Nhập thất - Dân Làm Báo

Nhập thất

Mai Xuân Trần (Danlambao) - Tháng tư Âm lịch Phật Giáo có mùa an cư kiết hạ kéo dài ba tháng. Các chư Tăng, Ni đều ở yên trong chùa, Tự Viện. Qúy Thầy không được đi muôn phương khất thực, sợ ra ngoài dẫm đạp côn trùng, phạm giới sát sanh. Bây giờ chưa tới tháng Tư, khi không cả thế giới tự nguyện đồng ẩn cư trốn dịch. Hàng phật tử tại gia cũng vội vàng thu xếp mọi việc để nhập thất cho an toàn tánh mạng. Mùa xuân đang tới ai nấy tưởng được trút bỏ bộ quần áo nặng trịch nhiều lớp để hưởng gió xuân, ngắm hoa nở chim hót... ngờ đâu... Thôi thì cùng nhau nhập thất cho thân an tâm lạc.

Có sự ngược đời, một mặt lo bảo vệ côn trùng, mặt khác lại muốn tìm diệt virus Tàu. Loài nầy còn sống sẽ mang mầm bệnh và chết chóc gieo rắc cho nhân loại. Vậy thì nó có chết mình mới yên ổn sống được! Chứng minh sự độc hại nầy, toàn thế giới, luôn cả nuớc Việt anh hùng, can đảm tự hào lung tung, giờ nầy đã hết… nổ rồi, cũng lo chống giặc như ai. Làm chi thì làm, trước nhất mọi người cần mang khẩu trang, xịt thuốc sát trùng phải luôn rửa tay sợ rủi ro, lỡ em virus Vũ Hán thích bám vào ai dù chỉ một cái hôn nhẹ trên má hay chạm tay quẹt mũi là thấy "thành tích" giết người của em, không cần dao, súng chi rườm rà.

Xứ Đức nầy liên tục đưa tin cùng thông báo nhắc nhở mọi người nên làm gì và không nên ra sao để chống bệnh. Nhưng mà từ bà Thủ Tướng, Thị Trưởng đến các Ban, Ngành hết nhắc nhở lẫn thông cảm nhẹ nhàng dân cũng lơ là, họ tranh thủ vớt vát một vài tự do cá nhân. Thấy không xong, kết quả xấu vẫn tăng lên mỗi ngày, cách duy nhất là ra kỷ luật gắt. Lệnh giới nghiêm bắt đầu hiệu nghiệm, điều nầy chỉ thi hành khi nước có giặc giả, biến loạn. 

Tình hình bây giờ cũng tương tự vậy, mỗi nước đang có giặc… dịch, có biến động không riêng nước nào được thái bình, thế mới khủng khiếp! Nghiêm lệnh ngăn cấm thì mỗi quốc gia đều áp dụng giống nhau ai cũng nắm vững, kể cả các em nhỏ từ mẫu giáo trở lên. Chúng bị nhốt trong nhà tù túng phải căn nhằn ba mẹ nó “sao ở nhà hoài vậy?” Tôi còn bức rức huống chi con cháu mình và bạn bè. Trước khi lệnh giới nghiêm ban ra, tôi len lén thả bộ một vòng cách nhà hơn trăm mét có hồ thiên nga bơi lội tung tăng để dọ tình hình thấy cũng đông nhưng mọi người ý thức ngồi cách khoảng nhau dù ngồi trên băng đá. Bầu trời nơi tôi ở ngày nầy rất ấm áp, nắng đang reo vui với đám trẻ con hồn nhiên được cha mẹ dẫn ra nô đùa tắm nắng. Trong công viên nổi tiếng của vùng Bayern là Englisch Garten thì đông, ồn hơn. Khách dập dìu tới lui ồn ào, có cảnh sát đi tuần qua lại trong đó do lời kể nhỏ bạn thân báo cáo. Cô còn bực mình trách lén chồng cô không nghe lời nhà nước dặn dò. “Bệnh cứ tăng nơi vùng nầy cũng tại những người vô tư như ông xã tui đây”! Tôi nghe loáng thoáng trường học của bạn đứa cháu nhỏ có ca nhiễm rồi.

Cách khoảng không xa nhà có dăm ba Hotel lớn có, trung bình có được “hân hạnh” đón chào du khách Ý tràn qua khi lệnh đóng cửa quán ăn, cửa hàng bên xứ họ nên vội chạy trốn qua Đức cách đây hơn tháng. Bây giờ lệnh trục xuất đuổi về hết rồi nhưng “dư hương” của mì Spaghett, cà phê Italie nổi tiếng không biết theo họ về chưa?. Riêng tôi khi đôi chân giới hạn đi để thấy, bắt buộc tôi phải căng tai nghe. Siêng chăm chú đưa mắt lên truyền hình, liếc báo coi và gọi bạn nghe họ chia xẻ đau thương. Bạn bè kể phải sàng lọc bớt 50% là vừa. Ai mang bệnh lo thích tưởng tượng “viễn cảnh” u ám rồi thổi phồng nó lên để tặng nhau, dĩ nhiên mình cũng bị nhận ít nhiều trong đó gọi là chia vui xẻ buồn. Vui dĩ nhiên không vui mà cái “nổi sùng” lại tới khi tranh luận quốc tịch con virus với một chị bạn. Là người Tàu dĩ nhiên chị ta đổ thừa mọi việc, nói Mỹ đem tai họa tới cho China của chị. Biết tánh tôi thế nào cũng hài tội Vũ Hán, chị học thuộc lòng bài vọng cổ mà cha đẻ con virus nầy đang phát loa, chị nói không ngừng chấm, phết hay xuống hàng chi hết. Nói với một con cừu thấy mỏi miệng. Tôi phải “on-bon-phi-nan” bằng câu “chờ thời gian trả lời, Mỹ không bỏ qua vụ nầy!” Người nào bình tĩnh, lạc quan thích trấn an nên cũng thích săn tin vịt để coi “dzịch” đi tới đâu hầu căn dặn nhau đề phòng kỷ mọi trường hợp. Người già neo đơn hay kẻ bị thua thiệt không đọc được tin từ trên mạng, báo ngoại quốc thì mù chữ, trăm bề bưng bít. Bệnh tâm lý đang đồng hành với bệnh virus Tàu rồi đó.

Giờ nầy ai cũng rảnh rỗi (đang mùa An Cư mà!) dù trường đóng cửa nhưng luơng tâm qúy thầy cô vẫn phải dạy và nhắc nhở, cho bài qua mạng với các em biết sử dụng máy vi tính. Cá nhân tôi còn chút may mắn là được săn sóc người già trong xóm, nếu ra ngoài chắc phải trình giấy tờ. Tôi cám ơn bà cho tôi có chén cơm trong giai đoạn củi quế gạo châu nầy. Con cái đứa nào ở nhà nấy giao phó trọng trách cho tôi nên càng bảo vệ cho mình cho bà tối đa. Tánh tò mò vẫn không bỏ, ngoài giờ làm việc là giờ bếp núc, chờ món ăn hoàn tất tôi thích đứng bên song cửa để quan sát sinh hoạt đi lại bên ngoài xem ai được “ngoại lệ” tới lui. Mới trưa qua xe phóng thanh còn đi tuần quanh khu vực nhà tôi, họ phát loa yêu cầu mọi người nên ở yên trong nhà, ra ngoài không lý do là bị phạt vạ. Những con chó cưng chắc được ưu tiên đi “toilette ngàn sao” vì mấy chú được thả bộ lai rai với chủ kìa! Hiện tôi đang viết những dòng nầy thì xe cứu thương, cứu hoả rền vang khắp phố tiếp tục kêu gọi. Tối qua xin mọi nhà mở toang cửa sổ để đồng loạt hô lời cám ơn các bác sĩ, y tá cùng nhân viên đang tận lực ngày đêm lo bệnh bằng lời cảm xúc “”Danke schön”! Một hành động cám ơn chân thành noi gương Paris ánh sáng.

“Mẹ bào ta đừng nhìn qua cửa sổ, khi hoàng hôn đang chầm chậm bước chân, đừng ngước mắt theo lũ chim về tổ”. Tôi đâu ngắm hoàng hôn hay ngước nhìn chim về tổ?. Tôi chỉ nhìn thiên hạ thôi!

Rồi cũng “mẹ xin ta đừng nhìn qua cửa sổ, nghĩa gì đâu những hình ảnh vô thường, một kiếp người chưa bằng viên đá nhỏ, hãy gạt đi hờn giận với yêu thương”. Đúng! kiếp người quá mong manh vô thường, thấy đó rồi mất đó nhất là cơn hoạn nạn nầy chẳng biết bao lâu sẽ ngừng và ai còn ai mất. 

“Nhưng ta vẫn lén nhìn qua cửa sổ. Thả tâm tư về cuối nẻo trời xa, tìm đâu đó một vì sao bé nhỏ”. Thi sĩ Minh Đức - Hoài Trinh làm bài thơ “Nhìn qua cửa sổ” với tâm trạng cô đơn. Tôi mạn phép xin trích vài đoạn, nói lên sự vô thường tắm đắc của kiếp người. Họ bỏ lại trần gian ra đi đột ngột khi những tờ di chúc chưa được khai bút gởi cho con. 

23.03.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo