Mẹ Nấm (Danlambao) - Các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An.. đang trải qua những ngày mưa lũ kinh hoàng. Một nam sinh lớp 17 tuổi là học sinh Trường THPT Cẩm Bình, thường trú tại xã Thạch Thắng bị lật bè kết bằng cây chuối tử vong.
Theo lời ông Trần Bá Tư, Chủ tịch UBND xã Thạch Thắng:
“Em này hiện đang học lớp 10. Trong những ngày mưa lũ, em này dùng bè đi thả lưới nhưng không may chiều tối ngày 21/10 thì lũ cuốn mất tích. Gia đình này cho biết không thiếu đồ ăn nhưng do em Quân thích đi thả lưới nên không ngăn cản được. Đến 9 giờ 30 phút sáng nay thì chúng tôi đã tìm thấy thi thể em này” (Trích Thanh Niên)
Tuy nhiên bà Bùi Thị Thủy (51 tuổi, mẹ nạn nhân) vừa khóc vừa kể lại với phóng viên báo Tuổi Trẻ rằng:
“Chiều 21/10, sau nhiều ngày nhà bị lũ ngập sâu, chỉ ăn mì tôm sống, con trai bà nghe mọi người gọi có cơm cứu trợ về nên chèo bè vượt lũ đi nhận. Sau nhiều giờ không thấy con về, bà linh tính có chuyện chẳng lành. Một lúc sau, bà nghe hàng xóm gọi nói con bà vừa bị lật bè nhưng do dòng nước lũ quá sâu, không có thuyền nên không ra cứu kịp.
"Con nói đi lấy cơm về cho mẹ ăn tối, mà răng đến dừ con chưa về con ơi?", bà Thủy gào khóc.
Bà Thủy cũng khẳng định con bà đi lấy cơm cứu trợ nên bị đuối nước, vì trong nhà không có lưới đánh cá nên không thể đi thả lưới.
Cũng theo Tuổi Trẻ, một vị lãnh đạo UBND xã Thạch Thắng khẳng định nạn nhân tử vong do đi thả lưới chứ không phải đi nhận cơm cứu trợ. "Trước đó, đội cứu trợ của xã đã đưa mì, nước uống... ủng hộ cho gia đình để sử dụng trong mấy ngày lũ".
Trước đó trên mạng xã hội có chia sẻ thông tin từ một người dân ở Hà Tĩnh về việc nhiều đoàn cứu trợ không có đủ thuyển để phát quà giúp người dân xã Thạch Thắng (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), nơi đang có hàng trăm hộ dân đang bị cô lập bởi nước lũ. Người dân muốn có thức ăn cứu trợ phải tự đi ra đường lớn và có một nam sinh vì nguyên nhân này mà bị nước lũ cuốn mất tích.
Theo lời giải thích của lãnh đạo, xã Thạch Thắng không phải là địa phương ở vùng sông nước nên người dân không sắm thuyền. “Địa phương chúng tôi lần đầu tiên bị ngập sâu như thế này, còn từ trước đến giờ chưa xảy ra như thế. Hiện nay nước lũ đã rút xuống, nhưng vẫn còn khoảng 600 nhà dân đang bị ngập gần 1 m… UBND huyệnThạch Hà đã bố trí cho xã khoảng 7 thuyền. Tuy nhiên, vài ngày qua, do đoàn cứu trợ về quá đông nên không thể bố trí được thuyền cho tất cả các đoàn”
Tại sao Chủ tịch UBND xã Thạch Thắng lại nhanh chóng đổ lỗi cho dân khi sự việc đau lòng như trên xảy ra?
Đổ lỗi cho dân là cách lãnh đạo dễ nhất mà từ xưa đến nay nhà cầm quyền vẫn lựa chọn.
Mưa lũ, sạt lở đất theo lời giải thích của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp là do “biến đổi khí hậu” chứ không phải phá rừng.
Dân chết vì lật bè là do “thích đi thả lưới, gia đình không ngăn cản” chứ không phải vì thiếu đói.
Dân tự cứu nhau là “không những không đạt hiệu quả mà còn ảnh hưởng tới công tác cứu trợ của chính quyền địa phương”
Đổ lỗi cho dân chính là cách dễ nhất để phủi tay với trách nhiệm từ chính những người lẽ ra phải có trách nhiệm đảm bảo môi trường sống an toàn cho người dân.
Mưa lũ năm nào cũng xảy ra, mà không có một cá nhân, một nhóm người nào đứng ra chịu trách nhiệm trước toàn dân vì sự lãnh đạo yếu kém không thể đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân.
Mỗi khi có thảm họa, thiên tai, sự cố, nhân dân lại bị dẫn dắt bởi hệ thống truyền thông bằng những cụm từ “mưa lịch sử”,”đỉnh lũ lịch sử”, “hạn mặn lịch sử”.. và rồi người dân quên mất rằng chính phủ hiện tại đã bất tài, bất lực và vô trách nhiệm ra sao khi điều hành đất nước.
Đổ lỗi cho ông Trời, cho nhân dân, nhưng chính phủ bất tài lại không quên kiểm soát lòng nhân ái của người dân bằng Nghị định 64 nhằm yêu cầu tập trung các nguồn hỗ trợ trong dân về Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam.
Hơn 100 người chết, hàng trăm ngàn căn nhà ngập chìm trong nước, toàn bộ tài sản của hàng chục ngàn hộ dân bị thiệt hại, nhưng chưa có một ai phải chịu trách nhiệm.
Không một cá nhân nào đã đặt bút ký phê duyệt các dự án phá rừng bị chỉ mặt. Không một cá nhân nào liên quan đến các bản đánh giá tác động môi trường trong các dự án phá hoại môi trường, mất cân bằng sinh thái bị gọi tên. Không một cơ quan, hội nhóm, tổ chức nào bị quy trách nhiệm thiếu biện pháp hữu hiệu phòng chống và ứng phó với thiên tai, vì các sai lầm trong khi khắc phục hậu quả. Vì những điểm không trên mà hàng năm cuối cùng người dân vẫn phải loay hoay tự chống đỡ, tự vượt qua nghịch cảnh.
Ở các quốc gia lấy dân làm gốc, coi trọng sự an toàn của người dân thì chính phủ chính là nơi phải chịu trách nhiệm nặng nề nhất khi họ không thể đảm bảo an toàn cho công dân.
Đừng bao giờ đổ lỗi cho nạn nhân, cho người dân vì sự bất tài và vô trách nhiệm của chính phủ!
23.10.2020