Phước An Thy (Danlambao) - Tôi hối tiếc vì đã đưa vợ con đi kinh tế mới tự túc, về sống ở vùng quê thiếu ăn, thiếu mặc này. Nhà của tôi là một lều tranh dột nát, vách đất xiêu vẹo, ở vùng xa dân cư, không bóng người. Trong nhà tôi không có tài sản gì ngoài bàn ghế ọp ẹp, giường chiếu sơ sài. Thức ăn hàng ngày của chúng tôi chỉ khoai sắn và muối. Thấy Mùi, vợ tôi, xanh xao gầy yếu, con nhỏ thèm cơm, áo quần nhem nhuốc đất cát, ngồi chơi với những chiếc máy bay, thuyền giấy xếp bằng những tờ giấy báo thuế của ban thuế đã gởi, tôi buồn quá.
Tôi tránh nhìn vào các mảnh vải vá víu trên áo quần của vợ con và thường thầm nghĩ về những thứ tối thiểu cần phải có trong cuộc sống, những điều mà nói ra thấy xấu hổ với vợ. Những đêm đen mưa gió miền quê, mưa đổ trĩu oằn mái tranh, gió rú rít như muốn giật tung vách lều, nhìn vợ con khốn khổ co người nằm ngủ, trí óc tôi vùng vẫy, quanh quẩn tìm cách, nhưng tôi bối rối không biết làm gì để vợ con bớt khổ, để thoát cảnh nghèo đói này.
Những người già sống ở đây trước năm 1975 nói, khi xưa khung cảnh làng quê này bình yên, không gian thoáng đãng đầy cây xanh bóng mát. Người dân ấm no, sống giản dị, mọi người trong gia đình cùng nhau làm việc ngoài đồng, cùng vui trong nhà. Nếu gặp hoạn nạn hay bị thiên tai, hàng xóm và bạn bè sẵn lòng giúp đỡ, hợp sức với nhau để vượt qua khó khăn. Đã có một thời thanh bình, thơ mộng và người dân trong tình nghĩa xóm làng đã giúp đỡ nhau khi vui cũng như lúc buồn. Giờ đây cảnh bình yên không còn, làng quê như một cô thôn nữ khoát vội chiếc áo thị thành sặc sỡ.
Người ở thành phố đổ về mua đất, mở cửa hàng bán máy móc điện tử phát ra những tiếng ồn chói tai, quán cà phê, karaoke giậm giật tiếng nhạc, quán nhậu vang tiếng gào cụng ly nâng chén. Không còn cảnh trâu bò nhởn nha gặm cỏ, thay vào đó là xe máy, xe cơ giới gầm rú, chạy xồng xộc trên đường kéo theo từng đám bụi mịt mù. Nhiều bậc cha anh đến quán nhậu, cà phê tối khuya mới về, những người vợ lo sửa sang nhan sắc, xức lên người đủ mùi nước hoa rẻ tiền để giữ chồng. Hàng xóm ngấm ngầm đấu với nhau, mua xe, xây nhà, hơn thua từng chút một, họ không còn giúp đỡ nhau như trước.
Cán bộ các cấp đua nhau chiếm đất, chiếm rừng, người dân thấy vậy cũng tranh nhau dành lấn đất khiến xảy ra không biết bao nhiêu vụ đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán, nhưng chính quyền thôn xã không đến giải quyết. Nhờ vào chức vụ, chia chác của công, tham nhũng nên cán bộ sống trong nhà cao cửa rộng, tạo ra cảnh người giàu càng giàu thêm, còn người nghèo càng nghèo hơn. Người dân bất mãn tố cáo cán bộ địa phương tham nhũng, lộng quyền lên cấp trên, lên cơ quan thanh tra thì cũng chẳng ai xuống kiểm tra. Ngay các ban ngành đoàn thể Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh cũng hùa theo việc làm sai trái của chính quyền địa phương.
Ngoài các loại thuế nông nghiệp như thuế thổ cư, thuế vườn, thuế ao, thuế cây hàng năm, cây lâu năm, người dân còn phải gánh thêm nhiều loại quỹ và lệ phí gọi là “vận động tự nguyện” do thôn xã đặt ra. Hàng năm, UBND xã thành lập ban hỗ trợ thu thuế gồm đại diện các ban ngành đoàn thể, ban lãnh đạo các thôn cùng cán bộ thuế để thu thuế và các lệ phí khác của người dân. Mỗi thôn thành lập một tiểu ban hỗ trợ thu thuế, tiểu ban có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành luật thuế, thúc giục các hộ dân đóng thuế đúng thời hạn. Để đạt được những chỉ tiêu của cấp trên, ban hỗ trợ thu thuế đưa ra nhiều biện pháp cương quyết để thu thuế, người dân sợ nhất là biện pháp công bố, rêu rao tên gia đình mình trên các phương tiện truyền thông của thôn xã vì nợ thuế. Người dân bị dồn ép đành đi vay để đóng, rồi lâm vào cảnh nợ nần ngập đầu năm này qua năm khác nên phải bán đất trả nợ.
Những đợt UBND xã phát động tập trung thu thuế như vậy, ban thuế thu được nhiều tiền thuế và nợ thuế của người dân. Người dân cũng lợi dụng dịp này, mượn nơi tập trung thu thuế để than phiền, kêu ca cho vơi bớt uất ức, có người uống rượu để trong cơn say xông vào réo tên cán bộ ra mà chửi. Mọi người tranh nhau kể lể đủ chuyện, nào là muốn bán đất để trả nợ cho nhà nước, nhưng không có sổ đất vì nợ thuế nên đã bị tịch thu. Quỹ và lệ phí nói là đóng góp tự nguyện tùy khả năng của từng gia đình, nhưng ai không đóng góp thì bị gây khó khăn khi đến thôn xã xin xác nhận hồ sơ hay làm bất cứ giấy tờ gì. Đến việc bị con buôn chèn ép giá hay nhiều khi hè nhau không đến mua nông sản làm người dân mất trắng vốn liếng và công sức...
Một người bực tức nói với cán bộ thuế: “Bây giờ nhà nước thu thuế còn nhiều hơn cả thời thực dân Pháp, mà có ai giải thích cho tôi biết về các loại thuế đâu?”
Cán bộ thuế thôn trợn mắt: “Tôi có được học, được đào tạo gì đâu mà giải thích về luật thuế”.
Ông trưởng thôn cười: “Trưởng thôn tụi tôi không có trình độ văn hóa và kiến thức nên chỉ nói theo, làm theo lệnh xã cho chắc. Mà có hay không có trình độ cũng chẳng giúp được gì vì nhiều văn bản chính sách đất đai được nhiều cấp khác nhau ban hành, thay đổi liên tục, chồng chéo lên nhau thì biết dựa vào cái nào mà làm”.
Ông trưởng ban quản lý ruộng đất phân bua: “Tôi cũng rối bời vì tình trạng lấn chiếm, tùy tiện xây dựng nhà làm đất canh tác không còn giống như trong bản đồ địa chính của xã”.
Cán bộ thuế nghiêm nét mặt, hỏi tôi: “Anh đã nhận giấy báo thuế lần thứ ba chưa?”. Tôi ấp úng: “Tôi đã nhận, nhưng chính phủ có lệnh giảm thuế cho đất khai hoang nhà tôi mà”. Cán bộ giở bộ thuế của xã ra, chỉ vào tên và số nợ thuế nông nghiệp quy thành tiền phải đóng của tôi lên tới hàng mấy triệu đồng. Tôi nói: “Gia đình tôi nghèo, ăn còn không đủ làm sao có tiền để đóng, còn thêm cái khoản đóng góp quỹ và lệ phí mà xã bổ đầu thu nhà giàu cũng như nhà nghèo thì tôi xin chịu”. Cán bộ lấy sổ đất của tôi bỏ vào ngăn bàn, nói: “Ban thuế đã gởi giấy báo ba lần rồi, anh phải đóng thuế trong vòng mười lăm ngày, nếu không đóng sẽ bị tịch biên tài sản như UBND xã đã thông báo”. Tôi năn nỉ: “Mùa màng chưa thu hoạch lấy tiền đâu mà đóng trong vòng mười lăm ngày”.
Dân nghèo như tôi thường xuyên chịu nhiều khó khăn, ấm ức vì bị chèn ép, lòng bực dọc, nhưng không biết trút lên ai, không thể làm được gì cho cuộc sống gia đình mình tốt hơn và cũng chẳng biết nhờ ai giúp đỡ. Trên đường về nhà, đi qua các con đường mòn quanh co hoang vắng, tôi cứ phân vân nghĩ, không biết khi cán bộ xã tới nhà tịch thu tài sản của mình thì họ sẽ lấy cái gì. Từ xa nhìn tới nhà mình, căn lều lẻ loi giữa đồng không hiu quạnh, thấy cảnh mấy con người đói rách sống trong đó, lòng tôi buồn rười rượi. Nếu có thể đánh đổi cái gì của mình để vợ con bớt khổ thì tôi sẽ không do dự, sẵn sàng vứt hết để đánh đổi.
***
Chú Phúc, ba của Luân bạn tôi, nói: “Thằng Luân theo các bạn của chú tổ chức vượt biên, nó muốn chú đi, nhưng chú già rồi, đi cũng chẳng làm được gì cho đất nước nữa. Chú dành chỗ của chú cho cháu, cháu phải đi, nếu thoát tới được bến bờ tự do thì mới có một cuộc đời đáng sống, còn có thể giúp ích cho đời và cho tương lai của con cái. Cuộc sống của cháu ở đây có gì? Một tương lai bất định”.
Tới ngày đi, chia tay vợ con, tôi chỉ buồn bã nhìn những người mình sẽ phải rời xa. Tôi đến bến xe Nha Trang mà lòng nao nao, bất an như mình vừa bỏ quên một điều gì đó rất quan trọng trong đời, một cảm giác hụt hẫng khiến hai bàn chân lạnh toát và chơi vơi như đang đứng trên một bờ vực. Gần trưa Luân tới, ra hiệu bảo tôi đi theo đến một xe đò nhỏ, trên xe đã có mấy người ngồi chờ. Tài xế lái xe ra khỏi thành phố, tới Đồng Đế, sự thoáng đãng của trời biển làm tôi thấy dễ chịu hơn. Một bên đường là bờ biển dài cong cong ôm bờ cát trắng, bên kia núi rừng xanh thẫm, xa xa có những đỉnh núi liên kết lại với nhau trông như một người đàn bà nằm xõa tóc, ngửa mặt lên trời, tôi thấy nuối tiếc khi phải rời xa vĩnh viễn nơi này.
Chưa tới Vạn Giã, xe dừng lại, mọi người xuống xe đi bộ đến một xóm chài. Mọi người được chia ra ở các nhà dân chài, những căn nhà xiêu vẹo, mái lợp tôn, lợp tranh lẫn lộn, vách ghép bằng những mảnh gỗ đủ loại. Trời tối, Luân đưa mọi người đến một bờ biển vắng để chờ “taxi” chở ra tàu lớn. Ở đây đã có nhiều người đứng ngồi từng nhóm, tiếng nói chuyện lẫn tiếng con nít khóc râm ran. Một người nói lớn: “Bớt ồn đi, công an, du kích tới bắt hết cả đám bây giờ”. Mọi người yên lặng được một lúc, rồi trở lại nói chuyện còn ồn ào hơn trước vì chờ đợi quá lâu. Cuối cùng bóng lờ mờ của hai chiếc ghe nhỏ cũng đến, khi hai chiếc ghe mảnh mai chưa chạm vào bờ, mọi người đã nhốn nháo lội xuống nước, ùa ra giành giựt leo lên, ai cũng chỉ lo cho người của mình lên ghe trước. Một chiếc ghe chưa đầy người đã vội vã chèo ra khơi, chiếc còn lại dập dềnh theo sóng biển với nhiều người bao quanh. Luân nói: “Xuống ghe nhanh lên”. Tôi lội xuống nước mới được mấy bước thì nghe tiếng kêu la: “Cứu tôi! Cứu tôi với! Chìm ghe rồi”. Chiếc ghe nhỏ chìm xuống biển đen như nó chưa hề có. Nhiều người vừa bơi bì bõm vừa giúp những người khác vào bờ. Tôi lội nhanh tới đám người đang chấp chới trên mặt nước, ôm lấy một đứa nhỏ từ tay một người mẹ trẻ để chị ta có thể tự lội vào bờ. Luân cũng vội vàng tới cứu những người khác.
Mọi người nhìn nhau chưa biết tính sao, thì người chèo ghe lặng lẽ biến mất lúc nào không ai hay. Luân nhìn ra khơi, nơi có ánh đèn mờ của chiếc tàu lớn, nói với tôi: “Mình bơi ra tàu lớn”. Giọng tôi tắt nghẹn: “Bơi tới nơi không?”. Luân trấn an: “Từ đây ra đó chắc khoảng năm sáu trăm mét thôi”. Luân kéo bừa tôi xuống nước, hai đứa lội ra cho tới khi nước ngang ngực mới bắt đầu bơi.
Bơi được khoảng chừng phân nửa, nhìn quanh tôi không thấy Luân đâu. Tôi đuối sức, mệt lả người, thở mỗi lúc một khó, lồng ngực tức như muốn nổ tung. Tôi bắt đầu thấy sợ là mình không đủ sức bơi ra tới nơi hay bơi trở lại vào bờ. Tôi lật người nằm ngửa ra cho lồng ngực bớt bị nước ép, nhìn lên bầu trời tối đen, lấp lánh những vị sao, cảm giác cô đơn giữa biển đêm thật đáng sợ. Khi ngực đã bớt tức, hai tay quạt nước tôi bơi chậm chạp về phía ánh đèn tàu. Càng lúc tôi càng thấy chân tay mình không còn cảm giác, tôi chới với nhìn quanh tìm một cái gì để bấu víu, nhưng chỉ có một màn đen như mực.
Thân thể nặng nề cứ kéo đầu tôi xuống nước, sợ hãi, tôi cố tập trung đầu óc, nghĩ để trấn an nỗi sợ chết, cố nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu, hình dung khuôn mặt những người thân quen. Tôi ngạc nhiên là từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ ai chết thì chết chứ mình còn sống lâu lắm, vậy mà đời mình sẽ kết thúc ít phút nữa trong lòng biển này. Tôi buông xuôi, ngửa mặt lên trời, chờ cái chết đến. Trong cảnh huống này, tôi không nghĩ đến những kẻ độc ác, kiêu ngạo, những kẻ ích kỷ, hãnh tiến, mà lòng hướng về những người tôi yêu thương. Trí óc tôi mờ dần, rồi lòng tôi bùng lên niềm hy vọng sống sót khi nghe có tiếng gọi tên tôi, có cánh tay nâng đầu tôi lên cao làm không khí mát lạnh ùa vào lồng ngực. Luân giúp tôi bơi tới tàu lớn, lên được tàu, tâm hồn bình yên tôi thiếp đi.
***
Nhiều năm sau, tôi làm thủ tục bảo lãnh vợ con qua Mỹ. Ngày về Việt Nam để đưa vợ con đi, tôi buộc lòng đưa phong bì hối lộ cán bộ các cấp và miễn cưỡng đóng góp tiền để xây dựng xã nhà.
Có lẽ mọi điều buồn khổ trước đây không còn quan trọng đối với tôi và Mùi nữa, bởi chúng tôi đang trân trọng từng giờ, từng phút hạnh phúc. Khi máy bay rời khỏi mặt đất, Mùi nói: “Cứ như trong mơ, em sợ khi tỉnh giấc, lại phải quay về sống nốt những ngày tháng tủi nhục. Em không dám tin, thân phận hèn mọn mà mình cũng có ngày hôm nay. Em cám ơn Trời Phật, cám ơn những người đã giúp mình qua Mỹ, với em họ là những ông bà tiên đầy lòng nhân hậu đã ban cho em một phép lạ nhiệm mầu”.
Những kỷ niệm vui buồn trong đời, những thăng trầm trong cuộc sống luôn để lại những dấu ấn trong trái tim mỗi người. Trước đây, mỗi khi nghĩ về những người thân của mình chết tức tưởi, những khổ đau vợ chồng tôi phải chịu bởi Cộng sản, tôi thường có cảm giác buồn hận, nhưng giờ tôi chỉ nghĩ đến những người kém may mắn hơn tôi, vì tôi không có cách nào đền đáp cho đủ tình thâm sâu của các ân nhân đã giúp chúng tôi trong cuộc sống này.
_______________________________________
...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: