Thảo Ngọc (Danlambao) - Bão lũ liên tục đổ xuống dải đất miền Trung trong những ngày qua khiến cho hàng ngàn người dân phải lâm vào cảnh mất nhà cửa, ruộng vườn, tài sản bị mất hết, lâm vào cảnh trắng tay.
Nói về nguyên nhân của việc lở đất và lũ lụt này, Tiến sĩ Bùi Văn Đức, giảng viên trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, đây là nhân tai, do con người tạo ra. Vì miền Trung, lũ lụt năm nào chẳng có. Nhưng trước đây làm gì có việc lở đất gây ra lũ ống lũ quét như ngày nay.
Trước thảm cảnh đó, đã có rất nhiều nhà hảo tâm, những tấm lòng nhân ái, vượt hàng ngàn cây số, bất chấp mọi nguy hiểm rình rập, đi vào nơi rốn lũ để trực tiếp trao tận tay những phần quà cứu trợ cho những nạn nhân, là những người với nón mê và áo tơi rách nát, đã chìa bàn tay gầy guộc run rẩy nhận lấy những món quà trong mưa gió bão bùng.
Những việc làm này đã tô điểm cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, là “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Là “Lá lành đùm lá rách. Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Trong số những người này, dư luận đặc biệt quan tâm đến cô ca sĩ Thủy Tiên. Và Thủy Tiên đã trở thành một hiện tượng, một tấm gương sáng, đến nỗi ĐBQH Bùi Sĩ Lợi nói rằng, câu chuyện của ca sĩ Thủy Tiên có thể đưa vào sách để giáo dục trẻ nhỏ.
Chỉ trong một tuần kêu gọi, Thủy Tiên đã huy động được hơn 100 tỷ đồng.
Thông tin cô ca sĩ quyên góp được hơn 100 tỷ đồng đã xoa dịu phần nào những dòng tin dữ đầy u ám về cơn hồng thủy đang hoành hành các tỉnh miền Trung. Chứng tỏ nhân dân đã chọn các cá nhân, những người đáng tin cậy để gửi gắm niềm tin của mình. Những hình ảnh của Thủy Tiên tràn ngập trên mặt báo còn đẹp đẽ và rực rỡ gấp ngàn lần, làm lu mờ những lắng hoa, khẩu hiệu chúc mừng thành công tốt đẹp của các đại hội.
Tại các nước dân chủ văn minh, việc cứu trợ nhân đạo là của các cá nhân và các Tổ chức xã hội dân sự. Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt pháp lý, không nhúng tay vào định hướng hay ép buộc làm như thế nào.
Lẽ ra với những nghĩa cử cao đẹp như Thủy Tiên và nhiều người khác phải được khuyến khích và phát huy, thì đâu đó vẫn có những ý kiến trái chiều, cho rằng Thủy Tiên đánh bóng tên tuổi mình, cho rằng không nên gửi tiền vào các cá nhân, vì có thể bị lợi dụng.
Họ cho rằng việc làm của Thủy Tiên là vi phạm Nghị định 64 của Chính phủ, là vi phạm pháp luật.
Một trong những con kền kền chuyên đào bới xác chết, là một Fb có nick Phi Tuan Nguyên, viết: “Trong số tiền Thủy Tiên thu về, ngoài sự ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm của bà con trong và ngoài nước, phải chăng... đã có một khoản không nhỏ do các tổ chức muốn chống phá sự bình yên của đất nước này bơm vào. Để sau đó đăng bài kích động. Rằng chính quyền kém cỏi, vô trách nhiệm, không bằng cá nhân một cô ca sĩ. Mục đích là tạo sự bất bình trong nhân dân, gây chia rẽ và bôi xấu chế độ, đã bỏ mặc nhân dân, để cá nhân phải gánh vác”.
Đúng là luận điệu của những kẻ bị nhồi sọ đến mức điên cuồng và ngu muội, nhìn đâu cũng chỉ thấy màu đen.
Về Nghị định 64 này, báo Pháp luật TP.HCM ngày 21/10/2020 có bài: “Nghĩa cử của ca sĩ Thủy Tiên và sự vô lý ở một nghị định”. Bài báo đề nghị cần hủy bỏ Nghị định 64/2008 của Chính phủ và Thông tư 72/2008 của Bộ Tài chính.
ĐBQH, Tiến sĩ Luật Lê Thanh Vân nói: “Không nên máy móc quy định chỉ có tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế mới có quyền kêu gọi ủng hộ từ thiện, mà mỗi cá nhân cũng đều có quyền, nhất là những người có tên tuổi, địa chỉ, uy tín trong xã hội. Họ chỉ cần đăng ký để ràng buộc trách nhiệm”.
Điều 457 Bộ luật Dân sự quy định: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”. Về hình thức: trừ bất động sản, các tài sản khác như tiền có thể được lập dưới hình thức bằng miệng! Nghĩa là, các nhà hảo tâm không cần làm hợp đồng cho tặng, do tin tưởng Thủy Tiên cứ việc gửi tiền vào tài khoản của cô, để cô chuyển giúp đến tay nạn nhân bão lụt, mà không yêu cầu Thủy Tiên đền bù, còn nạn nhân bão lụt đồng ý nhận là hoàn toàn phù hợp Bộ luật Dân sự.
Riêng Thủy Tiên nói rằng, nếu vì việc cứu trợ đồng bào miền Trung mà mất hết sự nghiệp, tôi cũng vui vẻ chấp nhận.
Báo Tuổi trẻ ra ngày 21/10/2020 có bài: “Thủy Tiên nói về việc đi cứu trợ miền Trung: “Đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm”. Theo đó: “Thủy Tiên tin rằng nếu mình cứ làm đúng với sự thật không trái với lương tâm thì mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với mình”.
Nghiêm trọng nhất trong việc gây khó khăn cho các nhà hảo tâm, là Công văn của UBND huyện Đông Hà (Quảng Trị), đã là dư luận xôn xao những ngày qua.
Ngày 14/10/2020, UBND huyện Hải Lăng ra công văn hỏa tốc số 983/UBND-TH “Về việc phối hợp thực hiện việc tiếp nhận, phân phối hàng hóa cứu trợ mưa lũ”, do chủ tịch Lê Đức Thịnh ký.
Theo đó: “Từ nay các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm có nhu cầu hỗ trợ hàng hóa và nhu yếu phẩm liên hệ và trực tiếp hỗ trợ tại Tổ tiếp nhận hàng hóa cứu trợ của huyện doUBMTTQVN huyện là Cơ quan thường trực, sau đó huyện sẽ cân đối và điều phối hàng hóa cho các xã, thị trấn…
2. Yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo Ban vận động và tiếp nhận hàng hóa xã giám sát chặt chẽ và phân phối hàng hóa kịp thờ đến tay người dân.
3. Trường hợp các tổ chức, cá nhân thực sự mong muốn trực tiếp trao hàng cứu trợ đến tận người dân, yêu cầu UBND các xã, thị trấn phải thông tin về UNND huyện, Thường trực BCĐPCTT&TKCN huyện trước khi tiếp nhận để có phương án bố trí sắp xếp lực lượng”.
Nghĩa là “các tổ chức, cá nhân thực sự mong muốn cứu trợ đồng bào lũ tụt thì phải xin phép chính quyền. Câu đáng sợ nhất là: “Ban vận động xã giám sát chặt chẽ”, nghĩa là mọi hành động cứu trợ của họ phải được chính quyền giám sát chặt chẽ.
Nghĩa là làm công tác nhân đạo, giúp đỡ kẻ bị hoạn nạn là độc quyền của chính quyền. Ai muốn làm phải xin phép?
Bình luận về việc này, có người cho rằng: “Lẽ ra chính quyền nên động viên những người có tấm lòng nhân ái, được dân tin tưởng, có sức hút, hãy tiếp tục phát huy, để đồng tiền cứu trợ cho các nạn nhân càng nhiều càng tốt. Đàng này chính quyền lại gây khó khăn. Điều đó chứng tỏ họ đang run sợ và tỏ ra bất lực, khi những cá nhân làm được mà tập thể dù gào thét mấy cũng chẳng được bao nhiêu. Đồng thời, thể hiện tâm lý của kẻ thua cuộc, đó là tâm lý của bọn kẻ cướp, đã ngấm trong máu thịt của họ, nên mới có những hành vi tanh mùi máu như vậy”.
Qua trận lũ lụt khủng khiếp này tại các tỉnh miền Trung, càng chứng tỏ những tượng đài trăm ngàn tỷ mà họ xây dựng khắp nơi trên dải đất miền Trung, chẳng giúp ích gì cho đông bào trong cơn nguy khốn này. Cái mà người dân cần là chính quyền không nên gây khó khăn, mà hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà hảo tâm, về phương tiện và những nhu cầu khác, để họ giúp đỡ đồng bào lúc hoạn nạn, chứ không phải là những rào cản và những tượng đài, những lẵng hoa và băng cờ, khẩu hiệu.
Xin chia buồn cùng bà con huyện Hải Lăng. Nếu như các cá nhân và các đoàn cứu trợ họ không dám đến Hải Lăng vì phải xin phép, và sợ bị chính quyền giám sát chặt chẽ, thì đó không phải là lỗi của họ. Chính là do chính quyền huyện Hải Lăng đã xua đuổi họ, làm họ sợ và không dám đến đó thôi.
23/10/2020