Cảnh sát giao thông: “Cò kè” tiền hối lộ - Dân Làm Báo

Cảnh sát giao thông: “Cò kè” tiền hối lộ

Dân cà phê Gia Lai (Danlambao)“Cò kè bớt một thêm hai”. Đó là câu thơ mà Nguyễn Du tả cảnh mua bán trong truyện Kiều. Bối cảnh mua bán là nhà họ Vương túng vẫn phải đem bán nàng Kiều nhưng khi bán lại bị kẻ đi mua là người giàu có cò kè bóp chẹt bớt giá. Từ đó cái từ “cò kè” của Nguyễn Du đi vào dân gian Việt nam, từ dùng để chỉ hành động của những kẻ giàu có nhưng tham lam thường hay bóp chẹt những người ở thế kẹt trong mua bán. Khi Việt Nam tiến lên xã hội chủ nghĩa, từ này không chỉ được dùng trong các vụ việc mua bán, mà còn được dùng trong… quản lý Nhà nước. Đó là trường hợp mà tôi gặp sáng nay.

Sáng nay, một ngày như mọi ngày, tôi bật mô tơ điện tưới cà phê nhưng chẳng may bị điện chập cháy, tôi vọi vàng mượn tạm cái xe của thằng em để gần bên chạy ra phố Pleiku mua phụ kiện về thay. Đến đoạn cua gần nghĩa địa ranh giới giữa thành phố Pleiku với huyện Ia Grai tôi bị cảnh sát giao thông thổi còi hỏi giấy tờ xe. Vì vội vàng khi đi nên tôi không có mang theo giấy tờ gì cả, khi bị chận hỏi giấy tờ tôi mở nắp cốp xe ra thấy có giấy đăng ký xe mô tô mang tên thằng em để ở bên trong, tôi lấy giấy đó đưa cho công an. Cuối cùng tôi được mời ra xa xa, đến “núp” bên cánh cửa xe ô tô cảnh sát cùng với chỉ một viên cảnh sát để viên cảnh sát này lập biên bản vi phạm giao thông. 

Rồi viên cảnh sát này, hắn nói: anh không có bằng lái xe tôi “hốt” xe anh. Tôi nói: thì có giấy tờ xe, anh giữ giấy tờ là bắt phạt tôi được rồi, hốt xe mà làm chi, tôi việc rất cần không có xe đi mà các anh cũng tốn công chở xe tôi về. Viên cảnh sát đồng tình với lời nói tôi nên không cho hốt xe tôi lên xe cảnh sát. Nhưng rồi thấy hắn loay hoay mãi mà biên bản vi phạm vẫn không được viết ra. 

Rất ghét chuyện hối lộ, nhưng vì công việc cần phải đi gấp và nhìn ra xung quanh thấy chỉ có một cảnh sát giao thông nên tôi cũng giở trò… hối lộ. Một tờ giấy bạc 50 ngàn Việt nam đồng tôi nhét vội vào túi cảnh sát giao thông. Tôi cứ tưởng thế là được viên cảnh sát này “tha” tội cho tôi đi, nhưng hắn thọc tay vào túi quần, lấy tờ giấy bạc mà tôi nhét vội vào, đưa ra cầm trên tay và nói thế này: “anh mời tôi một ly cà phê chứ mấy”!. 

Đúng là hắn có cách “cò kè “đòi thêm tiền hối lộ hay thiệt! Rồi hắn chờ nhưng chẳng thấy tôi đưa thêm đồng tiền nào nữa nên hắn tiếp tục đòi ghi phạt. Lần này hắn nói: "hay là tôi ghi anh cái tội không đội mũ bảo hiểm, tội nhẹ hơn, phạt chỉ 150 ngàn".

Tội không bằng lái xe phạt 200 ngàn, trừ 50 ngàn đưa hối lộ, còn lại phạt 150 ngàn ghi thành tội danh khác là không đội mũ bảo hiểm. 

Đã hối lộ thì phải xong việc, chứ sòng phẳng thế, tính toán kỹ thế, và còn tiếp tục bị nộp phạt nữa thì hối lộ mà làm gì. Năm chục ngàn ấy thà nộp vào ngân sách Nhà nước vẫn hơn là nằm trong túi hắn. Nhưng lỡ đưa hắn rồi, lại còn nói là “biếu” hắn nữa, chẳng lẽ của biếu mà đòi lại được sao. 

Tôi bèn nghĩ cách giả nghèo mà van xin với hắn. Ban nãy khi tôi mở cốp xe máy ra, hắn có nhìn thấy đồ nghề điện để ở bên trong cóp xe. Cho nên tôi vào vai anh thợ điện mà nói với hắn rằng: "Tôi đi sửa điện cho người ta, có một trăm mấy chục ngàn đồng một ngày công, đưa anh năm chục ngàn đồng rồi, còn gì nữa… tôi còn vợ con tôi nữa…" Nghe tôi nói đến đây, hắn cười khì và đưa trả giấy tờ cho tôi đi. 

Năm thế kỷ trước cụ Nguyễn Du dùng từ “cò kè” để mô tả hành động xấu xa của kẻ tham tiền ỷ thế mà bóp chẹt người khác trong mua bán. Cụ có biết đâu đến năm thế kỷ sau, khi đất nước đang thời kỳ văn minh xã hội chủ nghĩa, những quan chức Nhà nước đang dẫn dân chúng Việt Nam tiến lên xã hội chủ nghĩa, khi nhận tiền hối lộ của dân họ cũng… “cò kè”! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo