Bài thi viết "Cộng sản & Tôi'": Ngày dài nhất - Dân Làm Báo

Bài thi viết "Cộng sản & Tôi'": Ngày dài nhất

Quảng Phượng (Danlambao) - Lại một tháng tư đen tới, hình ảnh thảm thương của cha tôi 40 năm trước, những cay cực nhục hình mà đời cha phải gánh chịu lại trở về hừng hực, hằn đậm lên từng chi tiết sống động trong tâm trí tôi. Nỗi buồn vạn cổ của đời cha nào đâu đã phôi pha cho dù cha đã yên giấc ngàn thu vì ngày nào máu còn luân lưu trong huyết quản tức là ngày con còn thấm thía nỗi đau mất nước do bàn tay tàn bạo của Cộng sản đến cưỡng chiếm. Một nỗi đau tuy âm ỉ nhưng mãi mãi đồng hành với con cho đến tận ngày cáo chung của bọn quỷ đỏ CSVN trên đất mẹ thân yêu... 

*

Chuyện cũ, 40 năm rồi. Nhưng đối với tôi, mỗi lần 30 tháng 4 đến, nó cứ như vết thương lâu ngày, tưởng đã lên sẹo, nay lại đau đớn bị xé toạc ra lần nữa, càng nhức nhối hơn sau ngày cha tôi qua đời.

Sáng 30 tháng tư năm 1975 đó đã hằn sâu vào tâm trí tôi. Sau khi nghe tân tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi trên radio: “Hạ vũ khí đầu hàng, vô điều kiện”, cha tôi chết lặng, mặt mũi thất thần. Hàng xóm chung quanh nhà tôi hớt hải chạy dồn ra phi trường, ra bến tàu để tìm một chỗ thoát thân. Tuần trước, có người quen bằng lòng cho cha tôi đi bằng tàu ra đảo Guam, nhưng ông đã nói với các con rằng: “Một là, Ba không cầm súng chiến đấu trực tiếp, mà chỉ làm việc tại Bộ Canh Nông, đảm nhận công việc giúp đỡ người nông dân từ hai mươi mấy năm nay, lại chưa từng tham nhũng hay ăn hối lộ của ai một đồng. Hai là, giờ phút trọng đại của lịch sử đã điểm, đất nước mình đã thôi chiến tranh, những người bên kia cũng là người Việt như mình, vậy mình không nên bỏ đi mà nên ở lại quê cha đất tổ. Ba là, Ba không thể bỏ mẹ và các con, cũng như Ông Nội để tìm đường sống riêng cho mình.” Ông nào có biết rằng, với quyết định vội vàng đó, đời ông đã bước sang một giai đoạn tối đen và kinh hoàng không bút nào tả nổi.

Sáng hôm đó, những người lính Việt Nam Cộng Hòa vì theo lệnh phải đầu hàng trở nên hốt hoảng tràn xuống đầy đường, thậm chí không biết mình chạy đi đâu, về đâu nhưng một nỗi thất vọng kinh hoàng trước những kẻ bên kia đang từ từ đến gần thành phố đã thúc bách họ phải lao chạy. Áo quần, ba lô, giầy bốt chất thành đống chơ vơ, buồn thảm bên vệ đường. Những bộ đồ lính đủ mọi binh chủng, mũ đỏ, mũ xanh, nón sắt một thời oai hùng, lừng lẫy bây giờ bị vứt ngổn ngang, bị bao chân người dẫm đạp qua. Nhà tôi ở gần phi trường Tân Sơn Nhất nên nghe rõ tiếng súng giao tranh hai bên vọng đến ác liệt. Sau buổi trưa, chợt có tiếng reo hò ồn ào ngoài đường, cả gia đình tôi chạy ra cửa, từng đoàn xe molotova của Việt cộng đang rầm rập tiến về trung tâm Sài Gòn. Cha tôi đứng sau lưng, hai mắt ông bần thần mờ lệ, rưng rưng buồn.

Chiều đến, ruột gan tự dưng bất yên, cha tôi soạn hết những tài liệu, bằng biếu, hình ảnh ghi dấu một thời làm việc của cha ra đốt. Nhìn đống lửa giữa vườn cao vượt cả đầu người bỏng rát, tí tách dòn dã, tôi liên tưởng đến những đêm lửa trại hướng đạo rộn ràng sôi động của mình mới đây thôi. Nhưng giờ phút này, lửa lại nhuốm màu hung hãn, há cái miệng hàm hồ nuốt chửng bao chứng tích mà suốt gần nửa đời, cha tôi đã cần cù gặt hái được từ giảng đường này sang giảng đường khác, từ những đêm tay vừa vác con trên vai ru à ơi, tay còn lại cầm sách nhẩm bài cho kỳ thi sắp đến. Hết luận án tốt nghiệp Luật, luận án tốt ngiệp Quốc Gia Hành Chánh, lại thêm luận án tốt nghiệp Cao đẳng Quốc Phòng mà ông đã rất khổ công ngày đêm cặm cụi viết, giờ đang đỏ rực, rồi cong queo quằn quại, phút chốc thành ra tro tàn vô nghĩa... Trời buồn, mưa lâm râm u ám, mấy cha con ngồi đốt tới màn đêm buông xuống mới xong.

Ngày đó tôi còn ngu ngơ quá, trong gia đình được cha mẹ chăm lo một tuổi thơ lành lặn, no ấm, ngoài biên thùy đã có các anh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đêm ngày bảo vệ biên cương để tôi đến trường hồn nhiên như cây cỏ. Ý thức chính trị chưa bao giờ nhen nhúm trong đầu, nên tôi chưa thấu hiểu được nỗi lòng tức tưởi, uất hờn của người bại trận. Giờ đây, tuổi tôi cũng tương đương như tuổi cha ngày ấy, tôi mường tượng lại khung cảnh buổi chiều 30 tháng 4 năm 75 thê lương mà thấy thương cha đến rưng rưng cả người. Cha tôi đã bị mất tất cả của một đời người: Từ tự do cho đến tài sản, cả danh dự và nhân phẩm lẫn sự nghiệp. Còn nỗi đau nào sâu hơn, nỗi sợ nào lớn hơn trước một viễn cảnh tối đen như địa ngục đầy rẫy nhục hình đang chờ đón cha cũng như 17 triệu dân chúng miền Nam, đơn giản vì cộng sản lan tràn tới đâu là loài người bị tước đi tất cả dân chủ, nhân quyền tới đó, và khi đã mất quyền làm người thì đừng nói đến tự do hạnh phúc.

Tôi nhớ như in chương trình ti vi những ngày sau đó, hàng ngày chỉ phát sóng 1 giờ đồng hồ. Đầu tiên là bài Giải phóng miền Nam đằng đằng sát khí với lá cờ hai màu xanh đỏ của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng, sau đó đến bài “Đoàn quân VN đi... ” cùng cờ đỏ sao vàng của miền Bắc. Kế đến là tin tức thời sự được một bà xướng ngôn viên truyền hình mặc áo bà ba cháo lòng, mặt mũi lạnh tanh cùng giọng nói, trời ơi, 40 năm rồi, cái giọng nói ghê rợn của bà ấy không làm sao mà phôi pha cho được trong tôi. Vừa cực kỳ hung tợn, vừa sắt máu đanh cứng, y như quan gian ép tội dân đen, như đao phủ hành hình người nghe: “Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi vẻ vang, đó là Đại thắng mùa xuân, dẫn đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, kết thúc chiến tranh Việt Nam. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!” Gia đình tôi ai cũng lo âu, nói năng thì thào, vừa ăn cơm trong đèn dầu âm u của những ngày mất điện vừa nghẹn ngào không biết ngày mai sẽ số phận sẽ ra sao?

Mười ngày sau cha tôi phải đi tập trung cải tạo. Hôm cha đi, tôi và anh tôi còn đưa cha ra trạm xe buýt. Thấy tôi bịn rịn, ông vỗ vỗ vào đầu tôi nói: “Ba đi mười bữa ba về mà.” Mười bữa của Việt cộng kéo dài ra đến 5 năm. Chúng đã đày ải cha tôi từ Thủ Đức qua Long Thành, về lại khám Chí Hòa trước khi chuyển ra trại tù Bắc Thái và cuối cùng là trại tù Hà Nam Ninh. Dạo đó, tưởng cha đi mươi ngày, lại thêm mấy tháng chưa lãnh lương, tiền mặt trong nhà quay đi quay lại hết nhẵn. Căn nhà ngày nào trang bị tiện nghi đầy đủ nay gió vào thông thống như căn nhà không người vì tất cả đồ đạc ti vi tủ lạnh máy móc, tủ giường bàn ghế, chén bát, cửa sắt, cửa gỗ…, thậm chí cả những thứ đồ chơi cỏn con đã gắn bó với cả thời thơ ấu của chúng tôi như con búp bê biết nhắm mắt mở mắt, con gấu con biết khóc ù oa, xe hơi cảnh sát chạy hú còi inh ỏi... mà cha tôi đi Pháp mua về cho các con cũng từ từ đội nón ra đi để đổi thành bo bo, thành củ mì cầm chừng qua ngày. Mẹ tôi theo cha từ Huế vào Sài Gòn mấy chục năm vẫn giữ cốt cách rất Huế của mình là đi ra khỏi nhà phải xỏ tay vào cái áo dài, như vậy mới thể hiện được sự kín đáo, đoan trang của người phụ nữ đất thần kinh. Giờ thì thành phố cũng đổi tên, huống chi áo xống tơ lụa của mẹ đổi chủ là chuyện bình thường. Sài Gòn trở thành thiên đường mua sắm lộ thiên cho đoàn bộ đội rừng rú tràn về vơ vét sạch sành sanh. Một người anh họ mẹ tôi đi kháng chiến ra Bắc năm 47, sau 75 tìm về Huế thăm cha mẹ họ hàng đã đùm theo một gói cơm nắm muối mè cho người thân vì nghe đài miền Bắc ngày đêm ra rả tuyên truyền, dân chúng bên kia vĩ tuyến vô cùng cơ cực, lầm than ngất trời dưới gót giầy đế quốc cùng bè lũ bán nước(!) Còn trớ trêu hơn là khi trở lại ra Bắc, người bác ấy phải thuê xe thồ cả núi đồ xin được của Mỹ Ngụy, thậm chí đến cái chổi cùn, cái rổ thủng cũng xin!!! Các câu vè chế diễu cán ngố sau 75 tại Sài Gòn xuất hiện nhan nhãn, Vẹm vào vơ vét về! Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng! Bộ đội có nghĩa là đi bộ ngoài Bắc vào và đội đồ trong Nam ra! Ăn như tu, ở như tù, nói như lãnh tụ...

Hồi cha tôi bị giam giữ trong miền Nam, mẹ tôi còn đi thăm nuôi, chứ khi bị đày ra Bắc rồi thì đường xa dịu vợi, tốn kém mắc mỏ, gia đình tôi lấy đâu ra đủ tiền để đi ra Bắc đây. Không đi được nên mẹ con tôi đành chờ cứ 3 tháng có giấy cho phép của trại cải tạo, chúng tôi lại ra bưu điện gửi một gói quà 2 kí lô cho cha. Mỗi lần nhận được thư từ trại cải tạo, mấy mẹ con đều lo âu, hốt hoảng. Vì ngày ấy, hung tin có thể bất cứ lúc nào giáng xuống đầu thân nhân người tù. Hàng xóm hai bên, bạn bè tôi nhiều đứa cũng có cha đi cải tạo và cũng có biết bao người đã gửi nắm xương tàn không bia mộ nơi một cánh rừng già hoang vu nào đó.

Cha vốn hảo ngọt nên mẹ đã nghĩ ra một món cực kỳ bổ dưỡng để cha chống rét, đó là món mỡ đường. Mẹ tôi mua cả ký mỡ về luộc, cắt hạt lựu, rồi ngào trong đường như ngào mứt, đến khi đường sít lại, trộn mè, dồn mỡ vào hũ nhựa gửi cho cha. Mẹ thưởng công tôi phụ bếp là cái nồi còn dính ít đường, ít mỡ dưới đáy. Tôi cạo, tôi vét, tôi liếm sạch như lau như li khiến con chó già nua nhà tôi ngồi chầu hẫu một bên đến khi tôi đặt nồi xuống hít hít vài cái lấy lệ rồi cụp đuôi thất vọng. Thói quen đó thấm sâu vào tâm thức tôi dù hơn 30 năm sống ở hải ngoại sung túc, khiến các con tôi lúc nào cũng chế nhạo cười tôi: Mẹ mà ăn kem xong thì tiệm kem không cần rửa ly nữa! 

Đúng như ông cha đã dạy Nước mất thì nhà tan. Cả miền Nam đều lâm vào cảnh tan tác tiêu điều như vừa qua một cơn đại hồng thủy. Gia đình nào có dính đến Ngụy càng thê th̉ảm hơn. Con cái Ngụy, trẻ nhỏ thì đi bới móc ve chai để góp cho đoàn tàu thống nhất, thanh niên thì trúng mìn mất mạng khi gia nhập thanh niên xung phong trên các công, nông trường, vợ Ngụy có ít nhan sắc thì bị cán bộ gạ gẫm truy ép, gia đình Ngụy thì bị cưỡng bức đi vùng kinh tế mới, hầu cho đảng viên nhảy vào chiếm tài sản, nhà cửa. Cộng sản thẳng tay bắn bỏ người miền Nam nào không chấp hành mệnh lệnh, như có lần, dân chúng nơi tôi cư ngụ bị lùa ra công trường Chiến Thắng để xem xử bắn hai người dân trong quận, chỉ vì đã tàng trữ sách báo chế độ cũ trong nhà, không chịu tham gia nạp cho phường khóm trong chiến dịch Bài trừ văn hóa đồi trụy!!!

Năm 1980, tôi từ trường về thấy nhà mình có khách. Mẹ tôi đang rửa rau ngoài sân quay lại nhỏe miệng cười ngời ngợi khiến tôi ngỡ ngàng vì từ ngày cha đi tù, trên gương mặt mẹ chỉ toàn một nỗi lo thăm thẳm khôn nguôi. Trong nhà có một người nào đó ngồi ẩn mình sau bức tường, duỗi hai chân đen đúa ra ngoài. Đó là cha tôi!

Tôi quăng cặp sách xuống đất ôm cha khóc òa. Giọt nước mắt ngày đoàn tụ đối với tôi còn quý hơn trân châu bảo ngọc. Đời người có vô số những ngày vui trọng đại luôn được dành một ngăn trang trọng trong tâm khảm. Riêng tôi, chắc kiếp trước khéo tu nên kiếp này được Trời Phật ban cho bốn lần may mắn. Đó là lần được đặt chân đến nước Đức, hai lần sinh con và lần cha tôi được thoát vòng lao tù. Bao điều bất hạnh lớn nhỏ khác mà tôi va vấp trên đường đời vốn gập ghềnh cạm bẫy đều trở nên dúm dó vô nghĩa so với bốn diễm phúc ngút ngàn này. Khi viết những dòng hồi ký này cho cha, tôi vẫn mường tượng lại được nguyên vẹn kích thước niềm vui ngày ấy đang căng phồng, tràn đầy cả lồng ngực mình đến choáng ngợp.

Khi chúng tôi còn ở trong nước, cha rất ít khi kể về những năm tháng tù đày. Có lẽ người dân miền Nam nào muốn sống yên ổn dưới ách Việt cộng thời ấy đều phải học bài học vỡ lòng là biết sợ. Sợ tai vách mạch rừng của bọn công an khu vực, sợ bọn chó săn trong tổ dân phố đang rình rập nghe ngóng để tìm cách báo cáo tâng công... 

Mãi cho đến mùa đông đầu tiên thoát cộng đến được xứ người, năm đó hàn thử biểu nước Đức đạt kỷ lục tụt xuống trừ 20 độ, cả gia đình tôi sáu người được xếp vào ở một căn hộ khoảng 50 mét vuông trong trại tị nạn. Sáng đầu tiên ngủ dậy, không hẹn cha mẹ con cái trong nhà đều trải qua một giấc mơ giống hệt nhau, mơ thấy mình đang bị bọn công an truy lùng đuổi chạy thục mạng, nhưng sau tỉnh dậy biết đó chỉ là ác mộng, giờ đây chân đã đặt lên bến bờ tự do, ai ai cũng mừng rỡ như vừa thoát được cơn đại nạn. Trong căn phòng tuy chật chội nhưng yên ấm này, cha tôi tự dưng bồi hồi ôn lại những năm tháng tù đày tăm tối của mình. Từng lời, từng cảnh, từng đoạn như một cuộn phim đứt khúc lem nhem đang được vá víu lại.

Dạo cha bị giam trong rừng, nhiệt độ chưa bao giờ xuống dưới con số không, vậy mà người tù nào cũng run lẩy bẩy vì đói, không đủ nhiệt lượng để chống đỡ với cái lạnh khủng khiếp như từ trong xương lạnh ra. Chưa kể tù nhân phải nằm la liệt co ro trên nền đất lạnh, đất hút đi hơi ấm của cơ thể sẽ sinh ra phong thấp, viêm phổi, hen suyễn vô cùng nguy hiểm. Việt cộng không trả thù bên thua cuộc bằng pháp trường bắn bỏ, nhưng thâm độc hơn, đó là sự hành hạ tù nhân bằng cách bỏ đói trường kỳ vì chúng biết miền Nam lúc nào cũng ấm no, sung túc. Giờ đây phải sống trong mòn mỏi, trong nhục nhằn, bị chà đạp từ nhân phẩm đến thể xác, bị hạ thấp xuống ngang hàng với súc vật, xanh xao bịnh tật, rách rưới cam chịu cúi đầu sống qua ngày/chờ qua đời... Rồi ngộ độc tiêu chảy, sốt rét thương hàn, phù thủng, ghẻ lở lan tràn cả trại đã cướp đi bao mạng người. Mô hình trại giam của Liên Xô, của Trung Quốc được đem ra áp dụng triệt để cho quân nhân cán chính miền Nam, sáng thì tù nhân được lùa lên núi đập đá, lùa vào rừng khai hoang, trồng khoai, trồng mì, vớ được con cóc, con nhái, con bọ nào cũng mừng, coi như ngày đó có chất đạm cải thiện. Tối đến còn phải học tập chính trị nhồi sọ, bị lên án đấu tố, viết kiểm điểm khai báo thường xuyên cứ hai tuần một lần, những công việc mà chúng cho là nợ máu trước đây, thêm cả việc kê khai tài sản của nổi của chìm... để bọn quản giáo còn đối chiếu xem mức độ thành khẩn của người tù đã tiến bộ đến đâu. Nếu người tù nào có thái độ ương ngạnh, phản đối quản giáo hành xử tàn độc, lập tức bị trói gô đánh đấm bỏ đói, cuối cùng là chuyển xuống các hầm biệt giam vừa chật chội vừa tối tăm, không còn thấy ánh mặt trời. Cha kể trong nước mắt ngậm ngùi, có người bạn tù sau vài tháng bị giam, lúc được trả về đội, đã lê lết bại xuội đến ngày nhắm mắt. Ngay cả quan hệ giữa các người tù cũng đầy nghi ngại vì sợ bị Ăngten báo công cho quản giáo để nhận thêm phần ăn. Cái đói hành hạ đến nỗi họ đã bán rẻ lương tâm. Cha tôi thổn thức khi kể thêm có người ăn riêng một trái dưa hấu trong nhà xí, người đi sau vì đói quá nên mót vỏ dưa ăn lại, rồi người sau nữa cho đến khi không còn một mẫu vỏ nào. Chúng tôi nghe chuyện xong, đến bữa cơm sau đó, cả nhà bưng bát cơm lên ăn mà như bị nghẹn.

Cuối một hồi niệm đau xót, cha thường chua chát kết luận bằng câu: Được làm vua - Thua làm giặc! Huyênh hoang là cải tạo, là khoan hồng nhưng thực chất là sự trả thù dã man tàn bạo và vô nhân tính. Gặp quản giáo dù đáng tuổi con cháu, trình độ i tờ, người tù lưng còng tóc bạc cũng phải đứng nghiêm dạ thưa cán bộ, dạ thưa quản giáo, nếu không sẽ bị chửi rủa, bị kỷ luật ngay tại chỗ. Trịch thượng, hống hách, xấc xược như thế, đương nhiên là vì không được giáo dục lễ nghĩa, phép tắc theo đạo lý cổ truyền Việt Nam từ ngàn xưa đã răn dạy.

Những đối xử thù địch đó giáng xuống đầu từ đời cha đến đời con chúng tôi, thứ con ngụy thì dù thi đại học có đạt 30/30 điểm như anh tôi vẫn không được phép khoác áo sinh viên, trong khi bọn ở rừng về, cái “quy tắc tam xuất” còn vò đầu bứt tóc, mà muốn vô Y, vô Dược chỉ cần cha mẹ chúng nhấc cái điện thoại lên gọi một cú cho hiệu trưởng là xong. Thậm chí đến khi chúng tôi được phép xuất cảnh sang Đức đoàn tụ gia đình, cha tôi còn không được phép bán căn nhà do chính ông đã đổ mồ hôi tiện tặn bao nhiêu năm mua trả góp vì một lý do rất bẩn thỉu của Cộng sản: Căn nhà mà gia đình tôi có được là do sự bóc lột của giai cấp tư sản, nay phải hiến cho nhà nước và nhân dân sử dụng vào lợi ích chung! Nhân dân chỉ được đề cao trên khẩu hiệu, được đưa ngực ra làm bia đỡ đạn trong chiến tranh chứ cái gì mà có dính đến ba lợi ích - bốn lợi nhuận thì toàn thấy bản mặt xôi thịt của đảng viên cán bộ nhảy vào ăn chận.

Trong lần đầu tiên về nước sau 21 năm xa xứ, tôi nào có được phép vào thăm căn nhà đầy ắp tuổi thơ ngà ngọc của mình. Như một cánh chim náo nức tìm về vườn xưa kỷ niệm nhưng hỡi ơi, còn đâu khung cảnh êm đềm muôn trùng lá xanh da diết trong ký ức. Giàn hoa ti gôn rực hồng những cánh hoa tim vỡ rợp mát ban công, cây mai chiếu thủy thả hương trắng ngần là đà soi mình xuống hồ nước, cội mai già giữa sân cứ mỗi lần giáp Tết là cha lại bắt thang trẩy lá để đúng sáng mồng một rực vàng cả khu vườn... tất cả đã bị đốn sạch. Bốn bề toàn là tường cao bít bùng xi măng xám xịt thô lậu, không bói ra được một màu xanh biêng biếc lung linh bóng nắng ngày nào. Qua đường dây của người hàng xóm cũ tốt bụng ở một bên, tôi được thông báo, cứ chồng đủ 1000 (một ngàn) cây vàng thì vật mất sẽ về lại tay khổ chủ! Đúng như ông bà mình có câu, cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan. Để đổi lấy tự do, một căn nhà có đáng là bao, nhiều người còn bỏ cả mạng sống trên biển khơi mịt mùng, nhưng sự cướp đoạt trắng trợn tài sản được trá hình dưới chiêu bài lợi ích chung thì thật không còn gì trơ tráo cho bằng. Việt cộng còn có thêm bản chất ghê tởm nữa là nhổ liếm. Những gì mà chúng lên án, chửi rủa từ bao năm qua, như cầm tù bắt bớ bọn phản quốc vượt biên bỏ nước ra đi thì nay lại được chúng o bế nâng niu thành khúc ruột ngàn dặm vì những đồng ngoại tệ hậu hĩnh gửi về, hoặc bọn đế quốc Mỹ mà chúng phải đánh đuổi cho cút ra khỏi bờ cõi năm 1975, nay trở thành đất hứa thiên đàng hạ giới để cha con chúng tìm tới hạ cánh an toàn, sau thời gian bán dân bán nước, vơ vét tài nguyên công quỹ quốc gia...

Năm 2000, sau một ca mổ vì bị bướu trong não, cha tôi qua đời. Vẫn biết sinh ly tử biệt là quy luật vô thường nhưng tôi đã khóc rất nhiều: Lòng buồn ân hận vì khi cha còn sống, tôi chưa có dịp để đền đáp công ơn trời biển của người. Buồn thì dễ phôi pha chứ ân hận cứ mãi làm người ta day dứt và tiếc thương. Những năm sau đó, trên chuyến xe lửa về thăm mẹ, tôi vẫn còn giữ y nguyên cái cảm giác êm đềm mình đang về nhà thăm cha, chứ không nghĩ là ông đã đi về nơi miên viễn xa xôi.

Và hàng năm, cứ đến ngày quốc hận, chập chùng giữa bao biến cố kinh hoàng ngày ấy là hình ảnh thân yêu của cha tôi lại lung linh tràn về tâm tưởng. Tôi biết, thù hận làm tâm người khó bình an, nhưng thiết nghĩ mỗi người chúng ta nên suy gẫm lại, vì sao mình phải bỏ xứ mà đi? Chúng ta khác với Cộng sản ở chỗ đó. Chúng ta có mặt ở đây vì lý do tị nạn chính trị chứ không chọn kiếp sống lưu vong như bọn tư bản đỏ ngày nay đang chuyển những gia tài bất lương kếch xù rồi cả gia đình chúng ra nước ngoài sống đời sống đế vương. Nên tôi luôn tự nhủ, không bao giờ lãng quên quá khứ, không bao giờ dễ dãi thỏa hiệp bất cứ một điều gì làm lợi cho Cộng sản. Cũng không khép kín trong khuôn viên gia đình mình an vui là đủ, như vậy vô tình trở thành vô cảm, quay lưng với chính đồng bào đang thoi thóp dưới ách tàn độc cộng sản tại quê nhà.

Hằng năm, ngày 30 tháng tư trở thành ngày dài nhất trong năm đối với tôi. Sáng 30/4 ngủ dậy không còn để chào đón bình minh trong trẻo như mọi ngày mà khởi đầu bằng những căm hờn sôi sục trong tim. Hồi tưởng lại biến cố ấy không phải vì được sống qua giây phút “vinh quang” thống nhất hai miền, mà với vai trò là một trong hàng triệu nhân chứng lịch sử, để nói rõ rằng, lịch sử Việt Nam hiện nay đã và đang bị Việt cộng viết lại theo chiều hướng dối trá, láo phét từ khi có đảng. Đơn cử là chuyện Việt cộng thảm sát, chôn sống hơn 5000 thường dân Huế hồi Tết Mậu Thân 68 mà nay chúng gian trá tuyên bố đó là nạn nhân của các cuộc pháo kích từ phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa đồng thời cũng do việc rải bom của Mỹ san bằng thành phố Huế. Dạo đó, nội ngoại hai bên gia đình tôi còn ở ngoài Huế, bên họ nào cũng có người, dù là thường dân, cũng bị Việt cộng lùa đi chôn sống. Tôi viết ra đây không vì coi trọng mạng sống người miền Nam hơn người phía Bắc vì gia đình nào có người nằm xuống cũng để lại một nỗi đau khôn nguôi cho tất cả người thân của mình. Hãy tìm hiểu vì sao lại có cảnh nồi da xáo thịt, câu trả lời chính xác nhất là do chính Việt cộng đã tạo ra cuộc chiến làm thiệt mạng hàng triệu sinh linh của hai miền. Việt cộng đích danh là những tên đồ tể không hơn không kém, đã nướng bao thế hệ thanh thiếu niên miền Bắc vào những trận đánh biển người man rợ, chưa kể các hành động khủng bố đặt mìn, pháo kích bừa bãi vào nơi dân chúng miền Nam đang vui sống an lành, cũng như xô đẩy hàng trăm ngàn người mất mạng trên biển khơi... 

Những bài thi viết về Cộng sản của các anh chị đã tham gia quá sâu sắc, mỗi bài như một nhát cắt làm nghẹn lòng người. Đọc xong, tôi thường ngần ngừ cân nhắc rất lâu, vì những mất mát thiệt thòi mà gia đình tôi phải gánh chịu tính ra rất nhỏ, nhỏ như là một hạt muối so với một đại dương mặn chát chất chồng tội ác Cộng sản từ khi xâm nhập vào Việt Nam, nhưng cuối cùng tôi quyết định cũng sẽ tham dự, coi như góp gió thành bão. Mỗi người là một số phận rời rạc nhưng tích tụ nhiều số phận sẽ tái diễn lại lịch sử một cách trung thực nhất. Bao thế hệ cha chú đã nằm xuống và ngay cả chúng ta rồi cũng trở thành tro bụi, nhưng những cáo trạng này vẫn được lưu truyền, nhất quyết không tiếp tục im lặng để cho Cộng sản có cơ hội độc quyền đánh lừa các thế hệ mai sau. 

Kể về tội ác của Cộng sản thì bao nhiêu giấy mực cho đủ, mỗi giờ mỗi phút lại chất chồng lên. Những việc làm vô lương tâm, vô nhân đạo như hối lộ tham nhũng làm thất thoát hàng tỷ đồng của công, cắt xén tiền xây dựng công trình khiến cầu sập nhà đổ nguy hại đến mạng người, moi ruột các dự án đầu tư, ăn chặn tiền cứu đói, cướp đất dân oan, tổ chức các đường dây buôn phụ nữ, công an đánh chết dân, đàn áp bắt bớ người yêu nước... đã là dã man lắm rồi nhưng tày trời nhất vẫn là tội bán nước, đời đời sẽ bị hậu thế phỉ nhổ nguyền rủa. Ai đến giờ phút này mà vẫn một lòng theo đảng, ngậm miệng ăn tiền hoặc mù quáng không chịu tin là đảng CSVN đang từng bước âm thầm dâng đất liền biển đảo của Việt Nam cho Cộng sản đàn anh Trung cộng, theo tôi thì người đó không xứng đáng là người con đất Việt nữa. Hãy ra xin đổi quốc tịch thành công dân Trung cộng đi, đúng với tinh thần vong bản của Tố Hữu khi viết câu thơ Bên kia biên giới là nhà... Đó chính là kết quả tất yếu từ việc khởi đầu của một chiến thắng không chính nghĩa mà Việt cộng huyênh hoang gọi là “Đại thắng mùa xuân” năm 1975 đã được chính Tổng bí thư Cộng sản Lê Duẫn tự hào tuyên bố Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc!!! Không sao tưởng tượng được người cầm quyền lại phát biểu một cách…, trời ơi, đến đây thì tôi chào thua, không còn từ nào thích hợp để sử dụng cho chính xác nhất!!! Máu chảy thành sông, xương chất thành núi, bao xương máu dùng cho tham vọng điên cuồng này đã có con em nhân dân miền Bắc cung cấp, chứ con cái của các đảng viên chóp bu trên trung ương như con ông Giáp, con ông Lê Duẫn, con ông Trường Chinh thì bốc hơi đâu rồi nhỉ? Hay loại con ông cháu cha này tự nhiên được di truyền các gen thông minh đột xuất nên đang ngồi yên lành trong các viện nghiên cứu sáng choang, các trường đại học nổi tiếng bên Đông Đức, bên Liên Xô? 

Bốn mươi năm, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, tóc ngày nào còn mượt xanh óng ả nay đã phong sương nhuốm bạc râm ran. Hẹn nhau một ngày về tuy biết còn xa vời lắm, nhưng hy vọng nhờ xa lộ thông tin ngày càng thông thoáng, trào lưu dân chủ loang rộng toàn cầu, từ đó người dân trong nước sẽ nhận diện được bộ mặt tham tàn hèn hạ, hại dân bán nước của đảng CSVN, đồng loạt vùng lên lật đổ chính quyền phản động Cộng sản, trước khi quá muộn vì Việt Nam đã trở thành khu vực tự trị của Trung cộng như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông... Kế hoạch Hán hóa để thôn tính nước ta không còn phải giấu diếm bí mật nữa mà bọn Tàu khựa nghênh ngang thực thi nhờ vào thái độ vong nô cõng rắn cắn gà nhà của đảng CSVN. Hàng chục ngàn nam công nhân Trung quốc đang ào ạt sang làm việc tại Việt Nam. Sau đó kết hôn với gái Việt và chỉ cần vài mươi năm, công việc đồng hóa sẽ nhân rộng ra khắp cả nước, đúng như chính sách Trung quốc hiện nay đang thực hành với các dân tộc thiểu số, điển hình là Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Còn đảng sẽ mất nước. Nếu không lật đổ đảng, toàn thể dân Việt từ Bắc đến Nam lần này sẽ phải trải qua những đau thương tang tóc mà dân miền Nam đã từng trải qua sau quốc hận 30 tháng tư. Và lần đô hộ của người láng giềng 4 tốt - 16 chữ vàng này chắc chắn sẽ không ngắn hơn 1000 năm nô lệ giặc Tàu mà ai trong chúng ta đều đã được học khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bốn mươi năm nhìn lại để thấy ra câu trả lời đúng đắn nhất, ai nên giải phóng ai? Quốc gia hay Cộng sản? Chính quyền nào thực chất nhân bản, do dân tín nhiệm bầu ra vì tôn trọng tự do nhân quyền của dân, so với cái đảng độc tài còn tệ lậu hơn một đảng cướp hiện nay, vừa tham lam, tàn ác với dân lại vừa hèn hạ, quỳ gối dâng đất lên cho Tàu cộng đầy tham vọng bành trướng từ bao đời nay.

Lại một tháng tư đen tới, hình ảnh thảm thương của cha tôi 40 năm trước, những cay cực nhục hình mà đời cha phải gánh chịu lại trở về hừng hực, hằn đậm lên từng chi tiết sống động trong tâm trí tôi. Nỗi buồn vạn cổ của đời cha nào đâu đã phôi pha cho dù cha đã yên giấc ngàn thu vì ngày nào máu còn luân lưu trong huyết quản tức là ngày con còn thấm thía nỗi đau mất nước do bàn tay tàn bạo của Cộng sản đến cưỡng chiếm. Một nỗi đau tuy âm ỉ nhưng mãi mãi đồng hành với con cho đến tận ngày cáo chung của bọn quỷ đỏ CSVN trên đất mẹ thân yêu...



____________________________________________



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo