Phỏng vấn nhà văn Vũ Thư Hiên về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (Phần 5) - Dân Làm Báo

Phỏng vấn nhà văn Vũ Thư Hiên về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (Phần 5)

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Xin gửi tới quý độc giả Phần 5 và cũng là để kết thúc loạt bài “Phỏng vấn về hải chiến Hoàng Sa và các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa”. Mặc dù người được mời cho cuộc phỏng vấn này, nhà văn Vũ Thư Hiên vẫn bày tỏ quan điểm dựa trên các câu hỏi (như ở các phần trước) nhưng tôi sẽ không trình bày theo cách thông thường là xen phần câu hỏi trước mỗi câu trả lời. Ngoài lý do muốn tạo ra sự khác biệt của một bài phỏng vấn đơn thuần, Phạm Thanh Nghiên cũng... tự cho mình cơ hội được bày tỏ suy nghĩ, được trải nghiệm với vai trò một người... được phỏng vấn. Nhưng quan trọng hơn cả là bản thân những câu trả lời của nhà văn Vũ Thư Hiên đã giống như một bài viết hoàn chỉnh (dù rất ngắn) có sức lôi cuốn và có tính văn học.

Trước khi gửi tới quý độc giả những chia sẻ của nhà văn Vũ Thư Hiên, xin giới thiệu đôi nét về ông mặc dù tên tuổi của nhà văn đã được rất nhiều người biết đến và ngưỡng mộ. 

Nhà văn Vũ Thư Hiên, sinh năm 1933 tại Hà Nội. Cha ông là cụ Vũ Đình Huỳnh, cận vệ và là thư ký riêng của ông Hồ Chí Minh. Ông từng đi bộ đội, công tác trong lĩnh vực điện ảnh và có thời gian đi học viết kịch bản tại Liên Xô thời gian từ 1954 đến 1959. 

“Từ năm 1967 đến 1976, ông bị chính quyền Bắc Việt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bí mật bắt sau cha (là cụ Vũ Ðình Huỳnh) 2 tháng, trong Vụ án Xét lại Chống Đảng. Công an chìm bắt giữ ông lên ôtô và đưa về nhà tù Hỏa Lò ngay trong lúc ông đang đạp xe trên phố Hà Nội, gia đình ông mãi về sau mới được biết. Ông bị giam 9 năm, trong đó bị giam trong xà lim cá nhân bốn năm rưỡi, qua các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt (Sơn Tây), Tân Lập (Phú Thọ). Chính quyền thả ông không án cũng như không xét xử. Ra tù năm 1976, nhưng còn bị quản thúc bằng lệnh miệng của nhà cầm quyền mãi cho tới mùa thu năm 1980 mới được phép vào Nam”. (Theo Wikipedia). 

Nhiều tác phẩm văn học do ông sáng tác đã từng được xuất bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, tên tuổi của ông gắn liền với cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày”, được hoàn thành và xuất bản khi ông đã định cư tại Pháp. Tất nhiên, cuốn hồi ký không được xuất bản trong nước song được rất nhiều người thuộc giới trí thức, nhất là những người cổ vũ cho tự do, nhân quyền và dân chủ bí mật tìm kiếm và truyền tay nhau đọc. “Đêm giữa ban ngày”, không chỉ là hồi ký của một người tù, nó tiết lộ những bí mật kinh thiên động địa quanh vụ án “xét lại chống đảng”, những sự thật ghê người của tập đoàn cai trị cộng sản. Hơn thế, còn là một trong những cuốn sách đáng đọc nhất đối với những người đấu tranh cho Tự do, Dân chủ tại Việt Nam. 

Dù đã bước sang tuổi 81 với sức khỏe giảm sút, nhưng nhà văn Vũ Thư Hiên vẫn nỗ lực không ngừng, đóng góp công sức trong cuộc vận động Dân chủ cho Việt Nam. 

