Sốc… toàn tập! - Dân Làm Báo

Sốc… toàn tập!

Kỳ Duyên - Có hai hiện tượng xã hội khi xảy ra, đã làm cho những con người có lương tri bị tổn thương sâu sắc. Một hiện tượng thuộc về cái bất đức, vô luân. Một hiện tượng thuộc về cái bất tài, vô lý. Cả hai cái đều là sự góp phần… đắc lực cho sự tụt hậu một cách tủi hổ của đất nước, trước văn hóa, văn minh và phát triển. 

Những “mặt nạ” người 

Ngày 7/4/2012 mới đây, đọc trên VOV Online, người viết thấy con tim mình như bị bóp nghẹn. Bé N.Đ. H. H, mới 5 tuổi bị hãm hiếp nhiều lần, bị vứt bỏ trước cửa chùa Bồ Đề (Gia Lâm- Hà Nội). Toàn thân bé bị đánh bầm tím, cửa mình bị rách, chảy máu, tinh thần hoảng loạn. Ngoài ra, bé còn bị hở hàm ếch (mũi, họng thông nhau), viêm nhiễm đường thở… 

Đau xót nữa là bé không có lưỡi gà, không nói được. Đến mức có người đặt câu hỏi, phải chăng bé đã bị diệt khẩu? 

Vào Google, đánh dòng chữ: Trẻ vị thành niên bị hãm hiếp, lập tức cho ra 894.000 kết quả trong 0,17 giây. Đủ hiểu, hiện tượng thú tính, tàn ác và suy đồi này khá phổ biến. 

Và tiếc thay trong xã hội ta, trẻ vị thành niên bị cưỡng bức, xâm hại tình dục không hiếm. Căm phẫn thay, thủ phạm của các tội ác kiểu này vô cùng đa dạng, và những đứa trẻ thơ dại, đang tuổi thích búp bê đã phải chịu hệ lụy khổ đau khủng khiếp. 

Thủ phạm của tội ác, có thể là một kẻ “vắt mũi chưa sạch” như Nguyễn Thành Tín, mới 15 tuổi, học sinh lớp 10 ở Tây Ninh, hiếp dâm cô bé hàng xóm, tên là L, mới 4 tuổi (7/2010). 

Lại cũng có thể là…cha nuôi, như Hoàng Văn Tuấn (Hà Nội). Tuấn nhận anh em kết nghĩa với bố của bé L, 12 tuổi. Gã “bố nuôi hờ” đốn mạt này đã hiếp dâm bé L- “con nuôi” của hắn, khi bé L sang nhà “bố nuôi” chơi. 

Kinh tởm và đồi bại nhất, thủ phạm tội ác nhiều trường hợp lại là cha đẻ. Hổ dữ không ăn thịt con. Nhưng những con thú dữ này đã cưỡng bức con gái ruột một cách bỉ ổi, đê tiện: 

Nguyễn Văn Tài (43 tuổi, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), gần ba năm trời, cưỡng bức con gái của mình, bé N.K.L, mới 10 tuổi, làm “nô lệ tình dục”. 

Hoàng Văn Duyến (37 tuổi, xã Đông Sơn, thị xã Sơn Tây) xâm hại tình dục con gái ruột, bé M tới bẩy lần. 

Lê Văn Trí (Đắk Lắk) sau khi uống rượu say, đã hiếp ngay đứa con gái ruột của mình, bé H, mới 5 tuổi. ... 

Thủ phạm của tội ác cũng có khi là … những gã thầy giáo, người có nhiệm vụ dạy “đạo làm người” cho trẻ em. Và nạn nhân không phải ai xa lạ, lại chính là các em học sinh nữ: 

Ông thầy Huân (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), cưỡng bức học sinh của mình, em H, học sinh lớp 11, khiến em này tự tử bằng thuốc ngủ (không thành), và để lại bức thư tố cáo việc làm đê hèn của “thầy Huân”. 

Ông thầy Mai Thanh Phong đã sàm sỡ, xâm hại tình dục hàng chục bé gái lớp 4, lớp 5 của Trường tiểu học B Núi Sam (thị xã Châu Đốc, An Giang). Cá biệt, có em bị xâm hại tới hai lần. 

Và nổi tiếng nhất, có lẽ là vụ Sầm Đức Xương, yêu râu xanh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Vinh, Bắc Quang- Hà Giang. Từ thú vui bệnh hoạn của mình, Sầm Đức Xương còn trở thành đầu mối trong đường dây mua bán dâm trẻ vị thành niên.. 

Thủ phạm tội ác dã man không thể hiểu được, cá biệt, còn là một sĩ quan, như Nguyễn Thanh Hùng, Thượng tá quân đội, đã cưỡng hiếp bé N.K.N.Y, mới 5 tuổi (Tuy Phước- Bình Định). 
Rồi mới đây, cô bé Ng, mới 12 tuổi, học lớp 7 (Bình Phước), đã bị một gã thanh niên làng bên cưỡng hiếp tới có thai 5 tháng, mà mẹ cô mới…biết. Và lại một vụ thầy giáo cưỡng bức học sinh nhân chuyện “dạy kèm” vừa được báo chí thông tin. Đó là Phạm Văn Quý, 33 tuổi, Trường THPT chuyên Quang Trung (thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), nạn nhân là em Ng, 15 tuổi, học sinh một trường THCS thị xã… vv và…vv… 

Còn rất nhiều vụ việc tội ác đối với trẻ vị thành niên nữa, không thể liệt kê. 

Điều khiến những người có lương tâm đau đớn, day dứt, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký kết Công ước về Quyền trẻ em (1989). Và hệ thống cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên nhi đồng rải khắp, từ trung ương đến cơ sở, từ đô thị tới nông thôn, miền núi. 

Vậy mà vì sao, những bé gái nói trên, vẫn bị sa bẫy những kẻ dạ thú, bị cưỡng bức, xâm hại dã man? Nhân danh thầy giáo, nhân danh cha đẻ, nhân danh cả những người có bổn phận thiêng liêng… 

Chỉ đến khi chiếc “mặt nạ người” ở những kẻ này rơi xuống, thì bẫy đã… sập. Có một loài “thú” chuyên săn… người. Tiếc thay, đó là câu chuyện nhân thế kinh hoàng thời hiện đai, không phải loại phim giả tưởng thời kỹ thuật số! 

Họ có thể là những kẻ lạc loài, vô nhân tính. Nhưng một khi hiện tượng vô nhân tính, lạc loài đó đã không còn là hiếm gặp, không còn là cá biệt, thì điều đó, nói gì về nền tảng văn hóa, và đạo lý của xã hội chúng ta? 

Khi những tội ác vô luân xảy ra, người ta thường đổ tại cho rượu say, cho mải làm ăn, nghèo khó bỏ bê con trẻ. Điều đó đều đúng, nhưng không thể biện hộ cho thứ đạo lý suy đồi đang gặm nhấm tận cùng tâm hồn tăm tối của chữ “người”, đang gặm nhấm không thương tiếc nền tảng đạo đức văn hóa một xã hội. 

Trẻ em hôm nay, dân tộc ngày mai. Những đứa trẻ bất hạnh, còn đang tuổi làm nũng mẹ đã phải mang vết thương trong tâm hồn non dại. Liệu những vết thương đó có thể thành sẹo, để các em nhìn xã hội, nhìn những bậc cha chú, với đôi mắt lành lặn, không chút hãi sợ, phòng ngừa và cả… ghê tởm không? 

Có ai hiểu được tiếng khóc kinh khiếp, ai oán của những đứa trẻ mới 5 tuổi, 7 tuổi, 10 tuổi…, bị hãm hiếp, bị cưỡng bức, bị xâm phạm tình dục không? 

Hay đó cũng chính là một vết nhơ sâu hoắm của chính chúng ta? 

“Khuyết điểm” hay là “sai phạm”? 

Vụ “thủy chấn” Vinashin vừa có phần lắng xuống, thì cơn “địa chấn” mới lại dâng lên. Khiến người nghe chao đảo, kinh hãi, hệt như đang phải chịu rung chấn động đất 8,6 richter mới đây ở Aseh (Indonesia). 

Ngày 6/4/2012, báo Thanh Niên đưa “Nhiều sai phạm lớn ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước”. Đọc mà… ù hết cả tai: 

Trong quý 1/2012, Thanh tra Chính phủ tiến hành 25 cuộc thanh tra tại một số tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Hóa chất, Bộ Xây dựng (thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nhà ở)... 

Qua đó, phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 30.720 tỉ đồng. Kiến nghị thu hồi về cho ngân sách 3.712 tỉ đồng. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền trên 27.000 tỉ đồng. Trong đó Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên sai phạm hơn 10.000 tỉ đồng; Tập đoàn hóa chất VN và các đơn vị thành viên là trên 700 tỉ đồng... 

Nhưng nếu người dân sửng sốt, kinh hãi vì những con số khủng thì nhiều chuyên gia kinh tế lại kêu không lạ, vì họ cho rằng “bản chất tự nhiên của các DNNN là… sử dụng đồng tiền một cách sai trái”. 

Còn một cựu Bộ trưởng thì hài hước, nhưng rất chí lý: Các DNNN của ta, khi chưa thanh tra, thì anh nào cũng kinh doanh… rất tốt. Chí lý bởi ông quá hiểu bản chất các DNNN chăng? 

Lạ nhất là chuyện này: Tại cuộc họp giao ban báo chí sáng 10-4, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Nguyễn Văn Sản, người ký kết luận thanh tra vụ việc Tập đoàn Dầu khí phê phán báo chí “rút tít giật gân”, khi kết luận của TTCP chỉ nói khuyết điểm, chứ không phải nói là sai phạm. Rút cục, báo chí vào cuộc tranh cãi: “Khuyết điểm” khác gì “sai phạm”? (Pháp Luật TP. HCM, 11/4/2012). 

Công nhận báo chí chả hiểu gì. Ngôn ngữ Việt chúng ta vốn rất nho nhã, tế nhị: Thói dối trá, gọi là bệnh thành tích. Lạm phát gọi là bội chi. Thì sai phạm phải gọi là khuyết điểm! Dù khuyết điểm, bản chất của nó là sự… sai phạm. Hì…hì...

Quan trọng hơn, phải hiểu vì sao có những con số khủng vô lý đến vậy? Vì sao các tập đoàn, tổng công ty có nhiều… khuyết điểm đến vậy mà họ không sợ? 

Theo các chuyên gia kinh tế, cả nước có 1.309 DNNN với 100% vốn Nhà nước, trong đó 701 DN thuộc địa phương; 355 DN thuộc các bộ, ngành, và 253 thuộc tập đoàn tổng công ty 91. Trong số này, 452 DN hoạt động công ích và 857 DN kinh doanh. 

Các DN này nắm giữ khối lượng vốn khủng trong nền kinh tế, gồm 700 nghìn tỷ (cuối 2010), tương đương 35 tỷ USD, trong đó chủ yếu là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. 

Các tập đoàn, tổng công ty được coi là con trưởng của nền kinh tế - nên sự sinh tử của nó gắn liền với sự sinh tử của nền kinh tế đất nước. 

Mặt khác, các tập đoàn, tổng công ty luôn có quan hệ chặt chẽ hữu cơ với người hoạch định chính sách, các cơ quan và công chức Nhà nước có thẩm quyền ra các quyết định đầu tư, kinh doanh và cả nhân sự của họ. Đây có thể nói là một đặc điểm đáng chú ý. Sự thành bại của các tập đoàn, tổng công ty sẽ ảnh hưởng đến vị thế các cơ quan, công chức có liên quan, đến chính sách đầu tư. 

Nên nếu có làm ăn thua lỗ thất thoát, do đầu tư dàn trải ngoài ngành, do quản lý “tiền chùa” lỏng lẻo, do…bất tài nữa, nó cũng không thể chết. Và nếu có hấp hối, nó sẽ được tiếp tục hà hơi tiếp sức. Khổ cho nó, khổ cho dân 

Cũng vì thế, tái cấu trúc kinh tế là con đường tất yếu, nhưng hành trình này cũng rất chật vật. Bởi có tập đoàn, tổng công ty nào muốn từ bỏ đặc quyền, đặc lợi của mình không? 

Thế nên, các tập đoàn, các tổng công ty đua nhau ngâm vịnh: “Khuyết điểm là tại…hướng đình/ Cả làng khuyết điểm có mình tớ đâu” 

Chợt nhớ tới định luật bảo toàn vật chất: Vật chất không tự sinh ra cũng không tự mất đi. Nó chỉ chuyển thể từ dạng này sang dạng khác mà thôi. Hơn 30.700 tỷ đồng khuyết điểm cũng vậy, nó không hề biến đi, nó chỉ chuyển từ túi nọ sang túi… kia thôi. 

Hỏi: Tiền đâu để đắp cho những cái lỗ khủng như vậy? 

Trả lời: Dân đóng chứ ai! Dân là “cái túi Thạch Sanh” trong truyện cổ tích Thạch Sanh- Lý Thông mà! 

Thế thì có phải là “cưỡng chế”… người thành niên?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo