Nguyễn Tường Tâm (Danlambao) - Trong một lần tôi và Bác sĩ Nguyễn Tường Giang, con trai út của nhà văn Thạch Lam, nói chuyện với chú ruột chúng tôi là Bác sĩ Nguyễn Tường Bách, em út của mấy anh chị em nhà Nguyễn Tường, hai chúng tôi có hỏi: “Trong cuộc đời cách mạng của chú, có điều gì làm chú ân hận nhất?”. Không suy nghĩ, BS Bách trả lời, “Điều chú ân hận nhất là năm 1945, mấy chú chỉ chậm có khoảng 15 phút thôi mà để bọn Cộng sản cướp được chính quyền, khiến cuộc chiến phải di lụy tới thế hệ mấy cháu sau này!” Hai chúng tôi đã phỏng vấn cả cuộc đời hoạt động của ông Bách rồi, cho nên tới câu hỏi này, hai chúng tôi lặng yên, như để chia sẻ với niềm ân hận của ông. Tuy nhiên, từ đó tôi vẫn thắc mắc, BS Bách nói như vậy nghĩa là thế nào? Tại sao các ông lại chậm chân so với Việt Minh? Tại sao Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) không chiếm chính quyền trước mà để Việt Minh thực hiện?
Lúc đó chúng tôi không liên hệ được niềm ân hận của ông với một câu chuyện khác, thường được kể trong gia đình Nguyễn Tường chúng tôi và trong những thành viên VNQDĐ có hoạt động từ thời 1945. Cho mãi tới ngày hôm nay, 12 tháng 5 năm 2020, tôi mới tình cờ tìm được câu trả lời.
Lúc đó chúng tôi không liên hệ được niềm ân hận của ông với một câu chuyện khác, thường được kể trong gia đình Nguyễn Tường chúng tôi và trong những thành viên VNQDĐ có hoạt động từ thời 1945. Cho mãi tới ngày hôm nay, 12 tháng 5 năm 2020, tôi mới tình cờ tìm được câu trả lời.
Trong sự kiện người Cộng sản gọi là "Cách mạng 19/8/1945" thì thực sự cuộc mít tinh của công chức ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim hai ngày trước, ngày 17-8-1945 mới quan trọng, làm thay đổi lịch sử đất nước. Chính vì cướp được cuộc mít tinh này một cách quá dễ dàng và đầy bất ngờ, Thành ủy Việt Minh tại Hà Nội mới họp bàn chuyện tổ chức biểu tình tuần hành ngày 19-8 để cướp các cơ sở công quyền.
Bài này đề cập chủ yếu tới cuộc mít tinh của công chức ngày 17-8-1945. Cuộc mít tinh đó có mục đích ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim là vì Thủ tướng Trần Trọng Kim đã đạt được độc lập và thống nhất cho đất nước từ tay Nhật Bản vào mấy hôm trước đó. Nguyên văn trong Hồi Ký Một Cơn Gió Bụi, ở trang 83 cụ Trần Trọng Kim viết, “Nói rút lại, chúng tôi ra Hà Nội, điều đình với Tổng Tư Lệnh Nhật được kết quả như là: Lấy lại toàn lãnh thổ của nước Việt Nam, thu hết các công sở thuộc Phủ Toàn Quyền cũ của Pháp, lấy hết các binh sĩ Việt Nam để tổ chức đội quân Bảo An, lấy được bốn ngàn khẩu súng mới và đạn dược và xin tha được một số thanh niên bị bắt.”
Nhưng cuộc mít tinh 17/8 đã diễn biến ngoài dự trù và được một số người trực tiếp tham dự cũng như người tổ chức cướp cuộc mít tinh tường thuật như sau.
- Nhạc Sĩ Tô Hải: “Thì ra 17/8 là cuộc Mít tinh của công chức biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Còn ngày 19/8 là ngày Mít tinh ủng hộ Việt Minh. Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo? Ai hô thế nào thì hô theo thế ấy. Cờ vàng, cờ đỏ chẳng có gì quan trọng. Miễn là đi qua trại lính Nhật chẳng thấy đứa nào dám nổ súng dù có hô to “Đả đảo Phát xít Nhật!” “Việt Nam muôn năm!” Cả hai cuộc mít tinh nói trên đều có mặt cái thằng tớ.” (1).
Được biết nhạc sĩ Tô Hải đã từng giữ chức vụ cao trong ngành văn hóa, văn nghệ của Cộng sản trước khi ông từ bỏ đảng năm 1990. Nụ Cười Sơn Cước là tác phẩm nổi tiếng của ông trước 1945.
- Đoàn Thêm. Đoàn Thêm sinh năm 1915, lúc đó 30 tuổi, cử nhân luật khoa, công chức cao cấp của Phủ Toàn Quyền trước đó và là tác giả của hồi ký Những Ngày Chưa Quên, xuất bản năm 1969 tại Saigon, người đã trực tiếp tham gia cuộc biểu tình vào lúc 3 giờ chiều ngày 17 tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội do Tổng Hội Công Chức tổ chức nhằm mừng độc lập hoàn toàn, thâu hồi toàn vẹn lãnh thổ và ủng hộ Chính Phủ Trần Trọng Kim.
Sau đây là nguyên văn lời tường thuật về những gì đã xảy ra trong cuộc biểu tình ngày 17 tháng 8 năm 1945 của Đoàn Thêm 24 năm sau:
“Trước Nhà Hát Lớn, 15 giờ ngày 17-8, trời kéo cơn mưa, nhưng hàng vạn công chức đã sắp thành đoàn đứng chặt đường Paul Bert, kéo dài suốt Hàng Trống. Dân chúng tới xem, chen chúc trên các ngả phụ cận, Bobillot, Amiral Courbet.
Trên bao-lơn Nhà Hát, cờ ba vạch gãy Quẻ Ly được từ từ đưa lên, trong tiếng đồng ca vang dội Tiếng gọi Thanh-Niên... Mây xám giãn dần; chợt thấy giọng ai như của L. béo ngập ngừng qua ống phóng thanh: “mặt trời tỏ, một điềm vui… Hôm nay chúng ta họp mặt tại đây để `mừng cho chủ- quyền đã thâu hồi toàn-vẹn, và hoan hô Chánh-phủ Trần-Trọng-Kim…”
Hoan-hô! V.N. độc-lập muôn năm!
Hoan-hô VM!
Những tiếng sau là của kẻ nào lén vào hàng ngũ công-chức. Những người quanh đó sửng-sốt ngơ-ngác... Còn đa-số vẫn mải reo to: Hoan hô V.N. muôn năm
Rồi đoàn biểu-tình được lịnh chuyển bước tuần-hành qua nhiều đường lớn, nhưng mỗi lúc những tiếng lạ tai khi nãy lại được gào thét nhiều hơn. Tới ngã sáu Cửa-Nam, vài anh áo cộc quần đen, chắc chắn không phải là công-chức, vừa chạy vừa phất là cờ đỏ giữa có ngôi sao vàng, anh khác giơ một vật ít thấy có cỏ thời đó là khẩu súng lục, bắn vài phát chỉ-thiên như để thị-uy: anh em hãy cùng chúng tôi hô Mặt Trận Giải Phóng muôn năm!
Vài công-chức, có lẽ hoảng sợ quá, đành “muôn năm” theo một cách gượng-gạo và máy-móc. Mấy cảnh binh đứng cạnh dọc đường lấm lét hỏi nhau với vẻ kinh ngạc, nhưng không can thiệp, tuy nhiều đám người khác trên các vỉa hè cũng nắm tay giơ chào như Phát-xít Ý, và hoan hô một đoàn-thể mà nhân-viên công-lực cũng không biết là gì.
Nhưng cần chi biết? Hàng chục, hàng trăm, rồi hàng ngàn người cứ việc “muôn năm” mãi cho tới khi giải-tán, vào khoảng sáu bảy giờ chiều.” (2)
Theo tường thuật của Đại Tướng Nguyễn Quyết của Cộng sản, nguyên bí thư Thành Ủy Hà Nội vào tháng 8/1945, trong biến động 17-8 không có sự chỉ đạo từ ông Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo đảng Cộng sản đang trú đóng tại Tân Trào, cũng không có chỉ đạo của Thành ủy Việt Minh tại Hà Nội; đồng thời lực lượng Việt Minh tại Hà Nội lúc đó còn rất yếu. Như vậy hành động bạo động cướp sân khấu, micro, hạ cờ Vàng Quẻ Ly để treo cờ Đỏ Sao Vàng rồi hướng dẫn cuộc mít tinh thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh chỉ là sáng kiến và hành động đột xuất của một vài cán bộ Việt Minh gan lì.
Đại Tướng Nguyễn Quyết tường thuật như sau:
“Ngày 17-8-1945, quần chúng cách mạng đã cướp diễn đàn, biến cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim thân Nhật thành cuộc diễu hành thị uy của lực lượng cách mạng, tạo nên không khí sôi nổi, hừng hực khí thế cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa.” (3)
Cuộc mít tinh của công chức nhưng chính quyền lại không có lực lượng quân sự hay cảnh sát để bảo vệ. Cụ Trần Trọng Kim viết ở trang 58 trong hồi ký Một Cơn Gió Bụi, “Đem lại sự thống nhất trong việc cai trị như thế mà cũng mất hơn một tháng mới xong. Ấy là chỉ nói việc sửa đổi cai trị thôi, còn các cơ quan trọng yếu về việc chính trị như công an, sở tuyên truyền công văn hãy còn ở trong tay người Nhật cả.”... “Việc binh bị trong nước là việc quan trọng đến vận mạng cả nước, mà lúc ấy quân lính và súng ống không có. Ở Kinh đô Huế có tất cả hơn một trăm lính Bảo An tức lính khố xanh cũ và sáu bẩy chục khẩu súng cũ, đạn cũ, bắn mười phát thì năm sáu phát không nổ.”... “Ở các tỉnh cũng vậy, mỗi tỉnh có độ 50 lính Bảo An, các phủ huyện thì độ chừng vài chục người. Việc phòng bị do quân Nhật Bản đảm nhiệm hết. Vì lẽ đó và các lẽ khác nữa mà lúc đầu chúng tôi không đặt Bộ Quốc Phòng.” Đây là lý do chính mà với chỉ một vài đảng viên gan lì, Việt Minh đã dễ dàng chiếm sân khấu và hướng dẫn cuộc mít tinh trở thành cuộc mít tinh ủng hộ họ.
Sau khi dành thắng lợi một cách quá sức dễ dàng và đầy bất ngờ trong cuộc mít tinh chiều 17-8, Lãnh đạo đảng ủy Hà Nội của Việt Minh mới bàn kế hoạch cướp chính quyền vào hai hôm sau, ngày 19-8. Đại Tướng Nguyễn Quyết tường thuật tiếp:
- “Chiều 17-8-1945, tại làng Vạn Phúc - An toàn khu ở Hà Đông, đại diện Xứ ủy đã quyết định: Dựa trên Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", tiến hành khởi nghĩa ở Hà Nội mà không cần chờ lệnh của Trung ương.” (4)
- “Ngay tối 17-8-1945, với trách nhiệm là Bí thư Thành ủy kiêm Ủy viên quân sự của Ủy ban khởi nghĩa, tôi triệu tập Hội nghị Thành ủy mở rộng, họp tại xã Dịch Vọng (nay thuộc quận Cầu Giấy). Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng, lực lượng quân sự của ta còn yếu, nên chờ sự hỗ trợ của Trung ương. Nhưng phân tích, đánh giá đúng tình hình, Thành ủy quyết định Hà Nội sẽ khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945.” (5)
Một lý do khiến sự kiện 17-8 xảy ra là vì Khâm Sai Phan Kế Toại không phải là người chính trị, thích hợp cho chức vụ, đồng thời ông cũng đang xin từ chức. Cụ Trần Trọng Kim viết ở trang 84 như sau:
“Khi tôi được tin người Nhật bắt các thanh niên ở Hà Nội, lập tức tôi thu xếp ra Bắc… Sự điều đình của chúng tôi được ổn thỏa dễ dàng... Lúc ấy chúng tôi còn dự định làm nhiều việc khác nữa... Song ý người định thế, mà trời không cho thì làm sao?
Chúng tôi phải thu xếp về Huế. Giá lúc ấy có một người làm Khâm Sai ở Bắc Bộ cương quyết và hiểu việc, thì các việc tổ chức có thể mau chóng hơn, nhưng ông Phan Kế Toại là người chuyên làm việc thời bảo hộ của Pháp, trong sạch hơn cả, song chỉ là một ông quan biết thừa hành mệnh lệnh, chứ về đường chính trị thì không thạo lắm, và tính lại nhát. Ông thấy một đường thì người Nhật làm khó dễ, một đường thì bọn Việt Minh bạo động, nay đánh chỗ này, mai đánh chỗ nọ, ông sợ hãi và chán nản, chỉ nói chuyện xin từ chức.
Phàm những người cầm quyền bính trong tay mà có những người tế nhị, tài giỏi, biết quyền biến, giúp việc thì dù việc dở cũng hóa hay mà không thì việc hay cũng hóa dở. Đó là điều các nhà làm chính trị rất nên chú ý.
Trước tôi thấy cách làm việc của ông Toại rất lộn xộn, tôi đã muốn tìm người thay, nhưng tìm ai? Người giỏi thì nhiều, mà người làm được việc thì ít. Nếu ở trong quan trường cũ có người tài cán và hiểu việc thì hơn, vì chức Khâm Sai là một chức kiêm cả chính trị và cai trị. Việc cai trị không có lịch duyệt không làm được. Ông Toại là (trang 85) người làm quan có tiếng hơn cả mà còn như thế, huống người khác rồi ra sao. Vì thế nên tôi cứ trù trừ mãi. Sau ông Toại cứ nài. Tôi nghe nói ông Nguyễn Tường Long là người biết chính trị và có nghị lực hơn cả, nhưng lúc ấy ông đang bị bệnh thương hàn. Tôi nghĩ đến ông Nguyễn Xuân Chữ là người trong Việt Nam Ái Quốc Đảng, có tính cương quyết và đứng đắn. Tôi gặp ông Chữ nói chuyện, ông đã nhận lời, nhưng hôm sau ông về bàn tính thế nào lại đổi ý, nói xin để thong thả.
Tôi thì vội về mà người thì không có, tôi phải bảo ông Toại hãy cố ở lại làm việc cho đến khi tôi thu xong đất Nam bộ, tôi sẽ tìm người thay. Ông Toại nể tôi mà ở lại.”
Nếu ông Nguyễn Tường Long không bị đau nặng và đảm nhận chức Khâm Sai Bắc Việt thay ông Phan Kế Toại thì chắc chắn cuộc mít tinh ngày 17/8/1945 ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim của công chức sẽ không thể bị một vài cán bộ Việt Minh chiếm đoạt sân khấu, cưỡng bách thành cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh. Lý do rất dễ hiểu là lúc đó VNQDĐ ở trong nước còn có ba nhân vật lãnh đạo là ông Nguyễn Tường Long, nhà văn Khái Hưng, và BS Nguyễn Tường Bách. Đặc biệt BS Nguyễn Tường Bách lúc đó lãnh đạo lực lượng vũ trang của VNQDĐ, trong khi ngay chính cuộc họp tối 17/8 của Thành Ủy Việt Minh Hà Nội đã xác nhận ở trên, “lực lượng quân sự của ta còn yếu, nên chờ sự hỗ trợ của Trung ương.”
Bây giờ câu hỏi mà tôi tự hỏi lâu nay là tại sao VNQDĐ không ra tay cướp chính quyền trước Việt Minh đã được giải đáp: Lúc đó chính quyền đang ở trong tay những người Quốc Gia mà Thủ Tướng là cụ Trần Trọng Kim. Do đó không bao giờ có chuyện VNQDĐ, một đảng Quốc Gia lại dùng bạo lực cướp chính quyền từ tay cụ Trần Trọng Kim (cùng là người Quốc Gia).
Đối với câu hỏi thứ hai, tại sao VNQDĐ, mà lãnh đạo vũ trang lúc đó là BS Nguyễn Tường Bách, lại không bảo vệ cuộc mít tinh của công chức ngày 17-8 thì thực là dễ hiểu: Lúc đó VNQDĐ không nắm chính quyền, cho nên không có nhiệm vụ tổ chức và bảo vệ cuộc mít tinh do chính quyền của Khâm Sai Phan Kế Toại tổ chức.
Rõ ràng là, nếu ông Nguyễn Tường Long không bệnh nặng vào thời gian đó thì chắc chắn lịch sử Việt Nam đã có ngã rẽ khác, tốt hơn hay xấu hơn thì chưa biết, nhưng chắc chắn là rất khác.
Tuy nhiên, lịch sử không có chữ NẾU!
Tham khảo:
(1), (2): Việt Minh Cướp Chính Quyền, 73 Năm Nhìn Lại Phạm Cao Dương.
(3) (5) Bài 3: Thành ủy Hà Nội lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công
15.05.2020