Vũ Thế Phan (danlambao) - Đối với kẻ giàu sang thì sốt sắng để mong lấy lợi; đối với người nghèo khó thì lạnh nhạt, thờ ơ với sự sống chết. Than ôi! đổi nhân thuật thành chước dối lừa, thay lòng nhân đức ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được. Có thể nói: không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người, cũng có thể nói: không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức.
Xưa nay, trong ngành y trên thế giới - trong đó có Việt Nam, các bác sĩ khi nhận bằng, chuẩn bị ra trường, chính thức hành nghề cao quý với tôn chỉ tiên quyết là bảo vệ mạng sống cho tha nhân đều phải tuyên đọc "Lời thề Y đức" hay còn gọi là "Lời thề Hippocrate".
Tôi xin thề trước Apollon thần chữa bệnh, trước Æsculapius thần y học, trước thần Hygieia và Panacea, và trước sự chứng giám của tất cả các nam nữ thiên thần, là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây:
► Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó. Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề. Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác.
► Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.
► Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai.
► Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết.
► Tôi sẽ không thực hiện những phẫu thuật mở bàng quang mà dành công việc đó cho những người chuyên môn.
► Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ.
► Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ.
► Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại. (1)
Trong bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 4 tập (2) của đại danh y người việt Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791), ở mục Y huấn Cách ngôn, Tiểu dẫn, Y âm án cũng di lưu nhiều quan điểm tâm huyết, đặc biệt về y đức, xứng đáng là mẫu mực quý báu. Xin trích lược:
► Lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không khoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước nghề y ?
► Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng của con người, tử sinh hoạ phúc đều ở tay mình quyết định…, phải hết sức suy nghĩ, đem hết khả năng để làm kế tìm cái sống trong cái chết cho người ta.
► Nghề thuốc là một nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân… Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công...
► Nghề thuốc là thanh cao, ta càng phải giữ khí tiết cho trong sạch. Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp, vì người nhận quà hay sinh ra nễ nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang tính khí thất thường, mình cầu cạnh thì hay bị khinh rẻ… Hễ cầu vinh thường dễ bị nhục, làm vui lòng vừa ý người ta để mưu đồ lấy lợi nhiều thì lại càng có nhiều biến sinh không tốt .
► Kẻ giàu sang không thiếu gì thầy thuốc, không thiếu gì người săn sóc; còn nhà nghèo hèn không đủ sức mời mọc danh y, vậy cần lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được…
► Nghề thuốc cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính. Qua nghề y, người ta có thể bồi đắp chữ ’ Đức’ được cao dày, nếu người đó thực sự giúp ích nhiều cho người bệnh. Nhưng nếu người đó lợi dụng nghề y để hữu ý hoặc vô ý làm những điều có hại cho người khác thì cũng dễ mắc những điểm ‘Thất đức’ không nhỏ. Hoặc nhân lúc cha mẹ người ta gặp cơn nguy cập sợ hãi, hoặc bắt bí người ta trong cơn mưa đêm tối khó khăn, gặp bệnh dễ thì trộ là bệnh khó, bệnh khó thì dọa là bệnh chết, dối lừa người để đạt sự mưu cầu của mình, là đã có sự dụng ý không tốt. Đối với kẻ giàu sang thì sốt sắng để mong lấy lợi; đối với người nghèo khó thì lạnh nhạt, thờ ơ với sự sống chết. Than ôi! đổi nhân thuật thành chước dối lừa, thay lòng nhân đức ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được.
► Làm thầy thuốc mà không có lòng thương chung, giúp đỡ người khác làm hằng tâm, không nghiền ngẫm sâu sắc tìm cách cứu sống người mà chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì còn khác gì bọn giặc cướp.
► Thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người là việc hay. Đối với người giàu sang không bị động vì lợi dục; đối với người nghèo hèn cũng không dám coi thường sự sống chết, (để) may ra cúi không thẹn với đất, ngửa không thẹn với trời. Có thể nói: không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người, cũng có thể nói: không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức.
Và trong cuốn ‘Lời non nước – Danh ngôn CT Hồ Chí Minh’ của soạn giả Đào Thản (3), trang 183 có câu «Lương y như từ mẫu» với chú thích số 86: Tới thăm bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây, Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện điều này (20/04/1963). Cần mở ngoặc ngay đây: Câu danh ngôn này ai đọc sách xưa đều rõ là câu cửa miệng từ ngàn xưa trong y giới Trung Quốc. Tôi không hiểu Nxb Thông tấn và ông Đào Thản dựa vào đâu mà đoạn lòng ép bằng được câu này thành ‘lập ngôn’ của CT Hồ Chí Minh ? ‘Tôn nhau như thế bằng mười hại nhau’. Nguyên văn ông Hồ nói đạo đức:
1) Người ta có câu: ‘Lương y kiêm từ mẫu’, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải như là một người mẹ hiền (Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 03/1948 – HCM Toàn tập, T5 trang 64, NXB Sự Thật HN 1985);
2) Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. ‘Lương y kiêm từ mẫu’. Cán bộ y tế nên cố gắng thực hiện mấy điểm này. (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc, tháng 06/1953 – HCM toàn tập, T6 trang 413, NXB Sự Thật HN 1986);
3) Cán bộ phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. ‘Lương y phải như từ mẫu’, câu nói này rất đúng. (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, 27/ 02/1955 – HCM toàn tập, T7 trang 167, NXB Sự Thật HN 1987).
*
Phản hồi về bài "Ca sĩ Ánh Tuyết trên giường bệnh viết về 'phong bì bác sĩ'", non tuần qua, riêng trên VNExpress không thôi cũng đã quá đủ để thẩm định rằng: Ca sĩ Ánh Tuyết hát thì khỏi chê, hót thì (vì yêu tiếng hát) phải thậm thậm chê. Cô ấy cần phải luyện thanh (hót) lại từ… nốt Đô "để khỏi phụ lòng khán giả". Nội ngắm bức ảnh ca sĩ Ánh Tuyết U50 nuột nà nâu đỏ, tươm tất trắng đen, lộng kiếng viễn cận, ‘Ô mê ly’ trên giường bệnh - bao quanh những 3 ông bờ-lu trắng… phụ diễn, thì đến cụ ông cụ bà 8 bó quáng gà, vảy cá cũng phải bá ngọ cái pa-nô quảng cáo mục hạ vô nhân. Quả thật "chệch một ly là đi một dặm", "kéo theo những hệ lụy rất lớn." (lời AT).
- Ca sĩ Ánh Tuyết nói cho người khác viết dùm rằng: "Con người có cái may cái rủi, bác sĩ có giỏi trời đi nữa thì cũng có lúc bị hên xui may rủi. Ai cũng muốn làm việc tốt nhất cho bệnh nhân nhưng những yếu tố hên xui may rủi, cái thời vận, thời khắc của mỗi người bệnh thì khác nhau. Và những cái xui rủi xảy đến cũng có thể do chính bản thân mình không gặp may.".
- Xin thưa: Cụ Hải Thượng kể "Có người nói: Một miếng cơm một hớp nước, đều do số định trước, chỉ chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh. Tôi (HTLO) nói: Không phải thế đâu, phúc hoạ là bao huyền bí xa xôi chứ, chết mất là việc đau thương trước mắt, phàm gặp những chứng không thể chữa được, tuyệt đối không vì chứng không chữa được mà tìm cách chối từ mà chỉ lấy sự thực bảo với người bệnh rồi bóp bụng lo nghĩ, chạy chữa thuốc thang, tìm cái sống ở trong cái chết, hết sức cứu vãn, cho đến khi nào âm dương thực hết mới thôi. Tôi thường bảo người rằng: Phàm trông thấy chứng nguy mà chịu phủi tay, đó là những bọn mua danh tránh tiếng!".
Còn chuyện ‘phong bì’ ?
- Ca sĩ Ánh Tuyết: "Tôi thừa nhận cũng có trường hợp bệnh nhân đưa tiền ra thì được quan tâm ngay nhưng vẫn còn rất nhiều những y bác sĩ có tấm lòng bao dung, nhân hậu. Không riêng gì bệnh viện mà bất cứ ở đâu trong xã hội chúng ta cũng vậy. Ngay khi bạn bước vào một nhà hàng ăn, cũng tô phở với giá tiền như nhau nhưng người ăn mặc lịch sự thì được quan tâm, còn người mặc áo rách thì cứ ngồi đợi đấy hoặc có khi mang tô phở ra đặt xuống một cái rầm. Chính điều này cũng khiến tôi cảm thấy buồn, âu đó cũng là căn bệnh của xã hội."
- Xin thưa, cụ Lãn Ông có dạy: "Đối với việc nhận quà cáp: thông thường ai giúp mình một việc gì, thì mình cám ơn người đó, huống hồ bệnh nặng, nguy, hoặc có thể chết được, người ta cứu cho thì ít nhiều mình có mang ơn. Dân tộc ta vốn có tính thuần hậu, không khi nào quên ơn người đã giúp mình; muốn bày tỏ lòng chịu ơn không thể nào không trả ơn bằng lời nói, bằng vật chất, hoặc bằng việc làm; điều đó được coi như là hoàn toàn chính đáng và hợp tình, hợp lý, mà người bệnh không làm, luôn tự thấy băn khoăn. NHƯNG điều đáng chê trách là khi món quà quá đáng đối với sự việc, hoặc quá lớn đối với khả năng của người bệnh, hoặc kèm theo những động cơ không đúng, hoặc đem lại những hậu quả không trong sạch, lành mạnh. Những món quà không chính đáng có thể hạ thấp phẩm chất thầy thuốc, biến thầy thuốc thành kẻ phụ thuộc, người nô lệ của vật chất hoặc của quyền uy."
Vả, đem một nhà hàng + một tô phở để so sánh với một bệnh viện + một bệnh nhân, chao ôi ví bằng đem một bữa ăn mươi phút trong cái chòi lá so với sự sống chết của cả một kiếp người! Lại cho "âu đó cũng là căn bệnh của xã hội"! Xin hỏi: Căn bệnh của xã hội, đã đành, nhưng là của xã hội nào ? Chắc chắn không thể là xã hội XHCN mà ‘cha già dân tộc’ hằng cúc cung ươm trồng… trên giấy! Càng không thể là kết quả của 20 năm Học tập và làm theo tấm gương đạo đức… Còn cho rằng "Hiện nay chúng ta phải đối mặt với một căn bệnh thời đại: bệnh của những người có tiền và những người không tiền. Người có tiền thì cho rằng tôi có tiền tôi cần là phải được. Người không có tiền thì làm thằng cùi và quậy." thì ca sĩ Ánh Tuyết ơi tôi hoàn toàn đống ý với cô đó đích thị là "căn bệnh thời đại", nhưng là thời đại nào, phải có cái đuôi chứ ?
Nêu quan điểm là quyền của mỗi cá nhân, nhưng cô ơi Một lời nói, một đọi máu khi quan điểm đã phiến diện lại nặc mùi dối trá! Có bao giờ cô Ánh Tuyết tự vấn: 1/ Tiền và Tiếng cô đang hưởng phần cực lớn là nhờ những "người không tiền, những thằng cùi" (lại ngu) - trong đó có tôi ủng hộ mà nên không ? 2/ Căn nguyên nào đất nước ta lại ra nông nỗi ?
Dù thế nào cũng phải cám ơn cô đã can đảm diễn thật lòng mình với đại chúng "không tiền và cùi". Ôi, đáng Tiếc: "Ánh Tuyết thì cũng chỉ mới ánh thôi, tuyết rồi thì cũng (đã) tan" (lời AT đáp tạ nhạc sĩ Văn Cao).
‘Phong bì bác sĩ’ là một trong vô số quốc nạn văn hoá trầm kha trong mọi ngõ ngách tại nước VN-XHCN mà chính truyền thông lề phải đã không thể bưng bít vì Đ & NN coi như bótay.com. Ca sĩ Ánh Tuyết chỉ việc gu-gồ, chẳng hạn ‘phong bì trong y tế’ thì sẽ rõ mười mươi hầu từ rày lặng lẻ đặc trị nghề thương vay khóc mướn thôi, chớ có diễn theo những con cáo khoác áo bờ-lu trắng, mồm hót Lời thề Hippocrate, bụng hát Lời thề Hypocrite.(4)
Restez belle dans votre tour d’ivoire et chantez bien mais ne délirez plus, je vous en prie.
(Hương hoả dành hai bác sĩ trẻ trong gia tộc)
*
Chú thích:
(1) Lời thề Hippocrate (Serment d’Hipprocrate), bản việt dịch trên Wikipedia. Hippocrate: Đại danh y cổ Hy Lạp, 460-370 trước CN.
(2) Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, Nxb Y Học – HN 1998.
(3) Đào Thản: Lời non nước – Danh ngôn CT Hồ Chí Minh, tái bản lần thứ 1, Nxb Trẻ - SG 02/2008. Hypocrite: Giả nhân giả nghĩa, ngụy thiện.