Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi': Cộng sản và Tôi - Dân Làm Báo

Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi': Cộng sản và Tôi

Người Sông La (Danlambao) - Với loài người nói chung, CS là tổng hợp đủ thứ dịch họa tai ương; với tôi, CS là vết thương đau trọn đời. Trong đó nỗi đau lớn nhất là phải rời bỏ quê cha đất tổ, quê hương yêu dấu, không chỉ một, mà những hai lần. Lần ra đi thứ nhất không phải vì bom đạn thực dân Pháp mà từ nhỏ anh em tôi đã phải tự đào hầm ẩn để núp, nhưng phải ra đi sau khi giặc ngoại xâm bị đánh bại và cút về nước, bởi sự hy sinh xương máu của chiến sĩ đồng bào Việt Nam tôi. Lần ra đi thứ hai, không phải vì chạy trốn cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, nhưng sau khi ngưng hẳn tiếng súng lúc Nam Bắc một nhà, "người Việt không thắng người Việt; chỉ có đế quốc Mỹ thua".


*

Năm nay tôi đã ngoài tuổi 70, thấy ngẫm lại phần đời mình đã đi qua mà không nhắc đến "Cộng Sản và Tôi" là một thiếu sót ngay với chính bản thân, chứ chưa dám nói là có lỗi với bậc hậu sinh.

Nhờ có "cơ may" sống trong vùng CS từ thuở nhỏ, tôi ăn phải "thịt lừa" hơi bị sớm. Sớm độ nào thì tôi không dám khẳng định vì có thể trước đó đã bị cho ăn "của lừa" nhiều lần rồi mà chẳng hay đó thôi. 

Đó là năm tôi học Lớp Một trường làng - tôi không còn nhớ chính xác năm 1952 hay 1953 (thời đó, tuổi đi học muộn hơn sau này). Hôm ấy, bắt đầu giờ học, thầy giáo tỏ vẻ nghiêm nghị khác thường và nói đêm qua tàu bay Pháp lén thả vi trùng xuống ngoài đồng phá hoại mùa màng, hôm nay các em được nghỉ học để đi bắt vi trùng. Sau khi kiểm tra đầy đủ trên tay mỗi đứa cầm bắt chéo như đôi đũa, hai cái que tự kiếm lấy mà hầu hết là bẻ từ nhánh cây chung quanh trường, thầy trò bắt đầu lên đường "tìm và giệt địch". Đi trong mưa phùn lất phất và gió heo may lạnh se, nhưng teo gì thì teo, quyết tâm bắt sạch giết sạch vi trùng địch chẳng những không teo chút nào mà còn trèo lên một tầm cao mới lòng căm thù giặc Pháp ác ôn nơi bọn trẻ. Ra đến nơi, đoàn quân cầm que dàn hàng ngang trước một đám lúa xanh mơn mởn cao bằng đầu gối rồi bắt đầu cúi xuống lom khom, một tay túm quần, một tay cầm vũ khí vạch lúa tìm địch (vạch lá tìm sâu). "Quân ta" tiến nhanh vì chốc chốc lại có tiếng thét, "đỉa cắn đỉa cắn"; chẳng bao lâu đã thanh toán xong mục tiêu; sang đến bờ ruộng bên kia và báo cáo kết quả: đứa nào cũng "thưa thầy con nỏ chộ (thấy) con vi trùng mô cả". Thầy trò run run nhìn lại thấy đám luá, mới đây "mơn mởn" rũ là, giờ sao nhầu nát te tua thế này. 

Tôi biết chắc chắn sau khi đọc chuyện tôi kể trên đây, ngoài đám dư luận viên hành "nghề của chàng", những người chưa "kinh qua" CS cũng sẽ khó mà tin nổi, để rồi không chừng xếp loại tác giả vào hàng "những con tương cận" với "Vẹm" (nói láo như Vẹm). Tuy nhiên, nói đi rồi cũng phải nói lại, chuyện thầy giáo giắt học trò con nít cầm que đi ra đồng bắt vi trùng chắc gì đã là chuyện lừa, như mình nghĩ, mà là chuyện ngu, không chừng. Cứ nghe và nhìn các quan lớn cỡ đầu đảng, đầu nhà nước, đầu chính phủ trình độ cử nhân này tiến sĩ kia nói và làm, thì cũng chả có gì phải ngạc nhiên về chuyện thầy trò bẻ que cầm đi bắt vi trùng do cán bộ thôn làng "lãnh đạo" cách đây trên 60 năm về trước. Thôi thì để làm rõ "sự cố" Lừa của CS, tôi xin kể chuyện phân chia quả thực (tài sản tịch thu của địa chủ) cho người có công đấu tố.