Và đây là chia sẻ của nhà văn Vũ Thư Hiên, xin được gửi tới quý độc giả:

Nhà văn Vũ Thư Hiên: “Năm 1974 tôi còn ở trong tù. Những tin tức ở ngoài bức tường vây quanh với những vọng gác và dây kẽm gai chỉ đến được với người tù qua sự phổ biến có chọn lọc của người coi tù, thế tất chúng tôi không thể biết gì về sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Cuối năm 1976, tôi được thả, cũng chẳng nghe dư luận về sự kiện này - ĐCS coi đất nước là của họ, họ muốn làm gì với nó thì làm, dân là kẻ bị cai trị, họ nắm chặt truyền thông, cho nó biết cái gì nó được biết cái nấy, không được hó hé, không được bàn. 

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, mà Hoàng Sa không phải là cái kim. Sự kiện này rồi tôi cũng được nghe qua những lời bực bội (mà đảng cầm quyền gọi là “bất mãn”) của những người cộng sản lớp đầu hoặc bị thẳng thừng gạt ra ngoài hàng ngũ đảng, hoặc bị đảng cho ngồi chơi xơi nước, khi nhắc tới cái công hàm ô nhục do Phạm Văn Đồng gửi quan thầy Chu Ân Lai. Nhưng đó cũng chỉ là trong những người từng làm việc ở lớp trên trong bộ máy cầm quyền được biết, chứ nhân dân thì tịnh không, không biết gì hết. 

Khi ra khỏi nước, có dịp tiếp xúc trực tiếp với những người từng chiến đấu để bảo vệ Hoàng Sa, tôi hiểu sự kiện này rõ hơn. Tôi nghiêng mình trước sự hy sinh anh dũng của những tử sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ đất đai của Tổ quốc. Sự kiện Hoàng Sa làm cho nhân dân ta càng thấy rõ hơn tội ác của bọn cầm quyền đối với đất nước. Những việc tiếp theo như sự ký kết những hiệp ước bất bình đẳng về biên giới trên đất liền và biển, giao đất chiến lược Tây Nguyên, bán đất đai đầu nguồn... cho Trung Quốc là những hành động cùng một loại, nằm trong sự liên kết và tuân phục của nhà cầm quyền với quốc gia mà nó coi là anh em cùng chung lý tưởng. 

Vấn đề làm tôi băn khoăn nhiều hơn hết là làm sao đất nước thoát khỏi sự cai trị của bọn tay sai Trung Quốc. Chỉ có thoát khỏi sự cai trị của chúng, đất nước thuộc về nhân dân, thì mới có thể nó tới chuyện lấy lại Hoàng Sa. Mà đây là chuyện cực kỳ khó khăn, cho dù ngay tại chính quốc có diễn ra sự thay đổi thể chế. Một nước Trung Quốc dân chủ cũng khó mà thoát khỏi căn bệnh bành trướng trầm kha về phương Nam của những triều đại trước nó. 

Nhưng lịch sử bao giờ cũng có những khúc ngoặt bất ngờ. Ý chí bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc được truyền nối từ đời này sang đời khác của nhân dân ta đã được lịch sử ghi nhận, nó sẽ là cái bảo đảm cho tương lai Việt Nam có Hoàng Sa không thể tách rời”. 

Phạm Thanh Nghiên: Quý độc giả thân mến!

Cũng giống như nhiều bạn đồng trang lứa sinh sau biến cố năm 1975 và hầu hết người dân Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản trên mọi miền đất nước, tôi đã không hề hay biết về trận hải chiến Hoàng Sa, không có ấn tượng gì về ngày định mệnh 19 tháng 1 năm 1974. Duyên cớ để biết sự thật dứt khoát không phải do người cộng sản nói ra. Người cộng sản không bao giờ dám hay muốn nói sự thật cũng như bằng mọi cách để ngăn cản người dân nói lên sự thật. Bởi sự thật đối với người cộng sản đồng nghĩa với sự hủy diệt. Sự thật, là thứ mà một người dân sống dưới chế độ độc tài phải tự đi kiếm tìm. 

Năm nay, tròn 40 năm bảy mươi tư người lính hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã “vị quốc vong thân” trên vùng biển Hoàng Sa thân yêu của Tổ Quốc. Những anh hùng còn sống sót trở về sau trận hải chiến đó bây giờ người còn, người mất, người sống lặng lẽ ở một nơi nào đó ở Việt Nam hoặc tại xứ người (may mắn còn được nhớ tới). Vợ con của những người đã hy sinh, bốn mươi năm không có chỗ để thờ cha, thờ chồng. Và người sống thì chật vật lắm. 

Bỗng nhiên... (mọi sự bỗng nhiên bao giờ cũng khiến ta giật mình) năm nay một số báo đài của nhà nước đồng loạt đưa tin về hải chiến Hoàng Sa. Sám hối ư? Ghi công ư? Biết ơn ư?... Xạo hết! Tất cả những ngôn từ đẹp đẽ, nhân văn ấy đem ra để lý giải cho cái sự “bỗng nhiên” ấy đều không thỏa đáng, thậm chí là ngây thơ, ngớ ngẩn. Một bài viết riêng để lý giải cái sự bỗng nhiên ấy hợp lý hơn là ôm đồm trong cuộc “phỏng vấn” đặc biệt này. Nhưng (lại nhưng), còn minh chứng nào thuyết phục và chân thực cho bằng khi mà tư gia nhà tôi cũng như của nhiều người đã từng công khai phản đối Trung Quốc xâm lược đã bị bao vây bởi rất đông những công an, mật vụ chỉ trước một ngày dự kiến sẽ có một cuộc biểu tình vào ngày mai 19 tháng 1 để tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa 1974 đã được nhóm No- U Hà Nội công khai kêu gọi từ trước. Tất nhiên, mục đích chính của họ là ngăn cản không cho chúng ta xuống đường, bày tỏ lòng tri ân với các anh hùng đã hy sinh vì Dân tộc. Và nhất là để bịt miệng các công dân Việt Nam không đựợc hô vang: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Ngày mai, ai trong số chúng ta sẽ ra được khỏi nhà, ai sẽ đến được điểm hẹn? Ngày mai, ai trong số những người đi biểu tình ôn hòa sẽ bị bắt bớ, bị đánh đập, bị quẳng lên xe bus, bị ném mắm tôm vào mặt...? Thậm chí sẽ có án tù nào đó đã được dựng sẵn để trả thù người yêu nước. Còn đây, là một sự bỗng nhiên (không bất ngờ), trò vuốt đuôi vô liêm sỉ của những kẻ nhân danh chính quyền đã được hạ màn bằng một quyết định: Buổi lễ thắp nến tri ân hướng tới Hoàng Sa ở Đà Nẵng dự tính tổ chức ngày 18/1 vừa bị hủy vào phút chót

Lời cuối để kết thúc loạt bài phóng sự của một “phóng viên bất đắc dĩ”, xin để nói với người cộng sản rằng: Những người đã hy sinh vì Tổ quốc luôn bất tử mà không cần bất cứ một nhà cầm quyền, một thể chế chính trị nào vinh danh. Bởi họ đã sống trong lòng Dân tộc. Nhân dân Việt Nam luôn tưởng nhớ, vinh danh và biết ơn họ. 

Cho dù, sang năm chúng ta chưa thể đến Hoàng Sa, nhưng sẽ không phải đợi đến 40 năm nữa để mẹ Việt Nam được liền da liền thịt. Bằng khả năng có thể, chúng ta sẽ nỗ lực để Hoàng Sa về với Việt Nam. Để không còn ai phải chịu án tù chỉ vì hô vang: Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam

Hình tác giả thắp nến tưởng niệm 74 chiến sỹ 
Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh bảo vệ Hoàng Sa

Xin cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian đồng hành với Phạm Thanh Nghiên qua năm cuộc chuyện trò với 9 vị khách mời: nhà văn Vũ Thư Hiên (Pháp), Linh mục Đinh Hữu Thoại (Sài Gòn), nghệ sĩ Phan Đình Minh (Hoa Kỳ), bà Ngô Thị Hồng Lâm (Sài Gòn), nghệ sĩ Kim Chi (Hà Nội), Cựu chiến binh Ngô Nhật Đăng (Hà Nội), blogger Phạm Văn Hải (Nha Trang), anh Lê Hưng (Hải Phòng), sinh viên Nguyễn Văn Hùng (miền Trung). Cảm ơn các vị khách mời đã tham gia cuộc phỏng vấn này. Đây cũng là những nén tâm hương gửi tới 74 vị anh hùng đã hy sinh 40 năm trước. Và tri ân những nguời đã chiến đấu anh dũng vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.



___________________________________



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo