnh, đến nỗi cá tôm không còn oxygène để sống. Không những cá tôm chết mà con người cũng chết.
Tệ hại nhất là các nước phát triển về kinh tế tuy ý thức được vấn đề ô nhiễm môi sinh, thay vì tìm cách chữa trị tận gốc, lại tìm cách tống những phế thãi ô nhiễm của mình đến các nước nghèo chậm tiến. Nước ta là một trong những nước xấu số đó. Mấy năm qua miền Trung đã hứng nạn ô nhiễm Formosa mà dân nơi đây là nhân chứng sống hay nạn nhân chết dần cùng cá chết tươi hàng loạt trôi đầy trên biển. Cá tôm chết thì dân chài lưới thất nghiệp, nợ nần chồng chất. Biển không tha mà đảo cũng không chừa. Các hải đảo nhỏ được con người chú ý tới khai thác tối đa, khai thác trong chiều hướng ô nhiễm bằng cách biến những hòn đảo xinh đẹp vùng Thái Bình Dương thành những bãi thí nghiệm bom nguyên tử.
Không khí, nước và thức ăn ô nhiễm:
Hãy thở đi bạn, chúng ta là sinh vật mà! Sinh vật nào mà chả hít thở. Cây cỏ kia còn phải hít thở nữa huống chi con người. Hít thở là sự sống và cũng là một niềm tự do. Nhung niềm tự do đó đang bị tước đoạt. Hít thở sao cho nổi khi không khí chỉ toàn là khói bụi xăng, nhớt. Sống ở tỉnh hay thành phố mà muốn hít thở được một chút không khí trong lành thật không phải là chuyện dễ. Ra đường thì khói xe hơi, khói kỷ nghệ, vào sở làm thì khói thuốc lá, về nhà thì không khí bế tắc.
Về thức ăn, hầu như ai cũng phải công nhận tất cả thức ăn bày bán trên thị trường không có thứ nào mà không bị nhiễm thuốc sát rùng, không nhiều thì ít. Đâu phải chỉ có nhiễm thuốc sát trùng mà thôi, các thứa ăn mà chúng ta dùng hàng ngày, còn bị nhiễm rất nhiều độc tố hóa học khác, nhất là các chất kích thích tố (hormones) và trụ sinh. Các súc vật như gà, vịt, heo, bò ngày nay được nuôi dưỡng những chất trên để da thịt mập mạp nặng ký hầu chóng bán ra thị trường.
Gương xưa châu Đại Dương:
Cách đây khoảng 12.000 năm về trước, trên trái đất có một châu tên là châu Đại Duơng (Atlantide). Người ở đây rất thông minh, nền văn minh của họ tiến bộ gấp trăm hay ngàn lần nền văn minh khoa học của chúng ta hiện nay. Họ đã chế biến những dụng cụ rất tối tân, có thể làm đảo lộn thời tiết như biến mùa Đông ra mùa Hè. Có thể vận dụng ý tưởng để di chuyển đồ đạc v.v... Tuy nhiên sự tiến bộ khoa học mà không đi đôi với đạo đức thì dễ gây ra thảm hoạ. Một số người gian ác đã lợi dụng khoa học để gây phe đảng và củng-cố quyền lợi cá nhân. Từ đó xảy ra chiến tranh giữa các bè phái, họ đem ra những vũ khí rất ư là tối tân và độc-địa để tàn sát lẫn nhau, và cùng lúc họ cũng vô tình hủy hoại vùng đất nơi họ đang ở. Một số các hiền giả đạo đức thấy rõ nguy cơ diệt chủng sắp đến, nên họ đã tìm cách di cư lánh nạn. Một số di cư sang châu Âu và lập nghiệp ở Ai Cập (Egypte), nơi đây có những Kim Tự Tháp được xây trước đây trên 6000 năm, đó là những vết tích văn minh của nhiều thế hệ con cháu giống dân Đại Dương (Atlantes), một số khác di cư sang châu Mỹ và họ là sơ tổ của các giống dân Mayas Incas. Ở miền nam Mỹ châu cũng có những Kim Tự Tháp tương tợ như ở Ai Cập với những nét kiến trúc hơi khác.
Các nhà tiên tri Atlantes đã đoán đúng, sau cùng châu Đại Dương đã bị một trận Đại Hồng Thủy, tức đã bị những trận thiên lôi địa chấn và chìm xuống đáy biển. Nơi đây sau nầy trở thành biển Đại Tây Duơng (Océan Atlantíque) ngăn cách Châu Âu và châu Mỹ. Sự tích của châu Đại Dương được đa số xem là một huyền thoại, nhưng vẫn có một số ít các nhà khoa học khảo cổ tin chắc sự hiện hữu của châu nầy. Cuộc sống đâu phải chỉ những gì mắt thấy tai nghe mới là thật có. Còn rất nhiều điều tai thịt, mắt thịt của chúng ta không nghe, không thấy mà chúng vẫn hiện hữu. Thí dụ điển hình như Kim Tự Tháp Ai Cập, đến nay vẫn chưa ai hiểu nổi làm sao cách đây 6000 năm, con người đã có thể khiêng và chồng lên nhau gần 2 triệu tảng đá, mỗi tảng nặng khoảng 2 tấn.
Hiện nay nhân loại đang đi vào con đường diệt vong cũ của châu Đại Dưong mà không hay biết. Đã có biết bao nhiêu cuộc bể dâu, trước kia là biển nay thành đồng hoang, trước kia là núi nay ra biển cả. Mặt mũi của Trái đất cũng thay đổi như mặt mũi chúng ta. Khi vui mặt đẹp, khi buồn sầu đau. Khi con người biết sống trong thương yêu, hòa thuận với nhau thì mặt đất cũng xanh tươi, lúa mạ phì nhiêu, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Khi con người thâm hiểm, gian ác, ích kỷ chỉ gây đau khổ cho nhau thì mặt Trái Đất cũng nhăn nhó, động đất, thiên tai bão lụt, nhà nhà đói khổ, than oán…
Thiểu dục tri túc:
Thiểu dục tri túc có nghĩa là ít ham muốn và biết dùng vừa đủ. Không nên lầm thiểu dục với keo-kiệt. Thiểu dục tri túc được kể là điều giác-ngộ thứ hai trong tám điều giác-ngộ của bậc đại nhân (Kinh Bát Đại Nhân Giác) Người tiêu xài phung phí được ví như "kẻ ăn táo rừng". Có một người muốn ăn táo bèn vào rừng hái táo. Đến dưới chân cây táo, anh ta không leo lên hái mà đứng dưới rung cây làm tất cả táo trên cây đều rụng hết, chín cũng như chưa chín. Sau đó anh ta chỉ nhặt lựa những trái đẹp ưa thích còn bao nhiêu trái khác để lại mặc cho tất cả bị thối rữa. Như ong bướm kia chúng hút nhụy hoa để sống mà không làm hại hoa, không tàn phá hoa, ngược lại chúng làm cho hoa thêm vẻ đẹp.
Cứu độ trái đất:
Là một thông điệp quan trọng hiện nay trên thế giới mà tất cả chúng ta không thể không biết đến. Nhiều bậc tôn đức trong Phật giáo từ lâu đã ý thức được tính đồng sanh cộng tử, tương quan, tương duyên của mọi loài đã lên tiếng cảnh tỉnh và nhắc nhở chúng ta, nhưng thông điệp của các ngài, chúng ta vẫn chưa tiếp nhận được vì mải mê theo vật chất, sống đời lãng quên. Thiền sư Ajahn Pongsak trụ trì chùa Palad (Wat Palad) gần tỉnh Chiang Mai vùng bắc Thái Lan, năm 1980 đã đích thân ra tay hướng dẫn dân làng vùng Mae Soi tái thiết lại các khu rừng bị tàn phá và dẫn nước về làm sống lại vùng đất khô cằn, mặc dù vùng Mae Soi đã bị chính phủ tịch thu và ra lệnh cấm không cho ai được quyền đụng tới. Ban đầu việc làm của ngài gặp nhiều trở ngại, phản đối của nhà cầm quyền, ngay cả một số đệ tử, cư sĩ của ngài, hiện nay có chức sắc trong chánh phủ cũng làm ngơ không giúp đở vì họ không hiểu được rằng sự tái thiết rừng cây chính là Phật sự. Đối với họ, Phật sự chính là xây chùa tháp và cúng dường chư Tăng. Tuy vậy ngài vẫn kiên nhẫn tụ họp dân làng và giảng giải cho họ rằng "Đối với người nông dân, rừng cây không những là căn nhà thứ nhất (từ đó mới có gỗ xây nhà ở) mà cũng là cha mẹ thứ hai. Nếu ta mang ơn cha mẹ đã sinh ra ta thì sao ta có thể quên ơn rừng cây đã nuôi sống ta. Một cái tâm không biết ơn rừng cây là một cái tâm thô tục, không có giới pháp. Và một cái tâm như thế làm sao có thể mong giác-ngộ được?"
Tỵ nạn thiên nhiên:
Nhân danh kỹ nghệ văn minh tiến bộ, con người đã và đang tiếp tục tàn phá môi trường thiên nhiên: rừng cây, đất mầu, sông biển v.v... khiến cho dân cư ở đây, vì lâm vào tình trạng thất nghiệp đói kém, phải đi tỵ nạn về tỉnh hoặc thành phố với hy vọng kiếm được sinh nhai.
Trước đây 40 năm, dân số ở các thành thị trên thế giới có khoảng 600 triệu, ngày nay số đó đã lên tới 2 tỷ. Đâu phải ai về tỉnh hoặc sống ở tỉnh cũng dư giả hoặc dễ sống hết đâu. Dân số càng đông thì tổ chức xã hội càng khó và phức tạp. Khổ nhất là cho các nước chậm tiến. Hàng triệu người sống chui rúc trong các chung cư bần dân, những cư xá lụp xụp. Nhà làm bằng mái tôn rỉ cũ xiêu vẹo, cửa số vá víu bằng bao ny lông hoặc giấy các-tông, nước uống, nước rửa pha chảy lẫn lộn; trẻ con thiếu ăn, bụng phình trướng, quanh năm suốt tháng sống với tiếng ồn, mùi xú uế, hơi khói, chí rận. Đó là số phận của những người tỵ nạn thiên nhiên.
(*) Trích sơ luợc trong sách“ Xin Cứu Độ Mẹ Đất“ của TT Thích Trí Siêu (Pháp quốc).
22.02.2020