Của giả & của nợ - Dân Làm Báo

Của giả & của nợ

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Ngay cả một người khiếm thị cũng đã nhận ra được “vị thế” của MTTQ “trong lòng dân” từ lâu rồi. Chỉ có những vị lãnh đạo Nhà Nước CHXHCNVN là vẫn nhất định nhắm mắt (lẫn bịt tai luôn) nên vẫn chưa thôi – dù cái tổ chức thổ tả này ngốn một lượng ngân sách khổng lồ nhưng hiệu quả thì thua xa tiếng nói của một cô ca sỹ....

Ở Hà Nội “… có Hàng Bún, Hàng Cá, Hàng Cháo, Hàng Chuối, Hàng Dầu, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Ðường, thậm chí có cả Hàng Rươi. Tiểu thủ công nghiệp có các Hàng: Bạc, Bài, Cót, Da, Ðiếu, Ðồng, Mã, Giầy, Giấy, Nón, Vải, Trống, Phèn, Quạt, Vôi, Thiếc, Mành, Tre, Thùng, Cân… 

Ða số các hàng chỉ còn là cái tên gọi, còn hàng hoá thì đã ‘hiện đại hóa’, phố nào cũng đầy quần áo dầy dép, hàng Trung Quốc và Thái Lan. Hàng Mã có lẽ là nơi duy nhất giữ nguyên truyền thống, bán toàn đồ mã.”

Đó là ghi nhận của nhà văn Phạm Xuân Ðài, trong tác phẩm Hà Nội Trong Mắt Tôi, sau khi ghé thăm thành phố này, vào mùa thu năm 89. Dù vốn rất cả tin, và hoàn toàn không có ác cảm gì với giới người cầm bút, sao tôi vẫn thấy có điều gì “không ổn” trong đoạn văn thượng dẫn. 

Kinh nghiệm của tôi với chế độ cộng sản tuy ngắn nhưng (chắc) đủ. Ngay sau khi họ chiếm được miền Nam, những sợi giây thun ở đây cũng đã lật đật thun nhỏ ngay lại. Những trang sách hay những cái bao ni lông cũng thế, cũng đang trắng tinh liền vội vã biến thành sắc mầu đen xỉn. 

Có lẽ ngay cả đến côn trùng của phần đất này cũng phải “khẩn trương” thay hình đổi dạng, để thích nghi với hoàn cảnh mới. Như thế, lẽ nào, sau hơn nửa thế kỷ “cách mạng” mà Hàng Mã vẫn còn giữ nguyên được “truyền thống” hay sao?

Sự bi quan và nghi ngại của tôi hoàn toàn tan biến, sau khi được xem về tục đốt vàng mã ở Việt Nam (hiện nay) qua một bài náo ngắn, trên trang Phụ Nữ Online: “Vàng mã cúng rằm tháng 7: Nhà lầu, xe sang, smartphone cháy hàng… Trước nhu cầu mua hàng mã trong tháng 7 âm tăng cao, các cửa hàng từ đầu tháng 7 đã trong tư thế sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu của khách. Nhiều khách chọn mua những loại hàng mã ‘xịn’, đắt tiền, giá lên đến tiền triệu.”

Hàng mã – rõ ràng – vẫn đang sống hùng và sống mạnh khiến tôi trở nên áy náy vì đã thiếu niềm tin nơi một người cầm bút (khả tín) như nhà văn Phạm Xuân Ðài, và đã… “ngờ oan” cho những người Cộng Sản! Tìm hiểu thêm mới biết có nhiều giai thoại lý thú về sản phẩm này, nhất là thứ đồ mã làm tại làng Ba Ðình, Hà Nội.

Theo học giả Toan Ánh thì nhiều địa phương ở Việt Nam cũng thường có những sản phẩm đặc thù tương tự: nhiễu Bình Ðịnh, the La Khê, lụa Cổ Ðộ, bút Bạch Liên, mực Kiêu Kỵ, giấy Yên Thái, vải Thượng Hội, giày Trúc Lâm, chiếu Thiện Trạo, gốm Bát Tràng, mây Phú Vinh, nón lông Kim Ðộng... 

Bằng chính sách kinh tế hoạch định, những sinh hoạt ngành nghề riêng biệt kể trên đều được người cộng sản đưa vào tổ hợp. Với thời gian, tất cả đều chết dần, chết mòn, và chết ráo – trừ nghề làm đồ mã. 

Hiện tại, ở Việt Nam có hai loại đồ mã chứ không phải một. Loại gia công, gồm những thứ vặt vãnh (nhà, cửa, ngựa, xe, con hầu, tầu thuyền, tiền giấy, điện thoại cầm tay …) để đốt cúng cho người quá cố và không tiện đưa vào hợp tác xã vì nó trái với chính sách bài trừ dị đoan của nhà nước.

Loại quốc doanh, gồm những mặt hàng chiến lược là sản phẩm riêng biệt của làng Ba Ðình – Hà Nội – nơi tập trung những gia đình thuần túy hành nghề cách mạng và hiện đang là giới cầm quyền ở Việt Nam. 

Phần nhờ bản tính khéo léo, phần nhờ học hỏi thêm được nhiều tiểu xảo từ những nước xã hội chủ nghĩa anh em, nửa thế kỷ qua, dân Ba Ðình đã làm được nhiều thứ đồ mã nổi tiếng khắp nơi. Xin đơn cử vài mặt hàng tiêu biểu. 

Trước hết, xin nói qua về Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Món hàng này được làm ra vào ngày 20 tháng 12 năm 1960, và làm khéo đến độ khiến một số người dân miền Nam tưởng là đồ thật. Không ít kẻ đã bỏ mạng hay bỏ mẹ (đời) vì nó. 

Ðến lúc mang ra đốt, nó cháy như điên. Sự nghiệp cách mạng của nhiều người miền Nam, cũng cháy theo luôn – như đuốc. 

Tuy thế, trên danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chưa hoàn toàn cháy hết. Nó chỉ bị “sát nhập” vào Mặt Trận Tổ Quốc thôi. Ðây là một sản phẩm đặc sắc khác của dân làng Ba Ðình, được làm rồi hồi tháng 9 năm 1955. 

Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Mặt Trận Giải Phóng Tây Nguyên, Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hoà Bình Việt Nam... nếu mang so với nó thì đều là chuyện nhỏ, nếu không muốn nói … kể như là đồ bỏ. 

Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam mới thật sự là loại hàng chiến lược, tập hợp nhiều món đồ mã linh tinh khác: Hội Cựu Chiến Binh, Ủy Ban Tôn Giáo, Hội Nông Dân Việt Nam, Hội Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Công Ðoàn... Nó được dân làng Ba Ðình dụng công không ít, và dụng của rất nhiều vì vẫn phải tu bổ hay sơn phết lại đều đều!

Theo blogger Y Chan: “Tác giả Đoan Trang đã chỉ ra, rằng những hội nhóm nêu trên, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao trùm lên tất cả, là ‘xã hội dân sự giả’. Chúng là những cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản, lãnh đạo là người của đảng, nhận lương từ ngân sách nhà nước, kinh phí hoạt động cũng từ ngân sách, và có chức năng ‘tuyên truyền, giải thích đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân thay vì bảo vệ quyền lợi của các thành viên hay thúc đẩy lợi ích chung.’ Chính quyền lập ra các tổ chức ‘xã hội dân sự giả’ này để đảm bảo các hoạt động xã hội dân sự đúng nghĩa không có không gian tồn tại.”

Vì là đổ giả nên MTTQ phải được “tân trang” lại thường xuyên. Hiến pháp 1992, điều 9, của CSVN đã “tô điểm” cho nó như sau: “Mặt Trận Tổ Quốc và các thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân... chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân... động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước... Nhà nước tạo điều kiện để Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả.” 

Điều kiện quả là rất thừa nhưng “hiệu quả” thì xem chừng hơi thiếu, theo như nhận xét của công luận vào mấy bữa rầy. Xin ghi lại dăm ba:

- Bài Lê Văn: “Tại sao nhiều người góp tiền cứu trợ cho Thúy Tiên mà không góp cho mặt trận?”

- Bùi Phi Hùng : “Thì đấy, bài học ăn bớt, ăn chặn, ăn bẩn xưa nay của hàng hàng, lớp lớp cán bộ ở mọi vùng miền, vị trí vẫn nhan nhản đấy; nào là trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ngay tại Hà Nội, nhà tình thương, trung tâm GD, xã, huyện, tỉnh… ăn chả chừa thứ gì, bất kể tình huống, hoàn cảnh nào…”

- Hoàng Tám Bùi: “Ca sĩ Thủy Tiên có công lớn với dân vùng lũ vì đã huy động được hơn 150 tỉ VND hỗ trợ bà con. Thế nhưng Thủy Tiên còn có công lớn hơn nữa với MT TQ VN là giúp họ nhận ra vị thế của mình trong lòng dân như thế nào?”

Đỗ Vũ: “Cô ấy đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc giữa Nhân dân với MTTQVN mà lúc thường khó nhận ra!” 

Ngay cả một người khiếm thị cũng đã nhận ra được “vị thế” của MTTQ “trong lòng dân” từ lâu rồi. Chỉ có những vị lãnh đạo Nhà Nước CHXHCNVN là vẫn nhất định nhắm mắt (lẫn bịt tai luôn) nên vẫn chưa thôi – dù cái tổ chức thổ tả này ngốn một lượng ngân sách khổng lồ nhưng hiệu quả thì thua xa tiếng nói của một cô ca sỹ.

Đúng là của giả, và của nợ. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo