Video Tri ân Thương phế binh QLVNCH tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn - Dân Làm Báo

Video Tri ân Thương phế binh QLVNCH tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn



Ngô Thị Hồng Lâm (Danlambao) - 30/4/1975 - 30/4/2014. Dù muốn quên đi quá khứ buồn của dân tộc, nhưng ngày 30/4 vẫn trở về. Ngày này của 39 năm trước, từ 2 phía của chiến hào đất nước đã im tiếng súng. Giang san đã thu về một mối. Máu đã ngưng chảy, “Bên thắng cuộc” đã hoàn toàn nắm trọn quyền kiểm soát đất nước, thế nhưng “Bên thua cuộc” họ là những người chiến sĩ đã từng tham chiến bị thương tật, họ đã bỏ lại một phần cơ thể ngoài mặt trận cho đến nay họ vẫn bị những người cầm quyền bỏ quên. Đời sống của họ nay vô cùng khó khăn.

“Ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc” (Lê Duẩn).

30/4/1975 khi tiếng súng đã ngưng. Đường phố dọc 2 bên rợp cờ đỏ tung bay. Dòng người ở Hà Nội mừng vui tràn ra ngoài đường đông nghẹt từ sáng sớm cho đến 23h khuya. Hệ thống loa phóng thanh mắc trên đường phố hoạt động hết công suất trong ngày, liên tục loan đi các bản tin thời sự chiến thắng của bộ đội trên các mặt trận phía Nam đất nước gửi về. Khí thế “quân ta chiến thắng” hừng hực được phát ra từ các hệ thống loa phóng thanh ca ngợi cuộc chiến này của “Bên thắng cuộc”. Họ say mê phát những bản tin chiến thắng “quân ta hừng hực khí thế chiến thắng...” cho đến cuối năm 1975 vẫn đang còn chưa thôi.

Nụ cười rạng rỡ trên nét mặt của những bà mẹ, những người vợ, những người chị miền Bắc khi bóng những người thương yêu đã biền biệt tin tức ở chiến trường khói lửa khoác ba lô, nay đã trở về, dù có là một thương binh với đầy những vết thương trên cơ thể.

Bên cạnh đó là những dòng nước mắt tuôn trào, uất nghẹn khi những bà mẹ nhận được giấy báo tử của con mình, đã mãi mãi không trở về. Nhà buồn, nhà vui lẫn lộn trong dân chúng miền Bắc ngày 30/4/1975.

Những đoàn cán bộ từ các cơ quan ở miền Bắc được lệnh vào tiếp quản Sài Gòn ùn ùn lên đường vào Nam để rồi sau đó những chuyến xe đò vận chuyển tủ lạnh, ti-vi, dàn loa thùng Akai, quạt máy từ phía Nam chở ra Bắc hàng ngày.

Người dân thì được chính quyền tuyên truyền: “Ta đã đánh thắng 2 tên đế quốc đầu xỏ là Pháp và Mỹ. Ta là người chiến thắng”. Dân miền Bắc do bị nhiễm độc nên luôn có niềm hào đến hãnh diện vì “Ta là người chiến thắng” với chính những người anh em cùng nòi giống Lạc Hồng của mình là những bà mẹ, những người vợ, người con dắt díu nhau ra đất bắc đề nuôi thân nhân ở tù. Họ đến đất Bắc với sự tự ti và sợ sệt những người đang chiến thắng!

Để rồi hàng năm mỗi khi ngày 30/4/ trở về, tuyên huấn nước nhà vẫn say sưa trong chiến thắng với người anh em mà họ từng gán cho 2 chữ “ngụy quân, ngụy quyền” với những bản tin phát lại khí thế tiến công hừng hực của “quân và dân ta”.

30/4/2014 năm nay không khí mừng chiến thắng 30/4 thấy không còn rầm rộ nữa. Băng rôn khẩu hiệu kỷ niệm chiến thắng 30/4 hầu như rất ít trên các nẻo đường của thành phố Hồ Chí Minh. Trống dong cờ mở chỉ có ở những Ủy ban nhân dân mà thôi. Đường phố băng rôn khẩu hiệu chào mừng hầu như không có!

Điều gì đã làm nên ngạc nhiên này? Phải chăng “từ đây người biết yêu người, từ nay người biết quê người” (Văn Cao). Máu chảy đã làm mềm ruột? Những người cầm quyền của đất nước này đã thực muốn hàn gắn những vết thương “hận lòng” mà người anh em của chúng ta số đã khuất, số đã phải bỏ nước ra đi? Số anh em còn lại là những thương phế binh đã bị hắt ra ngoài lề xã hội bấy lâu nay. Vô số người bị cụt cả 2 chân. Sau cuộc chiến họ bị tàn phế, họ mất đi khả năng lao động. Thế nhưng họ vẫn di chuyển cơ thế trên 2 chiếc ghế để bán từng tấm vé số, từng chiếc bong bóng, từng chiếc bàn chải để kiếm sống qua ngày phụ giúp gia đình và phải đi mướn nhà để ở. Chúng ta đã gặp họ ở buổi lễ “Tri ân thương phế binh tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn”. Họ chính là trong số “Triệu con Tim, Triệu khối óc kiêu hùng” của cộng đồng chúng ta.

Buổi lễ mang đậm tính nhân văn. chia sẻ của cộng đồng đứng đầu là sự ủng hộ của các Cha và các bổn đạo trong cộng đồng với những anh em thương phế binh. Buổi lể Tri ân thực sự thu hút và nhận được sự đồng tình ủng hộ của xã hội đối với các Cha Dòng Chúa Cứu Thế, đem đến cho các anh em Thương phế binh sự trân cảm ấm áp tình người trong khi các anh đã bị xã hội bỏ quên 39 năm qua.

Đa số anh em Thương phế binh nay tuổi đã xế chiều, họ sẽ còn có bao nhiêu cơ hội như thế nữa để gặp nhau. Mong rằng chương trình này sẽ được nhân lên nhiều lần trong năm với những anh em Thương phế binh Quân lực VNCH.

Họ là những nhân chứng còn lại mang đầy đủ nhất nỗi niềm cay đắng THỜI HẬU CHIẾN!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo