Hiến pháp Hoa Kỳ - Tu Chính Án Thứ Nhất - Dân Làm Báo

Hiến pháp Hoa Kỳ - Tu Chính Án Thứ Nhất

Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm Lược: Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Hoa Kỳ liên hệ đến những tự do căn bản nhất của công dân trong một quốc gia, gồm có: tôn giáo, ngôn luận, báo chí, hội họp, và biểu tình. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, qua nhiều phán quyết quan trọng trong hai trăm năm qua, dần dà nới rộng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của dân trong việc chống đối chính quyền trên các khía cạnh về chỉ trích chính quyền, xúi giục bạo động, lật đổ chính quyền, lời lẽ công kích, an ninh quốc gia, ngôn ngữ tượng trưng trong học đường, hội họp ôn hòa trong trật tự, và bôi nhọ và phỉ báng. Chế độ cộng sản tại Việt Nam không biết hoặc cố tình không biết những quy tắc căn bản về tự do ngôn luận trên thế giới, điển hình là Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Hoa Kỳ, đặt ra những luật lệ mơ hồ với mục đích tùy nghi áp dụng trong việc đàn áp người dân và bóp nghẹt tự do ngôn luận.

*

Tu chính án thứ nhất (the First Amendment), thường được gọi tu chính án về tự do ngôn luận (freedom of speech), có lẽ là tu chính án quan trọng nhất trong các tu chính án của Hiến Pháp Hoa Kỳ vì nó bảo vệ quyền căn bản nhất của công dân trong một quốc gia và của con người: quyền tự do ngôn luận; tự do phát biểu ý kiến; hoặc tự do diễn tả, biểu hiện ý tưởng; quyền tập hợp ôn hòa. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (TCPVHK), qua nhiều phán quyết quan trọng trong hai trăm năm qua, dần dà nới rộng quyền tự do ngôn luận trên nhiều khía cạnh, đặc biệt bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân trong việc chống đối chính quyền. 

Tại Việt Nam, tự do ngôn luận là quyền bị nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) chà đạp nhiều nhất. NCQCS tại Việt Nam đặt ra nhiều bộ luật nhằm kiểm soát mọi hành vi của người dân. Nhiều luật lệ cố tình mơ hồ hoặc có phạm vi bao quát, dẫn đến việc nhân viên thi hành tùy nghi áp dụng và tòa án tùy nghi xét xử. Đặc biệt, những luật dính líu đến nhân quyền, thí dụ quyền tự do ngôn luận, thường được hóa trang để chà đạp các quyền này dưới các tội danh khác trong Bộ Luật Hình Sự (BLHS), từ "tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (điều 88), "tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân (điều 258), cho tới "tội gây rối trật tự công cộng" (điều 245).

Các vụ bắt bớ, truy tố, và giam cầm các nhà hoạt động cho tự do dân chủ gần đây chứng minh việc này. Nguyễn Đình Ngọc (Nguyễn Ngọc Già) và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) là hai người bị bắt giam vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa, viết các bài chỉ trích NCQCS trên các trang mạng và trên các phương tiện truyền thông xã hội (CTV 2016b, 2016c). Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An bị giam cầm nhiều tháng chỉ vì Thiên An bị nghi vấn xịt sơn 4 chữ "ĐMCS" lên trước tường của trụ sở công an, và Quốc Duy bày tỏ quan điểm ủng hộ em mình, Thiên An, trên facebook cá nhân (Trịnh 2016). Tất cả đều bị truy tố theo Điều 88 BLHS (tlđd.).

Trong bài này, tôi không có ý định so sánh tự do ngôn luận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tuy nhiên, như đã trình bày trong bài trước (Cao-Đắc 2016), NCQCS tại Việt Nam thường so sánh tình trạng nhân quyền tại Việt Nam với Hoa Kỳ, chỉ trích Hoa Kỳ, và trong vài trường hợp, còn ngông nghênh coi chế độ cộng sản tại Việt Nam hơn cả Hoa Kỳ trên các khía cạnh tự do dân chủ. Vì vậy, tôi viết bài này để vạch ra sự thật cho một số người bị NCQCS lừa bịp để họ không bị lợi dụng, và đóng góp một phần nhỏ nhoi vào tài liệu tham khảo cho các độc giả muốn tìm hiểu thêm. 

Hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ, tuy không hoàn hảo, rất tôn trọng quyền người dân, nhất là quyền tự do ngôn luận. Sự "bảo vệ hiến pháp dành cho tự do ngôn luận tại Hoa Kỳ dường như không sánh được tại bất kỳ nơi nào trên thế giới" (Sedler 2006). Trong bảng xếp hạng về tự do báo chí năm 2016, Hoa Kỳ đứng hạng 41 trong 180 quốc gia (Reporters 2016). Tuy cao rất xa hơn Việt Nam (đứng hạng 175), Hoa Kỳ xếp hạng sau Phần Lan (hạng 1), Đức (hạng 16), Gia Nã Đại (hạng 18), Úc (hạng 25). Ta nên biết tự do báo chí chỉ là một phần của tự do ngôn luận, và trên những khía cạnh khác của tự do ngôn luận, nhất là về phương diện chống đối chính quyền, Hoa Kỳ có lẽ đứng hàng đầu trên thế giới. Tìm hiểu về Tu chính án thứ nhất, nhất là các tiền lệ của các vụ án do TCPVHK phán quyết giúp ta có một khái niệm rõ rệt về những nguyên tắc căn bản và những luận cứ về ý nghĩa của tự do ngôn luận. Bài này sẽ chú trọng vào những đặc điểm về tự do ngôn luận tại Hoa Kỳ để độc giả có dịp suy gẫm về sự khác biệt giữa hai hệ thống Hoa Kỳ và Việt Nam.

A. Những yếu tố của Tu chính án thứ nhất. 

Tu chính án thứ nhất được đưa ra vào năm 1789 và phê chuẩn vào năm 1791. Nguyên văn Tu chính án này như sau:

"Quốc Hội không được làm luật tôn trọng việc thiết lập tôn giáo, hoặc cấm cản việc thực hành tôn giáo; hoặc thu ngắn tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí; hoặc quyền người dân tập họp ôn hòa, và kiến nghị tới Chính quyền cho việc chỉnh sửa các oan trái." ("Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances.") (Xem, thí dụ như, Wikipedia 2016a). Chúng ta hãy phân tách từng nhóm chữ trong văn bản này để hiểu rõ thêm ý nghĩa.

1. Quốc Hội không được làm luật (Congress shall make no law):

Trong tất cả mười Tu chính án của Bản Tuyên Bố Nhân Quyền, chỉ có Tu chính án thứ nhất dùng chủ từ "Quốc Hội" trong "Quốc Hội không được làm luật" thay vì không xác định chủ từ. Ta nên hiểu trong hệ thống chính quyền Hoa Kỳ, danh từ "Quốc Hội" ("Congress") có ý nghĩa đặc biệt, dùng để chỉ Quốc Hội liên bang, và không phải cơ quan lập pháp tiểu bang. Ngoài ra, Quốc Hội là cơ quan lập pháp, độc lập với hành pháp và tư pháp. Sự khác biệt này thực ra không ảnh hưởng nhiều, vì mọi Tu chính án đều đã được TCPVHK diễn giải là áp dụng cho mọi luật lệ, của bất cứ nhánh phân quyền nào, lập pháp, hành pháp, hay tư pháp, và Tu chính án thứ 14 áp dụng hầu hết các quyền trong 10 Tu chính án đầu vào mỗi tiểu bang. Nói tóm lại, câu "Quốc Hội sẽ không làm luật" áp dụng cho mọi cơ quan chính quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) của cả tiểu bang và liên bang.

2. Tôn trọng việc thiết lập tôn giáo, hoặc cấm cản việc thực hành tự do tôn giáo (respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof):

Phần về tôn giáo thường được coi là có hai câu: "Câu Thiết Lập" (Establishment Clause) và "Câu Thực Hành Tự Do" (Free Exercise Clause). Khi đi với câu trước (không làm luật, make no law), phần này cấm cả hai việc: khuyến khích và cản trở tôn giáo. Nói cách khác, Tu chính án thứ nhất buộc chính quyền giữ tư thế trung dung (neutral) về vấn đề tôn giáo.

3. Thu ngắn tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí (abridging the freedom of speech, or of the press):

Từ ngữ "thu ngắn" (abridge) trong câu này cần được đề cập. Abridge (thu ngắn) là chữ cổ. Nó có nghĩa lấy đi, tóm tắt, cắt ngắn. Thu ngắn hàm ý không cắt bỏ hoàn toàn, mà chỉ một phần. Do đó, "không được làm luật thu ngắn tự do ngôn luận" có ý nghĩa rằng "phải tôn trọng tự do ngôn luận hoàn toàn." Cho phép chính phủ thu ngắn sự phát biểu ý tưởng là cho phép chính phủ kiểm duyệt ý tưởng, hoặc chỉ cho phát biểu "nửa sự thật" (Collins 2008).

4. Quyền người dân tập họp ôn hòa (the right of the people peaceably to assemble):

Quyền tập họp ôn hòa bao gồm các hoạt động như hội thảo, biểu tình, tuần hành, trong trật tự và ôn hòa. Quyền người dân tập họp ôn hòa hầu như luôn luôn được bảo vệ, ngay cả khi đa số dân muốn dìm các biểu lộ gây bực bội, khó chịu, hoặc công kích (Hudson 2002). 

5. Kiến nghị tới Chính quyền cho việc chỉnh sửa các oan trái (to petition the Government for a redress of grievances):

Quyền kiến nghị là quyền đòi hỏi chính quyền các cấp chỉnh sửa sai trái. Quyền này thường không được chú trọng đặc biệt trong hiện đại vì được coi là đương nhiên trong các tương tác giữa dân và chính quyền. Quyền này bao gồm mọi hoạt động như các chiến dịch viết thư, e-mail, vận động, kiện cáo, thu thập chữ ký, phản đối và rào cản ôn hòa (Newton 2002).

B. Các phán quyết tiền lệ của TCPVHK diễn giải Tu chính án thứ nhất:

Trong bài trước (Cao-Đắc 2016), tôi thảo luận về tầm quan trọng của luật do tòa làm (judge-made laws). TCPVHK diễn giải ý nghĩa của Hiến pháp, gồm các Tu chính án qua các vụ kiện cáo, và các diễn giải này trở thành tiề̉n lệ, hoặc luật, áp dụng cho các vụ kiện cáo sau đó. Trong phầ̉n sau đây, tôi sẽ chú trọng đến những nét chính của Tu chính án thứ nhất liên hệ đến tự do ngôn luận, bày tỏ ý tưởng, và hội họp biểu tình. Vì khuôn khổ giới hạn, tôi sẽ không đề cập đến các khía cạnh khác như tôn giáo, thuần phong mỹ tục, phát biểu thương mại (thí dụ, quảng cáo). Độc giả có thể tham khảo thêm tại các tài liệu khác (Xem, thí dụ như, FAC; Johnson 2002; Vance 2013).

1. Chỉ trích, chế giễu chính quyền hoặc viên chức chính quyền:

Chỉ trích chính quyền hoặc viên chức chính quyền thường nhắm vào chính sách nào đó của chính phủ hoặc một hay nhiều cá nhân là viên chức trong chính phủ. Nhiều khi chỉ trích chính quyền được diễn tả qua sự hài hước hoặc chế giễu. Một trong những nét đặc sắc của chính trị Hoa Kỳ là sự thịnh hành việc người dân chỉ trích, chế giễu, hoặc nhạo báng chính quyền, nhất là cấp lãnh đạo quốc gia như Tổng thống, Phó Tổng thống, Thượng nghị sĩ, trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, và truyền hình. Các chương trình truyền hình như Saturday Night Live (SNL) thường có những hoạt cảnh, dàn dựng để chế nhạo Tổng thống (Byrnes 2015). Cuộc hội họp cơm tối hàng năm với báo chí tại Toà Bạch Ốc (White House Correspondents' Dinner) là dịp để khách mời chế giễu Tổng thống đương thời và vị Tổng thống tự chế giễu về những chuyện kém cỏi hoặc xấu xa của chính mình và nội các (Wikipedia 2016i).

Cho dù dưới hình thức nào, nghiêm trang hay hài hước, người dân Hoa Kỳ có hoàn toàn tự do chỉ trích chính quyền và các viên chức chính quyền, kể cả và nhất là Tổng thống."Trong toàn thể lịch sử Hoa Kỳ, chính quyề̉n quốc gia chưa từng bao giờ trừng phạt việc chỉ trích viên chức hoặc chính sách chính quyền, ngoại trừ trong thời chiến" (Stone 2009, 941). Ngay cả trong thời chiến, Hoa Kỳ cũng không tích cực truy tố những người chỉ trích chính quyền về chiến tranh. Trong khoảng đầu thế kỷ thứ 21, chính phủ Hoa Kỳ không cố truy tố ai chỉ trích chiến tranh ở Iraq hoặc bất kỳ biện pháp chính phủ trong cuộc chiến chống khủng bố (tlđd., 955). Tại Hoa Kỳ, "chỉ trích chính quyền và ủng hộ các ý tưởng không thịnh hành, mà người ta có thể coi là chướng hoặc đi ngược lại chính sách công, hầu như luôn luôn được cho phép" (Wikipedia 2016f). 

Vì chỉ trích chính quyền hoặc nói xấu cấp lãnh đạo luôn luôn được tôn trọng tại Hoa Kỳ, không có cơ quan chính quyền nào dám cả gan truy tố người dân làm những việc đó. Vì vậy, hầu như không có vụ án nào dính líu đến chỉ trích chính quyền hoặc nói xấu cấp lãnh đạo thuần túy. Ngoài ra, không phải chỉ ở Hoa Kỳ, theo kết quả thăm dò thế giới của Pew Research, "chỉ trích chính sách chính quyền là dạng được chấp nhận nhiều nhất" trên khắp thế giới trong các loại tự do ngôn luận (Poushter và Given 2015). 

Ngược lại, tại Việt Nam, việc chỉ trích chính quyền hoặc nói xấu cấp lãnh đạo bị kết tội hình nặng nề, thường được trá hình dưới tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều luật 88. Blogger Nguyễn Ngọc Già bị kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 bộ luật hình sự (CTV 2016b) qua những bài ông viết vạch ra những sai lầm và tội ác của cộng sản và nhận xét chính đáng về thể chế nhân bản Việt Nam Cộng Hòa. Tương tự, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) bị công an bắt khẩn cấp vào ngày 10 tháng 10, 2016, với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 bộ luật hình sự qua những bài bà viết và các hoạt động đấu tranh cho tù nhân lương tâm và môi trường (CTV 2016c).

2. Xúi giục bạo động, lật đổ chính quyền, lời lẽ công kích:

Quyền tự do ngôn luận phân biệt rõ ràng hai việc: phát biểu ý kiến và hành động thực hiện ý kiến gây hại. Sự khác biệt này rất quan trọng vì nó cho thấy tầm quan trọng của tự do trao đổi tư tưởng. Trong tiến trình trao đổi tư tưởng, một ý tưởng nghe có vẻ xấu chưa chắc có hại thực sự, vì nó có thể dẫn đến một ý tưởng tốt đẹp và hoàn hảo hơn. Trong việc chống đối chính quyền, có những ý tưởng đề xướng bạo động, lật đổ chính quyền, hoặc cổ xúy lời lẽ công kích. TCPVHK luôn luôn bảo vệ tự do phát biểu những ý tưởng đó vì phát biểu ý tưởng không đồng nghĩa với hành động thực hiện ý tưởng một cách tức khắc và gây hại thực sự. 

Vào năm 2010, ba ứng cử viên Quốc hội của Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ, được phong trào Đảng Trà (Tea Party) ủng hộ - Sharon Angle, Stephen Broden, và Rick Barber - "lý luận trong lúc vận động năm 2010 rằng cách mạng bạo lực nên là một lựa chọn và chính quyền độc tài có thể bị đối phó với vũ khí mà dân được trang bị theo Tu chính án thứ hai" (Shipler 2015, 6-7). Tuy các ứng cử viên này không được đắc cử, việc họ hô hào cách mạng bạo lực hoặc lật đổ chính quyền bằng bạo lực là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và đã được TCPVHK phán là được Tu chính án thứ nhất bảo vệ cách đây hơn 50 năm và được củng cố lại nhiều lần sau đó.

Có nhiều vụ án được TCPVHK cứu xét liên hệ đến các khía cạnh xúi giục bạo động, lật đổ chính quyền bằng bạo lực, và lời lẽ công kích hoặc chướng tai. Các vụ án này trở thành các tiền lệ có thẩm quyền cho các vụ sau đó, hoặc được các cơ quan chính quyền tuân theo. Các vụ chính yếu gồm có: Yates v. United States (1957), Brandenburg v. Ohio (1969), Communist Party of Indiana v. Whitcomb (1974), và United States v. Eichman (1990).

Trong vụ Yates v. United States (1957) mà tôi đã trình bày trong bài trước (Cao-Đắc 2016), TCPVHK nhấn mạnh rằng tự do ngôn luận cho phép người dân chủ trương hoặc ủng hộ học thuyết trừu tượng về lật đổ chính quyền. TCPVHK phán rằng Tu chính án thứ nhất về tự do ngôn luận bảo vệ phát biểu và hành vi cực đoan và phản động (radical and reactionary speech) trừ phi phát biểu và hành vi đó đưa ra mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại (clear and present danger) (Wikipedia 2016g). 

Trong vụ Brandenburg v. Ohio, Brandenburg là một thủ lãnh hội Ku Klux Klan (KKK), hội người Mỹ trắng kỳ thị người Mỹ đen, bị phạt 1.000 đô la US và án tù từ một tới mười năm vì tổ chức một cuộc tập họp nhiều người mặc áo choàng và mũ trùm đầu, đốt thánh giá, và đọc diễn văn (Wikipedia 2016j; Tedford và Herbeck 2013, 60-62). Brandenburg bị kết tội cổ xúy bạo lực dưới một hình luật của tiểu bang Ohio. TCPVHK bãi bỏ án Brandenburg, phán rằng "những bảo đảm hiến pháp về tự do ngôn luận và tự do báo chí không cho phép cấm đoán việc ủng hộ dùng lực hoặc dùng việc vi phạm luật trừ phi việc ủng hộ đó nhắm vào xúi giục hoặc gây ra hành động phi pháp ngay tức khắc" (Wikipedia 2016j; Tedford và Herbeck 2013, 61).

Phán quyết Brandenburg là phán quyết quan trọng trong việc cân nhắc giữa biểu đạt tự do ngôn luận và khuyến khích bạo động. Hai yếu tố quan trọng trong phán quyết này là "ý định" (intent) và tính chất "sắp xảy ra" (imminence). Trước hết, cái biểu đạt đó phải mang theo một ý đồ nghiêm trọng xúi giục hành động phi pháp. Giảng giải lý thuyết, tuyên bố khơi khơi hoặc phản ứng vì nóng giận được coi là không đủ nghiêm trọng cho việc xúi giụ̣c hành vi phạm pháp. Kế tiếp, hành động phi pháp đó phải sắp xảy ra, nghĩa là xảy ra tức khắc, ngay lập tức (Tedford và Herbeck 2013, 62). Nếu việc xúi giục hoặc kích động đó nhắm vào một hành động phi pháp trong tương lai, vài ngày, vài tháng, hoặc vài năm, thì không thể coi là "sắp xảy ra" được.

Trong vụ Communist Party of Indiana v. Whitcomb vào mùa bầu cử năm 1972, tiểu bang Indiana bắt buộc những người được đề cử nộp lời tuyên thệ rằng đảng của họ "không ủng hộ việc lật đổ chính quyền địa phương, tiểu bang, hoặc quốc gia bằng lực hoặc bạo động." (Wikipedia 2016b). Đảng cộng sản tại Indiana không chịu nộp câu tuyên thệ đó, và vì vậy, tiểu bang Indiana từ chối ghi tên các ứng cử viên của họ trên phiếu bầu. Đảng cộng sản chống án lên TCPVHK. Với phán quyết nhất trí (unanimous), TCPVHK bênh Đảng cộng sản, phán rằng, "một nhóm ủng hộ việc lật đổ bằng bạo lực như là một học thuyết trừu tượng thì không thể nhất thiết coi là ủng hộ hành động phạm pháp." Tòa nhắc lại phán quyết trong vụ Brandenburg, và còn nhấn mạnh thêm rằng "việc truyền bá trừu tượng sự cần thiết hoặc thích ứng cho bạo lực không giống như việc sửa soạn một nhóm cho hành động bạo lực và tôi luyện nhóm đó cho việc đó." Tòa phán tiếp rằng một luật mà không phân biệt được hai tính chất này thì vi phạm các tự do được bảo đảm bởi Tu chính án thứ nhất và thứ mười bốn (Wikipedia 2016b).

Trong vụ United States v. Eichman (1990), TCPVHK phán rằng tuy đốt cờ quốc gia khiến nhiều người bực tức, "chính phủ không được ngăn cấm sự biểu đạt một ý tưởng chỉ vì xã hội thấy cái ý tưởng đó chướng tai hoặc không chấp nhận được" (Wikipedia 2016e).

NCQCS tại Việt Nam không hiểu sự khác biệt giữa truyền bá lý thuyết về bạo lực và sửa soạn cho hành động bạo lực thực sự, và thường kết tội những người truyền bá lý thuyết với hành động thực thụ cho bạo lực. Áp dụng cách diễn giải luật về tự do ngôn luận của NCQCS tại Việt Nam, một người trong lúc cãi vã quát tháo với đối phương, "Tao giết mày," sẽ phạm tội nặng không kém gì tội giết người thực sự. Thực ra, những người đấu tranh cho tự do dân chủ chưa đi đến giai đoạn truyền bá lý thuyết dùng bạo lực chống đối chính quyền thực sự, mà đã bị đàn áp mãnh liệt. Ta không khỏi tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi họ truyền bá lý thuyết về bạo động chống chính quyền.

3. An ninh quốc gia:

Tự do ngôn luận có thể va chạm với an ninh quốc gia. Do đó, một vấn đề của tự do ngôn luận là tiết lộ bí mật chính phủ liên hệ đến an ninh quốc gia. Vấn đề này đang trở nên sôi động gần đây, nhất là sau khi có những tiết lộ về những bí mật chính quyề̉n như vụ Edward Snowden công bố tài liệu liên quan đến việc chính phủ Hoa Kỳ giám sát mọi người khắp nơi trên thế giới. Vụ Snowden thực ra không dính líu đến tự do ngôn luận nhiều bằng quyền riêng tư. Vì Snowden chưa bị chính phủ Hoa Kỳ bắt giữ và vụ này chưa được đem ra tòa nên ta chưa biết phán quyết của TCPVHK thế nào. Ngoài ra, vì Snowden là nhân viên một công ty có khế ước với chính quyền, việc tiết lộ bí mật chính quyền có thể vi phạm những nguyên tắc bảo toàn bí mật được thỏa thuận giữa công ty và nhân viên. Ta cũng nên hiểu tuy Snowden đang bị chính phủ Hoa Kỳ truy nã, báo chí và các cơ sở truyền thông có hoàn toàn tự do in lại hoặc tường thuật đầy đủ những gì Snowden gửi đến họ. Thực ra, hai tờ báo The Guardian và The Washington Post đoạt giải Pulitzer vào năm 2014 về phục vụ công chúng qua loạt bài về các chương trình giám sát của chính phủ Hoa Kỳ dựa vào tài liệu do Snowden tiết lộ (Farhi 2014). Điều đó cho thấy rõ chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận những tiết lộ bất lợi cho họ, chính vì họ tôn trọng tự do ngôn luận của dân hơn cả quyền lợi hiện tại của chính mình.

Tu chính án thứ nhất còn khuyến khích báo chí hoặc các cơ sở tin tức công bố những bí mật liên hệ đến an ninh quốc gia, trừ phi việc tiết lộ đó "chắc chắn đưa đến sự nguy hại quốc gia trực tiếp, tức khắc, và không thể sửa chữa được" (Stone 2009, 959). "Trong toàn thể lịch sử Hoa Kỳ, chưa từng bao giờ có một truy tố hình sự nào với báo chí vì công bố thông tin bí mật liên hệ đến an ninh quốc gia" (tlđd., 958). Vụ gần nhất cho trường hợp đó là vụ New York Times v. United States, vụ Tài Liệu Ngũ Giác Đài (the Pentagon Papers). Vụ đó như sau. Vào năm 1967, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara cho phép một cuộc nghiên cứu tối mật về Chiến Tranh Việt Nam. Cuộc nghiên cứu đó, được báo cáo trong 47 quyển, duyệt lại chi tiết tỉ mỉ chính sách Hoa Kỳ đối với Đông Dương, kể cả những chiến dịch quân sự và những thương lượng ngoại giao. Vào mùa xuân năm 1970, Daniel Ellsberg, một cựu viên chức Bộ Quốc phòng, đưa bản sao các Tài Liệu Ngũ Giác Đài cho tờ New York Times. Sau khi tờ Times bắt đầu đăng các trích đoạn trong tài liệu Ngũ Giác Đài, chính phủ Hoa Kỳ nộp đơn lên tòa xin tòa cấm tờ Times tiếp tục đăng các trích đoạn này. TCPVHK bác bỏ yêu cầu cấm in đó. Tòa phán rằng "việc công bố ngay cả tài liệu bí mật không thể bị ngăn chận theo hiến pháp, trừ phi chính quyền có thể chứng minh rằng việc tiết lộ đó sẽ 'chắc chắn đưa đến sự nguy hại quốc gia trực tiếp, tức khắc, và không thể sửa chữa được.' " (tlđd., 959). Với điề̉u kiện "chắc chắn," "trực tiếp," "tức khắc," và "không thể sửa chữa được," chính phủ Hoa Kỳ khó mà chứng minh được sự nguy hại quốc gia, cho dù việc đó xảy ra trong thời chiến khi sự tham dự quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam lên tới cực đỉnh.

Tại Việt Nam, các điều luật trong BLHS như điều 88 và điều 258, thường được dùng để đàn áp, bắt bớ, và giam cầm những người thực hành quyền tự do ngôn luận dựa vào lý do an ninh quốc gia. Trên thực tế, những hành động coi là "xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" chỉ là những hành động vạch trần sự sai quấy, lừa bịp, hoặc tội ác của NCQCS.

4. Tự do ngôn luận trong học đường:

Quyền tự do ngôn luận trong học đường được TCPVHK xét đoán trong vụ Tinker v. Des Moine (1969), liên hệ đến ngôn ngữ tượng trưng (symbolic speech) và quyền hiến pháp của học sinh tại trường học công. Vào năm 1965, tại Des Moine, tiểu bang Iowa, cậu John F. Tinker (15 tuổi), các em của cậu ta Mary Beth Tinker (13 tuổi), Hope Tinker (11 tuổi), và Paul Tinker (8 tuổi), cùng với bạn Christopher Eckhardt (16 tuổi) quyết định đeo khăn đen quàng tay tới trường để phản đối chiến tranh Việt Nam và ủng hộ Cuộc Đình Chiến Giáng Sinh do Thượng Nghị Sĩ Robert F Kennedy kêu gọi (Wikipedia 2016d). Nhà trường đuổi Mary Beth, Christopher, và John Tinker và không cho vào trường cho tới khi các em không còn đeo vải đen nữa. (Hope Tinker và Paul Tinker còn quá nhỏ nên trường không phạt.) John F. Tinker, Christopher Eckhardt, và Mary Beth Tinker kiện nhà trường, và vụ kiện dần dà được đưa lên TCPVHK.

TCPVHK phán quyết ba điểm quan trọng: (1) Đeo băng đen trên tay gần như là "ngôn ngữ thuần túy" (pure speech) và được bảo vệ đầy đủ trong Tu chính án thứ nhất; (2) Thầy cô và học sinh đều được hưởng các quyền trong Tu chính án thứ nhất; (3) Nhà trường cấm và trừng phạt các em vì sự diễn tả thụ động yên lặng, và các em không khuấy rối trật tự. TCPVHK bênh vực các em học sinh và phán, "Các viên chức nhà trường không có quyền tuyệt đối với học sinh. Học sinh trong hay ngoài trường đều là 'người' dưới Hiến pháp chúng ta. Các em có các quyền căn bản mà quốc gia/ tiểu bang phải kính trọng, y như các em phải kính trọng nghĩa vụ mình với quốc gia/tiểu bang" (Xem, Cornell).

Tại Việt Nam, các em học sinh sinh viên hầu như không được coi là công dân trong một quốc gia vì các quyền tự do của các em bị giới hạn dựa vào các lý do kỷ luật học đường và an ninh quốc gia. Với chính sách nhồi sọ trẻ em, NCQCS cấm cản quyền tự do ngôn luận trong học đường, với mục đích ngăn chận mầm mống tự do dân chủ ngay từ trong lúc các em học sinh biết suy luận. Một thí dụ cho thấy việc này. Vào ngày 5 tháng 4 năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam công bố 10 điều cấm sinh viên không được làm trong nhà trường và ngoài xã hội. Nếu vi phạm, sinh viên sẽ bị phạt theo một trong bốn biện pháp: khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập có thời hạn, và buộc thôi học (Phạm 2016). Mười điều cấm này liên hệ đến các quyền căn bản của con người, được trá hình dưới các từ ngữ về an ninh quốc gia, luật pháp. Đặc biệt, điều 4 liên hệ đến tự do ngôn luận như sau: Đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet.

Đương nhiên, học sinh dưới tuổi thành niên không nên có hoàn toàn tự do ngôn luận. Tuy nhiên, khi có những vấn đề liên quan đến xã hội và cuộc sống, thí dụ môi trường, các em nên được hưởng quyền phát biểu ý kiến trong ôn hòa và trật tự, như các em Paul, Hope, Mary Beth, và John, và Christopher ở 8 tới 16 tuổi đã làm cách đây hơn 50 năm. Ngoài ra, với các sinh viên trưởng thành (18 tuổi trở lên), các em nên được đối xử như mọi công dân khác, hưởng mọi quyền tự do và nhân quyền. Với việc đặt thêm điều luật cấm sinh viên ở tuổi trưởng thành không được làm trong trường và ngoài xã hội, NCQCS coi sinh viên đại học khác với và tệ hơn công dân thường. Ngoài ra, việc cấm đoán sinh viên trong các hoạt động ngoài trường học vượt quá quyền hạn của Bộ Giáo Dục. Làm sao một cơ sở giáo dục lại có thể có những hành động phi pháp và đi ngược lại tôn chỉ giáo dục như vậy?

5. Hội họp ôn hòa trong trật tự:

Quyền tập họp gồm các hoạt động hội thảo, biểu tình, tụ họp, diễn hành, giăng biểu ngữ, hô hào khẩu hiệu, hoặc các hoạt động tương tự. Tại Hoa Kỳ, thông thường, người dân không cần xin phép chính quyền trước khi tổ chức các hoạt động này (Xem ACLU). Nếu người đi biểu tình chỉ đi trên lề đường hoặc vỉa hè, tuân theo đèn giao thông và người đi bộ thì hoạt động của họ được hiến pháp bảo vệ cho dù không có giấy phép. Tuy nhiên, vài hoạt động cần giấy phép. Vài thí dụ gồm có: diễn hành không trên vỉa hè hoặc lề đường, hoặc hoạt động cần cản giao thông hoặc chặn đường xá, các cuộc biểu tình cần loa phát thanh, các cuộc biểu tình tại vài nơi công viên hoặc phố đặc biệt nào đó (tlđd.). Nên nhớ việc xin giấy phép này là để chính quyền địa phương cung cấp nhân viên cảnh sát giúp đỡ cuộc diễn hành, thí dụ ngăn chận đường để đoàn người diễn hành đi qua có trật tự.

TCPVHK xác nhận tầm quan trọng của quyền tự do này trong vụ De Jonge v. State of Oregon (1937), phán rằng "quyền tập họp ôn hòa là quyền có cùng nguồn gốc với các quyền tự do ngôn luận và báo chí và cũng là quyền căn bản tương đương" (Hudson 2002). Trong vụ này, De Jong và một số thành viên của Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ bị bắt vì tổ chức một cuộc họp có khoảng 150-300 người tham dự. TCPVHK hủy bản án và phán rằng "tập họp ôn hòa cho cuộc thảo luận hợp pháp không thể là một tội." Ta nên ghi nhận một lần nữa rằng tuy chủ thuyết cộng sản đi ngược lại với chính sách quốc gia Hoa Kỳ, quyền truyền bá các học thuyết này hoặc hội họp các đảng viên cộng sản vẫn được tôn trọng dưới Tu chính án thứ nhất.

Tu chính án thứ nhất cấm chính phủ ngăn cản dựa vào nội dung của câu nói hoặc lời phát biểu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Hiến pháp bảo vệ hoàn toàn mọi hoạt động ngôn luận tự do trong mọi trường hợp. Cảnh sát và nhân viên chính quyền được phép đặt vài giới hạn về "thời gian, địa điểm và cách thức" một cách hạn hẹp, nhưng không được phân biệt theo nội dung. Những giới hạn này phải được áp dụng cho mọi phát biểu bất kể quan điểm (Xem ACLU). "Nguyên tắc quan trọng nhất trong Tu chính án thứ nhất trong thực hành là nguyên tắc trung lập nội dung" (content neutrality) (Sedler 2006). Thí dụ, nếu chính quyền cho phép người dân tuần hành chống đối việc cắt cây với vài giới hạn như đi xếp hàng ôn hòa trên lề đường, thì chính quyền cũng phải cho phép người dân đi tuần hành như vậy để chống đối việc một xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường tiếp tục hoạt động trên đất nước. 

Tại Việt Nam có nhiều trường hợp NCQCS có sự phân biệt cuộc diễn hành, hội họp, biểu tình theo nội dung (thí dụ, diễn văn, hô hào, biểu ngữ). Thí dụ, vào năm 2016, lễ tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa 1974 bị sách nhiễu, cản trở tại các thành phố miền Nam như Sài Gòn, trong khi tưởng niệm hải chiến Trường Sa 1988 được dễ dàng (BBC 2016a; Cát 2016).

6. Bôi nhọ và phỉ báng:

Bôi nhọ hay phỉ báng (libel) là hành động viết lời lẽ làm hại thanh danh uy tín của người khác. Tại Hoa Kỳ, phỉ báng có thể dân sự hoặc hình sự tùy tiểu bang, nhưng tất cả mọi tiểu bang đều có luật dân sự cho phỉ báng hoặc hại thanh danh người khác. Các tiểu bang có hình luật về phỉ báng thường coi phỉ báng là tội nhẹ (misdemeanor) và coi sự thật là bào chữa tuyệt đối.

Vì phỉ báng liên hệ đến công bố hoặc xuất bản bài viết, sự va chạm giữa tự do ngôn luận và phỉ báng khó tránh khỏi. Trong luật lệ Hoa Kỳ, một cách tổng quát, TCPVHK luôn luôn coi trọng tự do ngôn luận, nhất là của báo chí đối với chính quyền, và có nhiều phán quyết bảo vệ tự do ngôn luận.

Một trong những vụ án quan trọng liên hệ đến tự do ngôn luận và phỉ báng chính quyền hoặc nhân viên chính quyền là vụ New York Times v. Sullivan (1964). Vào năm 1960, tờ New York Times đăng quảng cáo chiếm cả trang kêu gọi đóng góp quỹ bào chữa cho Martin Luther King, Jr. chống lại việc King bị kết tội nói dối với tòa Alabama. Bài quảng cáo đó có phần chỉ trích cảnh sát và chứa vài chi tiết không chính xác nhưng nhỏ nhặt. Sullivan không bị kêu đích danh trong bài quảng cáo, nhưng ông ta có nhiệm vụ quản trị ban cảnh sát, nên ông đệ đơn kiện tờ New York Times về tội phỉ báng ở Tòa tiểu bang Alabama. Sullivan thắng kiện và được bồi thường 500.000 đô la. Tờ New York Times chống án lên TCPVHK.

TCPVHK bãi bỏ quyết định tòa tiểu bang Alabama, phán rằng, "Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ việc công bố mọi câu, ngay cả các câu sai lầm, về hành vi của viên chức công quyền trừ phi các câu đó được viết ra với ác ý thực sự (với sự hiểu biết rằng các câu đó sai lầm hoặc với sự bất chấp sự thật một cách cẩu thả)" (Wikipedia 2016a, 2016c; Tedford và Herbeck 2013, 64). TCPVHK còn phán thêm rằng việc có "câu sai lầm không thể tránh được trong cuộc thảo luận tự do, và . . . việc đó phải được bảo vệ nếu các quyền tự do phát biểu phải được chút châm chước cần thiết để được tồn tại" (Lewis 2009, 17).

Phán quyết NY Times là một cái tát vào mặt chính quyền. Chính quyền tiểu bang Alabama, toan tính dùng luật dân sự về phá hại thanh danh (defamation) để̀ cản trở hoặc ngăn ngừa tự do ngôn luận chỉ trích họ, nhưng họ không ngờ TCPVHK bênh vực tự do ngôn luận, và lại còn đặt ra các điều kiện khó khăn cho các nguyên đơn chính phủ cho các vụ phỉ báng hoặc gây hại thanh danh. Rất khó mà chứng minh được ác ý thực sự hoặc cẩu thả trong việc công bố sự thật. Thông thường, một cơ quan ngôn luận luôn luôn có những tiêu chuẩn và kiểm chứng để xác định sự thật trong một nguồn tin. Nguồn tin đó có thể sau này được chứng minh là sai sự thật, nhưng nếu cơ quan ngôn luận đó không có ác ý (ác ý đây nghĩa là biết là sai mà vẫn đăng như thật), thì không thể có tội hoặc chịu trách nhiệm pháp lý. Ta nên ghi chú rằng điều kiện "ác ý thực sự" chỉ có áp dụng khi viên chức chính quyền kiện dân thường hoặc cơ quan ngôn luận tư nhân. Điều kiện đó không áp dụng khi người dân thường kiện người khác (Wikipedia 2016a).

Tại Việt Nam, NCQCS thường dùng các lý do bôi nhọ lãnh đạo hoặc xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, hoặc tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo để trừng phạt người dân hoặc báo chí thực hiện quyền tự do ngôn luận. Một vụ điển hình là việc tịch thu thẻ nhà báo của ông Mai Phan Lợi.

Vào ngày 20-6-2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn quyết định tịch thu thẻ nhà báo của ông Mai Phan Lợi, phó Tổng Thư ký báo Pháp Luật, điều hành Diễn đàn Nhà báo Trẻ (CTV 2016a). Nguyên nhân dẫn tới việc bị thu thẻ là do ông Lợi đã mở một cuộc thăm dò nhỏ về nguyên nhân máy bay cứu cấp CASA8983 bị rơi trên đường tìm kiếm hai phi công trên máy bay Su30 bị mất tích trong khi đang bay huấn luyện trên biển (CTV 2016a). Ông Mai Phan Lợi viết, "Vì sao CASA tan xác?" và đưa ra 8 câu trả lời để lựa chọn. Thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông nói ông Lợi đã "xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sỹ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo" (BBC 2016b).

C. Kết Luận:

Tại Hoa Kỳ, quyền tự do ngôn luận có thể được coi là quyền căn bản nhất của con người và được Tu chính án thứ nhất bảo vệ. Đương nhiên, quyền này không có nghĩa người dân muốn nói gì thì nói. Có nhiều ngoại lệ cho tự do ngôn luận (Wikipedia 2016h). Những giới hạn về tự do ngôn luận tại Hoa Kỳ thường dính líu đến các khía cạnh thuần phong mỹ tục (thí dụ khiêu dâm), tạo nguy hiểm trong xã hội (thí dụ như la hét "cháy" trong rạp hát đông nghẹt người khi không thực sự có cháy), và ngôn ngữ thương mại (thí dụ, quảng cáo sai lạc). 

Tại Hoa Kỳ, tự do ngôn luận hầu như luôn luôn được tôn trọng khi quyền đó được hành xử chống đối chính quyền một cách ôn hòa (thí dụ, viết trên trang mạng xã hội, blogs), chỉ trích cấp lãnh đạo, ngay cả hô hào lật đổ chính quyền bằng bạo lực. Chính những người bị chống đối vẫn tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên, George Washington tuyên bố, "Nếu tự do ngôn luận bị tước đoạt, thì chúng ta như những con cừu ngu ngốc và câm lặng, bị dẫn tới lò sát sinh" (Xem Goodreads). Tổng thống Harry Truman nói, "Nếu một chính quyền áp dụng chính sách khóa miệng tiếng nói chống ̣đối, thì chính quyền đó chỉ có một con đường là đi xuống theo đường lối của những biện pháp ngày càng đàn áp cho tới khi trở thành một nguồn khủng bố cho toàn dân và tạo nên một quốc gia mà mọi người sống trong sợ hãi" (tlđd.). Tổng thống Theodore Roosevelt khẳng định, "Nói rằng không được chỉ trích Tổng thống, hoặc phải theo phe Tổng thống, đúng hay sai, không những không yêu nước và tôi mọi, mà còn phản quốc theo đạo đức với công chúng Mỹ" (tlđd.).

Với sự đàn áp tự do ngôn luận ngày càng gia tăng của NCQCS, người dân Việt Nam có muốn trở thành những con cừu ngu ngốc và câm lặng bị dắt tới lò sát sinh dưới tay nhóm cầm quyền khủng bố, và trở thành tôi mọi và phản quốc?

Tài Liệu Tham Khảo:

tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.

ACLU. Know Your Rights: Demonstrations and Protests. https://www.aclu.org/sites/default/files/field_pdf_file/kyr_protests.pdf (truy cập 22-10-2016).

BBC Tiếng Việt. 2016a. Tưởng niệm hải chiến Trường Sa 1988. 14-3-2016. http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/160314_antichina_protest (truy cập 22-10-2016).

_________. 2016b. Ông Mai Phan Lợi 'bị rút thẻ nhà báo'. 20-6-2016. http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/06/160620_phan_loi_thu_hoi_the_nha_bao (truy cập 26-6-2016).

Byrnes, Jesse. 2015. 40 years of SNL political sketches. 15-2-2015. http://thehill.com/video/in-the-news/232847-40-years-of-snl-political-sketches (truy cập 21-10-2016).

Cao-Đắc Tuấn. 2016. Hiến pháp và hệ thống pháp luật Hoa Kỳ. 23-9-2016. http://danlambaovn.blogspot.com/2016/09/hien-phap-va-he-thong-phap-luat-hoa-ky.html (truy cập 22-10-2016).

Cát Linh. 2016. Tưởng niệm 42 năm hải chiến Hoàng Sa – Khác biệt ở hai đầu đất nước. 19-1-2016. http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/42-years-paracel-islands-difference-north-south-kl-01192016205902.html (truy cập 22-10-2016).

Collins, Ronald K. L. 2008. About that word ‘abridging’ in the First Amendment … 1-5-2008. http://www.firstamendmentcenter.org/about-that-word-%E2%80%98abridging%E2%80%99-in-the-first-amendment-%E2%80%A6 (truy cập 23-9-2016).

Cornell. Tinker v. Des Moines Independent Community School Dist. https://www.law.cornell.edu/supremecourt/text/393/503 (truy cập 21-10-2016).

CTV Danlambao. 2016a. Thu thẻ nhà báo để khoả lấp trách nhiệm trong vụ máy bay rơi?! 21-6-2016. http://danlambaovn.blogspot.com/2016/06/thu-nha-bao-e-khoa-lap-trach-nhiem.html (truy cập 22-10-2016).

_________. 2016b. Blogger Nguyễn Ngọc Già bị kết án 3 năm tù giam trong phiên toà phúc thẩm. 6-10-2016. http://danlambaovn.blogspot.com/2016/10/blogger-nguyen-ngoc-gia-ra-toa-phuc.html (truy cập 22-10-2016).

_________. 2016c. Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an bắt khẩn cấp. 11-10-2016. http://danlambaovn.blogspot.com/2016/10/blogger-nguyen-ngoc-nhu-quynh-bi-cong.html (truy truy cập 22-10-2016).

FAC (First Amendment Center). Frequently Asked Questions - Religion. http://www.firstamendmentcenter.org/faq/frequently-asked-questions-religious-liberty (truy cập 20-10-2016).

Farhi, Paul. 2014. Washington Post wins Pulitzer Prize for NSA spying revelations; Guardian also honored. 14-4-2014. https://www.washingtonpost.com/politics/washington-post-wins-pulitzer-prize-for-public-service-shared-with-guardian/2014/04/14/bc7c4cc6-c3fb-11e3-bcec-b71ee10e9bc3_story.html (truy cập 20-10-2016).

Goodreads. Quotes About Freedom Of Speech. http://www.goodreads.com/quotes/tag/freedom-of-speech (truy cập 22-10-2016).

Hudson, David L., Jr. 2002. Assembly overview. 29-10-2002. http://www.firstamendmentcenter.org/assembly-overview (truy cập 22-10-2016).

Johnson, Bruce E.H. 2002. Advertising & First Amendment overview. 10-12-2002. http://www.firstamendmentcenter.org/advertising-first-amendment-overview (truy cập 20-10-2016).

Lewis, Anthony. 2009. Freedom for the Thought That We Hate – A Biography of the First Amendment. Basic Books. New York, New York, U.S.A.

Newton, Adam. 2002. Petition overview. 10-10-2002. http://www.firstamendmentcenter.org/petition-overview (truy cập 22-10-2016).

Phạm Trần. 2016. 10 điều cấm sinh viên - mấy điều tha cho đảng? 22-4-2016. http://danlambaovn.blogspot.com/2016/04/10-ieu-cam-sinh-vien-may-ieu-tha-cho-ang.html (truy cập 22-10-2016).

Poushter, Jacob and Given, Dionna. 2015. Where the world sees limits to free speech. 18-11 -2015. http://www.pewresearch.org/fact-tank/2015/11/18/where-the-world-sees-limits-to-free-speech/ (truy cập 21-10-2016).

Reporters Without Borders. 2016. 2016 World Press Freedom Index. https://rsf.org/en/ranking (truy cập 22-10-2016).

Sedler, Robert A. 2006. Freedom of Speech: The United States versus the Rest of the World. 19-7-2007. https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=1000263 (truy cập 18-10-2016).

Shipler, David K. 2015. Freedom of Speech - Mightier than Sword. Alfred A. Knopf. New York, U.S.A.

Stone, Geoffrey R. 2009. Free Speech and National Security. 84 Indiana Law Journal 939 (2009). Also: http://chicagounbound.uchicago.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=2975&context=journal_articles (truy cập 12-10-2016).

Tedford, Thomas L. và Herbeck, Dale A. 2013. Freedom of Speech in the United States. Seventh edition. Strata Publishing, State College, Pennsylvania, U.S.A.

Trịnh Kim Tiến. 2016. Nguyễn Hữu Quốc Duy là ai? 13-8-2016. http://danlambaovn.blogspot.com/2016/08/nguyen-huu-quoc-duy-la-ai.html (truy 21-10-2016).

Vance, Laurence M. 2013. Pornography and the First Amendment. 20-12-2013. https://www.fff.org/explore-freedom/article/pornography-and-the-first-amendment/ (truy cập 20-10-2016).

Wikipedia. 2016a. First Amendment to the United States Constitution. Thay đổi chót: 18-10-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/First_Amendment_to_the_United_States_Constitution (truy cập 20-10-2016).

_________.2016b. Communist Party of Indiana v. Whitcomb. Thay đổi chót: 1-3-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Communist_Party_of_Indiana_v._Whitcomb (truy cập 22-10-2016).

_________.2016c. New York Times Co. v. Sullivan. Thay đổi chót: 19-10-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/New_York_Times_Co._v._Sullivan (truy cập 22-10-2016).

_________.2016d. Tinker v. Des Moines Independent Community School District. Thay đổi chót: 22-10-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Tinker_v._Des_Moines_Independent_Community_School_District (truy cập 22-10-2016).

_________.2016e. United States v. Eichman. Thay đổi chót: 18-4-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_v._Eichman (truy cập 20-4-2016).

_________. 2016f. Freedom of speech in the United States. Thay đổi chót: 19-10-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Freedom_of_speech_in_the_United_States (truy cập 22-10-2016).

_________. 2016g. Yates v. United States. Thay đổi chót: 10-7-2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Yates_v._United_States (truy cập 21-9-2016).

_________. 2016h. United States free speech exceptions. Thay đổi chót: 4-10-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_free_speech_exceptions (truy cập 16-10-2016).

_________. 2016i. White House Correspondents' Association. Thay đổi chót: 20-10-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/White_House_Correspondents%27_Association (truy cập 21-10-2016).

_________. 2016j. Brandenburg v. Ohio. Thay đổi chót: 1-10-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Brandenburg_v._Ohio (truy cập 21-10-2016).

23.10.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo