Thảo Ngọc (Danlambao) - Theo thông cáo đặc biệt của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tang lễ nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu với nghi thức quốc tang tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Theo đó Ban lễ tang gồm có 35 người, Ông Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban lễ tang. Trong danh sách này, ông Trương Hòa Bình đứng thứ 10 (1).
Báo Thanh Niên ngày 10/8/2020 giật tít bài: "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban lễ tang nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu" (2)
Vào lúc 8 h sáng nay (14/8/2020), Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) đã tường thuật trực tiếp buổi lễ này.
Sau phần giới thiệu của người dẫn chương trình, ông Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Tổ chức lễ tang đọc lời giới thiệu danh sách Ban lễ tang. Theo đó ông Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban lễ tang.
Trong 3 hàng người đứng chờ trước Nhà tang lễ, người đứng đầu hàng thứ nhất là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Đứng đầu hàng thứ hai là Nguyễn Xuân Phúc. Đứng đầu hàng thứ ba là Trần Thanh Mẫn. Tuyệt nhiên không có ông Nguyễn Phú Trọng.
Lần lượt các đoàn vào viếng như sau:
- Đoàn BCHTƯ ĐCSVN do ông Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.
- Đoàn Chính phủ vẫn do ông Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.
- Đoàn Quốc hội do bà Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu.
- Đoàn Chủ tịch nước do bà Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu.
Câu hỏi đặt ra là: Ông Trưởng ban lễ tang Nguyễn Phú Trọng đang ở đâu?
Theo nghị định Số: 105/2012/NĐ-CP về việc tổ chức lễ tang, thì: “Trưởng Ban Lễ tang Nhà nước là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (3).
Trong trường hợp này, nếu ông Trọng không kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước thì sẽ có người đứng đầu nhà nước làm Trưởng ban lễ tang. Nhưng...?
Trong lịch sử nước Việt Nam, thời nhà Lê từng có ông vua có biệt danh là Lê Ngọa Triều (1005-1009) tức là Lê Long Đĩnh, cướp ngôi của anh là Lê Trung Tông, lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng đế. Lê Long Đĩnh đã làm việc càn rỡ giết Vua cướp ngôi, thích dâm đãng, tàn bạo, róc mía trên đầu nhà sư... Do chơi bời trác táng quá, nên khi ra thiết triều phải nằm, tục gọi là Lê Ngoạ Triều. Lê Ngoạ Triều làm vua được 4 năm (1005-1009) thì mất, thọ 24 tuổi.
*
Trong xã hội văn minh, không ai bắt một con trâu đang ốm phải kéo cày.
Cũng không ai bắt một vị dù đứng trên đỉnh cao quyền lực, nhưng già yếu và đầy bệnh tật phải gánh vác trọng trách quốc gia, nếu không phải vì người ấy tham quyền cố vị không chịu nhường ghế cho kẻ khác.
“Đất nước không thể một ngày không vua”. Nếu như vì bệnh tật và già yếu, Tổng-Tịch không thể trụ lại được nữa thì cũng cần tính phương án thay thế. Trên đời này, trong bất cứ xã hội nào, không ai là người không thể thay thế.
Quyền lực và giàu sang tột đỉnh như Tần Thủy Hoàng: Để dập tắt những ý kiến trái chiều và áp đặt tư tưởng của mình, ông đã cho đốt cháy nhiều cuốn sách và chôn sống nhiều học giả. Ông là người tham vọng quyền lực tuyệt đối, nhưng lại rất sợ chết, nên bắt triều đình đi tìm thuốc trường sinh bất tử để được nắm quyền mãi mãi. Sau 37 năm trị vì, rồi cũng đến ngày phải ra đi với hai bàn tay trắng, và qua đời ở tuổi 49.
Trong đám tang ông Lê Khả Phiêu, nếu ông Nguyễn Phú Trọng vì lý do phải vắng mặt, thì tại sao ông Trần Quốc Vượng, là Thường trực Ban bí thư, dân gian hay gọi chức này là Phó Tổng bí thư, người được đồn đoán là TBT tương lai, lại không làm trưởng đoàn của ĐCSVN, mặc dù ông Vượng vẫn có mặt trong đoàn, mà để cho ông Nguyễn Xuân Phúc phải gánh một lúc hai trưởng đoàn, làm như bộ ĐCSVN hết người thay thế rồi sao?
Việc này làm nổi lên mối nghi ngờ về cuộc chiến tranh giành chức TBT, người thay thế ông Trọng tại đại hội 13 là ai?
Không loại trừ khả năng ông Trọng “tuy vui cảnh bụt chưa nguôi làng trần”, còn muốn tiếp tục cống hiến cho đảng thêm một nhiệm kỳ nữa. Kẻ được cho là cò mồi cho ý tưởng này là Nguyễn Hồng Diên, vừa chân ướt chân ráo chạy trốn khỏi Thái Binh vì để cho Đường Nhuệ lộng hành mấy chục năm qua, lên làm Phó ban Tuyên giáo TƯ, liền phun ra một câu rất thối như sau: “Đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc. Đồng chí là trung tâm đoàn kết của Ban chấp hành TƯ để lãnh đạo tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quyết định nhiều vấn đề chỉ đạo điều hành của đất nước nên chúng ta đã gặt hái được những thành quả như vậy”.
Có người nói rằng, ông Trọng lúc này đang “tọa sơn quan hổ đấu”, chờ cho 2 ứng viên sáng giá nhất của chức TBT khóa 13 là Vượng và Phúc quần nhau nhừ tử, như hồi Tư sâu và Ba X trước Đại hội XI. Khi đó cuộc chiến “một mất một còn” giữa 2 người này bất phân thắng bại. Ông Trọng không phải là ứng viên sáng giá cho chức TBT. Nhưng vì “để giữ gìn sự đoàn kết trong đảng”, nên “ngư ông đắc lợi” ông Trọng không những vớ được chức này từ “trên trời rơi xuống”, mà bằng các mưu mẹo cáo già của “sĩ phu Bắc Hà”, ông ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ 2, và tiện thể ôm luôn chức Chủ tịch nước khi Trần Đại Quang bị “virus lạ” hạ gục.
Xem ra chính trường VN có nhiều điều bất ngờ và lý thú.
Hãy chờ xem!
Chú thích:
(1) http://dangcongsan.vn/thoi-su/thong-cao-dac-biet-nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-tu-tran-561281.html
14.08.2020