Bà X là một trong vài ba người nghèo khó nhất làng tôi bên bờ La Giang. Bà sống bằng đủ thứ công việc linh tinh, ngày mùa đi mót khoai mót lúa ngoài đồng, gặp ai thuê gì làm nấy, nhưng đói khổ đến độ tôi không ngờ được cho đến một hôm tình cờ thấy bà lội ra giữa sông vơ lấy con gà chết có lẽ ai đó quăng đi đem về nhà làm thịt ăn. Bà bần cùng, nhưng sống lương thiện; tôi lúc đó, tuy còn nhỏ, biết được điều này vì bà ở khá gần nhà tôi và thỉnh thoảng bà đến tâm sự với mẹ tôi. Dân làng đang sống thuận hòa, thân ái, cởi mở với nhau bỗng dưng tình hình thay đổi, không bao lâu sau ngày đoàn người lạ đầu đội nón cối chân đi dép râu, vai mang xắc cốt về ở trong nhà dân và bắt đầu "Phong trào Phát động Quần chúng Đấu tranh". Dân làng quay ra sợ hãi nhau, vì bị đoàn cán bộ bắt phải biết rõ từng người từng gia đình để bình bầu xếp hạng địa chủ, phú nông, trung nông, bần nông hay bần cố nông. Cán bộ dụ dỗ dân hay đích thân ban đêm đi rình mò, nghe lén từng nhà người ta nói gì, ăn gì, khiến anh em tôi được thầy mẹ dặn rằng từ đây vào bữa ăn phải ngụy trang tên các món ăn, như gọi thịt bằng cà, gọi cá bằng dưa... em gái tôi lúc đó còn nhỏ muốn ăn gì phải đưa tay chỉ và gọi tên, nên phải tập nói láo hơi bị lâu; tay chỉ vào đĩa thịt, miệng "mẹ ơi cho con miếng dưa". Sau này bọn con nít mở mắt ra là bị hát "Ai yêu bác Hồ Chí Minh bằng các em nhi đồng", có lẽ là do truyền thống học tập để thành "bác nào, cháu nấy".

Bà X nhờ thành tích bần cố nên được "Cách Mạng" chiếu cố ưu tiên, chọn làm người đấu tố địa chủ. Bà đến "chia sẻ" với mẹ tôi; mẹ tôi nghe nói tới đấu tố là nổi da gà vì mới nhận được tin dì Bang ở trong Hà Tĩnh vừa bị đấu tố chết, muốn khuyên bà X rút lui hay có đấu thì đấu nhẹ tay nhưng không dám. Bà X còn khoe hiện đang đi học tập đấu tố và đấu xong sẽ được chia quả thực; khi nói đến "được chia quả thực", mặt bà tươi hẳn lên. Đêm đấu tố ông Phó Tư, du kích đến dí súng bắt nhà tôi phải đi xem. Hình như vì biết được phản ứng của mẹ tôi, suốt một thời gian khá lâu sau khi đấu tố, bà X không đến nhà tôi nữa. Cho đến một hôm bà đến với khuôn mặt thảm thương, mếu máo than với mẹ tôi rằng bà đã lỡ dại, vì đói nghèo quá mà phải làm theo lời dụ dỗ, "Chúng lừa, chớ có chia cho chút quả thực chi mô".

Lừa con nít, lừa người lớn, lừa cả kẻ cùng khốn vốn được "Kách Mạng" rêu rao là giai cấp bị bóc lột, là những chuyện nghe hơi bị "bức xúc" đối với người bình thường, nhưng đó là bản chất, là "nghề của chàng" mang tên CS; thế nên, sống trong chế độ CS, tôi tiếp tục bị lừa dài dài. 

Phong trào CCRĐ và chiến dịch Đấu Tố đã mang lại "thành quả cách mạng" là, dân làng "khi đang vui vẻ ra buồn chán, vừa mới 'cải cách' đã 'hãi hùng'", khiến phần lớn muốn bỏ xứ mà đi vào Nam khi hay tin muộn Hiệp định Genève có điều khoản cho phép dân chúng được tự do di cư từ khu này sang khu thuộc phía bên kia qua vĩ tuyến 17 trong vòng 300 ngày, nhưng bị nhà cầm quyền giấu kín (sau này dân biết được là do nhà thờ thì phải). Để chống dân đòi hỏi cấp giấy đi Nam, nhà nước cho trưng bày triển lãm những hình vẽ cảnh người di cư bị hãm hại trên đường đi hoặc sau khi đã vào trong Nam. Chẳng hạn như hình vẽ trẻ nít, đứa bị quăng xuống biển, đứa bị hai anh Tây đen quay trên lửa như con heo để ăn thịt; hình vẽ đàn bà con gái bị hiếp dâm; hình vẽ đàn ông vừa làm việc nặng nhọc vừa bị lính Diệm đánh đập, hình vẽ cảnh đồng bào Miền Nam bị đói khổ... Thấy cảnh vẽ như thế lúc ấy tôi cũng sợ, may mà thầy mẹ tôi ngày đó chưa hề biết ông Nguyễn Văn Thiệu là ai mà cũng đã trấn an tôi rằng, "Đừng tin những gì CS vẽ". 

Nhà tôi muốn đi Nam song chẳng biết nạp đơn cho ai; đợi mãi về sau mới có phái đoàn của "Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến" về làng, tuy bị rất đông bộ đội đóng sẵn trong nhà dân từ lâu sau chiến thắng Điện Biên Phủ mặc quần áo giả dạng thường dân - "kiểu quần chúng tự phát" bây giờ - ngăn cản người đi nộp đơn và quấy rôi Ủy ban Quốc tế, nhưng rồi một số ít người trong đó cho cha tôi cũng trao được tận tay phái đoàn đơn xin. Chưa chuẩn bị xong để lên đường thì cán bộ đến nhà gọi cha tôi ngày mai phải cầm giấy phép đi Nam lên xã và đóng đủ hết thuế nông nghiệp từ trước đến nay rồi mới được ra đi. Thế là ngay hôm đó nhà tôi phải trốn đi giữa đêm khuya bằng chiếc thuyền của bà Ph. chuyên chèo đò đưa khách qua sông đi chợ mà mẹ tôi là khách hàng thân thiết. 

Đây không phải là "chuyến đò vĩ tuyến" như cô Hoàng Oanh hát của nhạc sĩ Lam Phương; chuyến đò chỉ đưa đến Thành phố Vinh cách khoảng 30 cây số để từ đó đi xe ô tô vào vĩ tuyến cách xa trên 320 Km. Ngồi sát nhau trong mạn thuyền ai cũng lo âu sợ bị đuổi theo bắt, cũng may hồi đó chưa có cell phone và đơn vị làng xã chưa có điện thoại viễn liên... Nghe tiếng chèo khua mà tiếc nuối những ngày cùng bạn bè vùng vẫy trên sóng nước sông La sẽ không bào giờ còn; nhớ chị Thái bị tàu bay Pháp bắn chết khi trên chuyến đò chợ về qua sông được đưa về nhà trong cái võng nylon ngập máu; nhớ những xác chết nghe đâu cũng do tàu bay giặc thỉnh thoảng trôi lềnh bềnh ngang qua hay tấp vào bờ bãi cát trước nhà... Ngờ đâu chiến tranh hết, nhưng trên bờ lại dậy lên cơn sóng hung tợn dữ dằn: Sóng Đỏ, để đêm nay gia đình tôi phải trốn thoát khỏi quê cha đất tổ.

Đang sống dưới ách CS, bị lừa đã đành; nhưng khi thoát được vào vùng Đất Tự Do, tôi cũng bị CS bám theo để lừa dối. Rõ ràng là tôi đang sống cuộc đời tự do no ấm an bình hạnh phúc, bỗng dưng đường sá bị đắp mô, xe đò bị trúng mìn, cán bộ thôn xã giữa đêm bị bắt đi giết, và CS bảo đó là "Giải phóng Miền Nam"; tôi không thấy bóng dáng một người lính Mỹ nào trước khi Bộ đội cụ Hồ ngoài ấy kéo vào, thế mà bỗng dưng nghe đài Hà Nội và tờ rơi kêu gọi "Chống Mỹ cứu nước". Dù đã "kinh nghiệm" CS, nhưng, nghe lắm cũng có lúc thoáng dao động tinh thần, nghi ngờ chính nghĩa mình đang bảo vệ. 

Trong cuộc chiến xâm lăng Miền Nam, CS đã không lừa được tôi, không lừa được chiến hữu tôi, không lừa được nhiều người khác, nhưng CS lừa được không ít người Việt và phần lớn thế giới văn minh... Ồ, tôi suýt lạc đề vì đó là chuyện của CS và người khác; trong phạm vi bài này, tôi chỉ bàn về CS và tôi, theo chủ đề bài viết. Tôi xin tiếp tục chuyện CS và tôi. Như nay ai cũng đã "biết rồi", nhưng "khổ lắm" vẫn cứ phải "nói mãi", vì CS lừa giỏi "vượt chỉ tiêu" lên hàng siêu lừa, nên hiệp định Paris đối với CS chỉ là mớ giấy... lừa, đưa đến kết quả là Miền Nam Tự Do bị CS Miền Bắc "đại thắng mùa xuân", đưa cả nước vào nhà tù. 

Thực ra thì tôi đi tù cũng tại bị CS lừa. Sau khi buông súng theo lệnh đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh, vì đã có chút vốn "kinh nghiệm" với CS lúc còn nhỏ trên đất Bắc, tôi đã có ý định trốn khỏi Việt Nam, và nếu không ra được khỏi nước thì cũng cải trang thay tên đổi họ vì sợ phải đền tội "chống lại cách mạng đến giờ phút cuối cùng", "sẽ bị xử lý đích đáng" mà đi đâu trong vùng Sài Gòn tôi cũng nghe được bộ đội cụ Hồ lên án "Bọn Ngụy quân ở mặt trận Nước Trong Long Thành là ngoan cố nhất, phải xử lý chúng đích đáng", nhưng khi nghe lãnh đạo tối cao "bên thắng cuộc" tuyên bố đại ý rằng, "Người Việt Nam chẳng bên nào thắng, bên nào thua; chỉ có đế quốc Mỹ thua", tôi yên tâm trở về gia đình và trình diện chính quyền mới để đi học tập "mười ngày", nhưng "ngày" của CS không chỉ có 24 tiếng đồng hồ.

"Mười ngày" của CS thật là "qúy" như thứ "độc lập tự do" của ông Hồ: nó dài bằng hai ngàn năm trăm ngày của người bình thường. Ba năm đầu chúng tôi bị gọi là "tù binh Ngụy", do Bộ đội "quản lý". Mới ban đầu, ai cũng cứ nghĩ là lính với nhau cả, khi đã buông súng thì hết là kẻ thù của nhau, nhưng không; đã là CS thì tính đảng đã phạng mất tính người. Họ đối xử với hàng binh có khi còn tệ hơn với súc vật. Có lần ba anh em chúng tôi sau suốt một ngày gánh nước từ suối sâu lên để tưới cây dưới trời nắng toé lửa, đói lả người vì cả ngày chỉ được một lưng chén cơm gạo mục với nước muối và một khúc khoai mì có khi đắng quá hoặc bị thối ăn không được; bỗng dưng trời đổ mưa tầm tã, nghĩ là tên trung úy quản giáo sẽ tìm lo tìm chỗ đứng trú mưa nên chúng tôi quơ vội mấy ngọn bí cho vào ống gô đứng chụm đầu che mưa đốt lửa luộc ăn cho đỡ đói; khi đang mừng hết lớn đưa cọng rau vào miệng chưa kịp nhai thì có tiếng thét của quản giáo, "Nhả ra ngay, ai cho phép cải thiện linh tinh", tôi ngước mắt nhìn lên thấy, dưới cái nón cối chụp trên đầu ông sĩ quan bộ đội cụ Hồ ướt mèm đang rơi lả tả những giọt nước mưa, cặp mắt đỏ ngầu như thú dữ vò được con mồi với hai hàm răng nghiến lại và khoé miệng như phì phì bọt mép; thoáng chốc hắn biến thành tên tù binh CS ngày trước bị chúng tôi bắt được ngoài chiến trường miệng đang nhai ngồm ngoàm bánh tét tay cầm điếu thuốc chúng tôi chia bớt phần mình. Vì bị thế giới đòi thả hết "ngụy quân" khỏi nhà tù, vì dựa theo luật pháp quốc tế, thời hạn giam giữa tù binh tối đa là 6 tháng, CS Phạm Văn Đồng lúc đó làm thủ tướng chống chế với Thủ tướng Pháp rằng chúng tôi là bọn côn đồ ma cô đĩ điếm phạm tội hình sự, sau đó đổi tên gọi là "tù cải tạo", là "phạm nhân", chuyển giao cho Công An. Bộ đội CS đã vô nhân, Công an CS còn bất nhân gấp bội, nhưng tất cả đều là bợm trong nghề Lừa, ai cũng đã biết.

Nói về con lừa CS thì cả chuyện trường thiên tiểu thuyết, và những cái lừa CS dành cho tôi chắc chắn chả thấm vào đâu so với nhiều nạn nhân khác bị CS lừa những cú "hoành tráng" hơn nhiều. 

Nhưng "nhờ" bị CS lừa mà tôi ra đi đến bến bờ Tự Do bằng máy bay an toàn, không như hàng triệu đồng bào tôi phải vượt biên vượt biển qua bao nguy biến khiến hàng nửa triệu người bỏ mình nơi rừng già biển cả, hay còn sống nhưng giờ chẳng biết trôi dạt nơi đâu. Đinh ninh như thế là thôi, là từ nay xa nhau nửa vòng địa cầu và cách trở hai đại dương; "anh đi đường anh, tôi đường tôi", lừa tôi như rứa cũng đủ rồi. Nào ngờ con lừa CS lại vượt đại dương mò đến, đầu đội mũ NQ 36, mõm kêu be be "hòa hợp hòa giải", "hãy quên quá khứ", trong khi đó bên nhà, tháng Tư chưa đến CS đã rêu rao "tội ác Mỹ Ngụy". (Ấy vậy mà CS cũng dzớt được vài con dzịt đẹt "tỵ nạn CS" điên điên khùng khùng thành "Việt kiều yêu nước" vì yêu ăn khế ngọt, yêu gặm cỏ non).

Với loài người nói chung, CS là tổng hợp đủ thứ dịch họa tai ương; với tôi, CS là vết thương đau trọn đời. Trong đó nỗi đau lớn nhất là phải rời bỏ quê cha đất tổ, quê hương yêu dấu, không chỉ một, mà những hai lần. Lần ra đi thứ nhất không phải vì bom đạn thực dân Pháp mà từ nhỏ anh em tôi đã phải tự đào hầm ẩn để núp, nhưng phải ra đi sau khi giặc ngoại xâm bị đánh bại và cút về nước, bởi sự hy sinh xương máu của chiến sĩ đồng bào Việt Nam tôi. Lần ra đi thứ hai, không phải vì chạy trốn cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, nhưng sau khi ngưng hẳn tiếng súng lúc Nam Bắc một nhà, "người Việt không thắng người Việt; chỉ có đế quốc Mỹ thua".

Nhìn lên cái tựa "Cộng Sản và Tôi", mắt tôi cay sè; những giọt nước mắt đang lăn xuống trên má tôi làm nhòa màn hình máy vi tính trước mặt. Nước mắt cho tôi hay nước mắt cho quê hương tôi đang trong tay Cộng Sản.

Mùa Quốc hận thứ 40


Người Sông La
danlambaovn.blogspot.com

_____________________________________________



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo