Trần Hồng Hà và đàn em đã nhận được bao nhiêu phong bì bôi trơn từ Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân?
Vũ Đông Hà (Danlambao) - Trong vụ đổ 1 triệu m3 chất thải độc hại của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển, Trần Hồng Hà đã gian manh đánh tráo khái niệm bằng cách chuyển trọng tâm vào "nơi đổ" thay vì "chất được đổ".
Theo Trần Hồng Hà thì:
- "Bộ TN-MT đang chờ kết quả quan trắc, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại khu vực biển... để làm cơ sở thực tế, xem xét có giao khu vực biển cho doanh nghiệp được thực hiện nhận chìm hay không?"
- "Nếu kết quả, đánh giá của Viện Hải dương học cho thấy, san hô, hệ sinh thái ở vùng biển nhận chìm là phong phú thì không ai cho phép tiến hành đổ thải ở khu vực đó." (1)
Điều này cho thấy rằng không cần biết 1 triệu m3 thải do Vĩnh Tân 1 đổ xuống là gì, tác hại môi trường biển ra sao, chỉ cần vùng biển cấp phép đổ thải không có san hô, hệ sinh thái là thoải mái đổ. Chất thải độc hại lan truyền khắp đại dương ra sao thì mặc kệ.
Để tiếp sức cho màn "nhìn ngón tay chứ đừng nhìn mặt trăng", lưu ý đến nơi nhấn chìm thải chứ không phải chất thải, Trần Hồng Hà lấp liếm rằng:
“Việc nhận chìm ở biển trên thực tế cũng đã diễn ra ở nước ta như: nạo vét để tạo đường cho tàu biển ra vào khi xây dựng cảng Cái Lân... vật, chất từ hoạt động nạo vét được nhận chìm ở gần đảo Long Châu, Hải Phòng. Gần đây nhất là việc nạo vét cảng trung chuyển Lạch Huyện, Hải Phòng với tổng khối lượng vật, chất nhận chìm gần 40 triệu tấn. Ở Nhật Bản, họ đã làm đảm bảo an toàn. Tiếp thu những kinh nghiệm của Nhật Bản, trong quá trình thẩm định, cấp phép, Bộ đã dự liệu những vấn đề có thể xảy ra và yêu cầu chủ dự án có giải pháp khả thi.”.
Rõ ràng là ông ta đang tìm cách kéo dư luận theo hướng nhìn xử lý bùn/cát nạo vét từ biển và trả về biển thay vì chất thải công nghệ đến từ hệ thống nhiệt điện của công ty Vĩnh Tân.
Tiếp sức cho Trần Hồng Hà lừa đảo người dân là Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục biển hải đảo Việt Nam của Bộ Tài Môi. Ông này đã "khẳng định vật chất nhận chìm không phải là chất thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cũng không phải là chất thải của quá trình nạo vét của công trình."
Theo quan tham Phạm Ngọc Sơn thì 1 triệu m3 mà Cty Vĩnh Tân cấu kết với Bộ Tài Môi để tống khứ đi chỉ là: "20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã được phân tích các chất phóng xạ, chất độc đều không vượt quá quy chuẩn cho phép, nằm trong danh mục được Chính phủ ban hành." (2)
Trong 1 câu này của Phạm Ngọc Sơn thôi đã thấy sự láo khoét và phản khoa học của những kẻ mang trách nhiệm bảo vệ môi trường cho quốc gia: Nếu chỉ là những thứ bùn / cát... từ việc nạo vét vũng, khu nước, vùng biển thì toàn bộ 1 triệu m3 là vật thể thiên nhiên, đến từ biển, không phải từ công nghệ nhân tạo. Vậy thì tại sao lại phải tốn tiền, công sức để "phân tích các chất phóng xạ, chất độc" từ những vật thể thiên nhiên này!?
Với một số lượng 1 triệu m3 mà nếu chỉ là "20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa" và "không có chất phóng xạ, chất độc"(!!!) thì tội tình gì phải xin phép, bỏ công mạo danh chuyên gia để lập hồ sơ dự án, Bộ Tài Môi phải điều tra, khảo sát vùng biển đổ... cát mà không khai thác, hay ít ra là liên lạc với tập đoàn "cát tặc" để bán cát. 80% cát tức là 800 ngàn m3 cát chứ ít ỏi gì!!!
Nhìn lại tiến trình lừa đảo chúng ta thấy: Vĩnh Tân thì cấu kết với đơn vị tư vấn lập dự án hồ sơ mạo danh các chuyên gia môi trường trong danh sách tham gia viết dự án (3). Bộ Tài Môi thì vào ngày 28-6 đã cấp giấy phép cho dự án mạo danh, ký bởi Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho phép nhấn chìm thải xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước.
Nếu dư luận và nhất là truyền thông mạng không lên tiếng phản đối rầm rộ thì chắc chắn bây giờ 1 triệu m3 chất thải độc hại đã được các quan chức cấu kết với các đại gia tống xuống biển. Sau khi dư luận dậy sóng thì Bộ Tài Môi đã tìm cách đánh tráo khái niệm, dẫn dắt dư luận đi theo hướng "Bộ sẽ khảo sát môi trường nơi nhận chìm chất thải" và đánh lừa người dân là chất thải chỉ có cát và bùn.
Âm mưu của tập đoàn phá hoại đất nước là bằng mọi cách phải nhấn chìm 1 triệu m3 thải gồm có tro, xỉ và thạch cao xuống biển. Cả Bộ Tài môi lẫn công ty Vĩnh Tân sẽ dùng những bùn cát nạo vét làm bình phong; sẽ có hình ảnh những chiếc xe tải đến chở bùn cát ven biển đem đi, nhưng khi máy quay được dẹp đi thì sẽ là những "phi vụ" nhấn chìm xuống biển chất thải độc hại từ quá trình sản xuất nhiệt điện vốn đòi hỏi nhiều chi phí để giải quyết an toàn.
Các quan chức Tài Môi sẽ múa môi tài tình rằng vùng biển đã cấp giấy phép là giàu sinh thái, sẽ tạm ngưng ý định nhấn chìm thải như là 1 bước nhượng bộ trước những phản đối của dư luận. Sau đó Bộ Tài Môi sẽ tỏ ra biết điều và sẽ cấp giấy phép cho nhấn chìm thải ở 1 vùng biển khác không có hệ sinh thái (!!!). Và người dân sẽ được vỗ về, tuyên truyền rằng việc này rất an toàn vì 1 triệu m3 chỉ gồm 800 ngàn m3 là cát, còn lại chỉ là bùn, tất cả đều là sản phẩm thiên nhiên - từ biển thì cho trở lại biển - như tuyên bố của Phạm Ngọc Sơn. Nhân dân hãy yên tâm - cũng giống như chuyện tảo nở hoa gây ra thảm họa cá chết hàng loạt ngày nào trước khi Formosa nhận tội. Có gì mà ầm ỉ!?
Tóm lại, trong vụ phá hoại môi trường biển này, chúng ta thấy từ công ty Vĩnh Tân đến Bộ Tài Môi đều cố tình gian trá, cấu kết nhau, lập kế hoạch để tống khứ của nợ chất thải ra môi trường, phá hoại biển một cách vô trách nhiệm. Chính xác hơn, đây không phải là hành động vô trách nhiệm mà là hành vi phạm tội. Trong hành vi phạm tội hủy hoại môi trường này, Trần Hồng Hà và đàn em đã nhận được bao nhiêu phong bì bôi trơn từ Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân?
21.07.2017
___________________________________
Chú thích: