Quang Tấn (HQ Online) - Gần 10 ngày sau sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà lần thứ 13, đến nay hàng ngàn người dân ở nhiều khu vực như Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa), khu Hạ Trì 1 (quận Hà Đông) vẫn chưa có nước sinh hoạt hoặc lượng nước được cung cấp rất ít, người dân bắt buộc phải sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh.
Nước giếng khoan trơ đáy. Ảnh: QUANG TẤN
Ảnh hưởng tới sinh hoạt, kinh doanh
Chiều 19-8, theo khảo sát của phóng viên tại khu vực phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm - Hà Nội), hàng trăm hộ gia đình đang chật vật với cảnh thiếu nước kéo dài. Anh Bùi Văn Hải (xóm Hòa, phường Mỹ Đình 2), người lấm tấm nước, xách hai xô nước vừa xin được của nhà hàng xóm về bức xúc: “Chúng tôi nhận được thông tin từ tổ dân phố cho biết đang phải tạm dừng cung cấp nước sạch do sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà. Đơn vị chủ quản có báo sẽ cấp nước trở lại nhưng cả tuần nay toàn bộ tổ dân phố không được bơm giọt nước nào. Hàng chục hộ gia đình trong ngõ đang phải sử dụng chung một bể nước giếng khoan, mà cũng không có nhiều để sử dụng, chúng tôi cũng chỉ dám xin 1-2 xô nước để về tắm giặt cho con cái. Nước ăn thì phải mua nước bình để sử dụng, giá mỗi bình là 50.000 đồng. Sinh viên, người lao động nghèo thường mua loại 18.000 đồng/bình, nhà nào cũng chất đầy để dự trữ.
Tại ngách 52/25/6 đường Mỹ Đình, khi được biết có phóng viên tìm hiểu về tình trạng mất nước, nhiều người dân đã đến bày tỏ sự bức xúc, chị Vũ Mai Hương chia sẻ: Nhà tôi có 8 người cùng sinh hoạt, tình trạng mất nước khiến gia đình rất lao đao, khó khăn. Để có nước sử dụng, tôi phải xin nước giếng khoan của nhà hàng xóm. Nhưng trong ngách 52 chỉ có 1 hộ dân có bể nước nên nhà nào cũng đưa đường ống nước sang để xin, trong ngõ chằng chịt đường ống nhưng xin mãi sao được, nước đâu đảm bảo. Đã 10 ngày không có nước bổ sung nên hiện nay bể nước này đã trơ đáy, nước được ưu tiên cho 2 cháu nhỏ. Ngoài nấu ăn bằng nước bình, mọi sinh hoạt như tắm giặt chúng tôi đều phải sang nhà anh em ở nơi khác để nhờ.
Người dân nối vòi nước sang nhà hàng xóm đến xin nước
Còn ông Bùi Văn Đông (50 tuổi tại Phú Mỹ - Hà Nội), chủ một khách sạn bức xúc: “Nước là điều cốt lõi để duy trì sinh hoạt của chúng tôi mà 10 ngày nay không có một giọt thì biết sống thế nào. Mọi hoạt động kinh doanh đều dừng lại vì không có nước. Tôi biết là đường ống nước sông Đà bị vỡ nhưng khắc phục như thế thì lâu quá. Nhà ai có điều kiện thì còn đỡ chứ người dân lao động, sinh viên thuê trọ xung quanh đây đã đóng tiền nhà, tiền nước thì chẳng đi đâu được, đã khó khăn lại phải bỏ thêm một khoản để mua nước sạch về dùng. Còn nước giếng khoan thì rất bẩn, nước múc lên vàng, người dân trước đây chỉ dùng để cọ rửa nhà vệ sinh thì nay phải “gạn đục khơi trong” để sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Vũ Văn Xúc - Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 - phường Mỹ Đình 2 cho biết: “Thỉnh thoảng chúng tôi được cấp nước nhưng rất nhỏ giọt và rất bẩn. Trong số 300 hộ dân ở tổ dân phố phải có đến 200 hộ không có nước. Chúng tôi đã có nhiều đơn từ gửi UBND phường, đã trình bày ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri nhưng chưa thấy biến chuyển gì. Để khắc phục, nhiều hộ gia đình đã phải phá nền nhà để làm nước giếng khoan, chi phí trung bình là 20 triệu đồng/giếng, rất tốn kém”.
Nhiều hộ dân phải phá nền nhà để làm bể giếng khoan
Nguy cơ thiếu nước kéo dài
Chiều 19-8, trao đổi với phóng viên tại cuộc họp báo thông tin về việc mất nước ở nhiều quận huyện trên địa bàn Hà Nội, ông Lê Hồng Quân - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên nhân hàng ngàn hộ dân vẫn chưa có nước sinh hoạt do là Công ty cấp nước Viwaco đóng van tại điểm đầu cấp nước (khu vực Big C) vào địa bàn của Công ty nước sạch Hà Nội. Thêm vào đó, sau khi khắc phục sự cố vỡ đường ống lần thứ 11 và 12, Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco, đơn vị quản lý vận hành hệ thống cấp nước Sông Đà) đã giảm áp lực tuyến ống tại km23 (Ngọc Liệp, Quốc Oai) và giảm lượng nước cấp cho Công ty nước sạch Hà Nội. Nhiều khu vực phía trong các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Hoàng Mai bị cấp nước gián đoạn kéo dài cho đến ngày 17-8. Đến 7 giờ cùng ngày, Công ty cấp nước Viwaco đã mở van trở lại và duy trì cấp nước như trước khi xảy ra sự cố vỡ ống lần thứ 13. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế của phóng viên chiều ngày 19-8 cho thấy, nhiều hộ gia đình tại phường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liên), ngõ Thổ Quan (Khâm Thiên, Đống Đa), Chùa Láng (phường Láng Thượng), đường Nguyễn Văn Trỗi (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) vẫn mất nước.
Cũng tại cuộc họp, ông Trịnh Kim Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội, đơn vị cấp nước sạch cho các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình cho biết: Trước ngày 20-7, đơn vị vẫn cung cấp nước đầy đủ cho người dân với lưu lượng 2.000m3/ngày đêm. Sau khi vỡ đường ống dẫn nước sạch Sông Đà về Hà Nội lần thứ 11, 12 lưu lượng nước cấp cho đơn vị giảm 33%. Ngay sau đó, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án cấp nước luân phiên cho người dân. Tuy nhiên, đến ngày 13-8, đường ống nước Sông Đà lại tiếp tục vỡ lần thứ 13.
Bể giếng khoan mọc lên như nấm do mất nước kéo dài
“Sau khi đường ống nước Sông Đà gặp sự cố, chúng tôi bị thiếu hụt nguồn nước khoảng 55.000m3/ngày đêm. Như vậy, việc mất nước đã ảnh hưởng tới khoảng 55.000 hộ dân ở 3 quận chúng tôi quản lý” - ông Giang chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Trịnh Kim Giang, sau khi đường ống nước bị vỡ vào ngày 13-8, đơn vị đã phải dùng giải pháp cấp nước luân phiên ở một số khu vực, đồng thời huy động thêm nguồn nước từ các xí nghiệp nước Hoàn Kiếm, Ba Đình hỗ trợ cho khu vực quận Đống Đa và Cầu Giấy. Hàng ngày, Công ty đã huy động 5 xe téc (mỗi xe téc chở được từ 5-10 khối) chở nước tiếp viện cho người dân ở khu vực quận Đống Đa. Xe téc chở nước tới cấp nước cho người dân hoàn toàn miễn phí và có xác nhận của địa phương.
Việc đưa xe nước đến ứng cứu người dân cũng tồn tại bất cập do không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên ngày 19-8 tại địa chỉ ngõ 61 đường Nguyễn Văn Trỗi (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội), xe chở nước đến vào giờ hành chính nên nhiều hộ gia đình không có nhà. Một số người già phải đi xếp hàng lấy nước xách về nhà sử dụng, nhiều hộ dân còn phải mang xe kéo, xe đạp ra chở nước về đổ vào bể dự trữ. Được biết, những ngày vừa qua, nhiều người dân đã phải mua nước ở những xe téc với giá khoảng 800 nghìn đồng/8 khối nước về sử dụng.
*
Vỡ ống nước Sông Đà: HN khẩn cấp làm đường ống
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã nhận thiếu sót và cam kết thành phố sẽ tự làm đường ống khẩn cấp trong vòng 90 ngày để chuyển tải thêm khoảng 80 - 100 nghìn m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân, chứ không ngồi chờ Vinaconex đầu tư đường ống số 2.
Người dân lấy nước từ xe chở nước sạch tại ngõ 61 Nguyễn Văn Trỗi
(Thanh Xuân - Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà.
Trao đổi với Tiền Phong chiều 21/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Vừa qua xảy ra sự cố mất nước do vỡ đường ống sông Đà; tại nhiều địa bàn của thành phố, nước không đến được với người dân làm đảo lộn đời sống sinh hoạt. Khác với lần vỡ trước, lần này phát hiện thêm 2 điểm đã bắt đầu có dấu hiệu nứt, vỡ. Việc khắc phục sự cố diễn ra trong 24 giờ nên thời gian mất nước kéo dài hơn. Quan trọng hơn, sau khi cấp nước lại, đường ống sông Đà lại giảm áp để tránh vỡ tiếp, dẫn đến sự thiếu hụt nước nghiêm trọng khu vực cuối nguồn, áp lực kém.
Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục ngay, tăng cường khai thác nước ngầm, luân phiên cắt nước trên địa bàn và yêu cầu Vinaconex tăng áp. Đến nay trên địa bàn thành phố cơ bản đã được cấp nước, một số nơi chưa được cấp sẽ được xử lý tạm thời bằng xe téc để phục vụ người dân.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội.
“Chúng tôi xin nhận thiếu sót và rất mong người dân chia sẻ với thành phố, sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian khắc phục sự cố”, ông Nguyễn Quốc Hùng thay mặt lãnh đạo thành phố nhận lỗi với dân.
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hà Nội sẽ triển khai một loạt các biện pháp cả trước mắt và lâu dài. Trước tình huống mất nước bất khả kháng hiện nay trong khi đường ống số 2 của Vinaconex chưa được khởi công, thành phố Hà Nội quyết định giao các đơn vị liên quan của thành phố chủ động xây dựng một đường ống khẩn cấp, chuyển tiếp nước từ Hòa Lạc về khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia dài hơn 20km để chia sẻ, giảm áp với đường ống số 1 của Vinaconex. Thời gian hoàn thành đường ống khẩn cấp là 3 tháng với công suất khoảng 80 - 100 nghìn m3 nước sạch/ngày đêm.
Thông tin thêm về đường ống khẩn cấp của Hà Nội, ông Nguyễn Bảo Vinh, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho biết, đã nhận được sự đồng ý về chủ trương của UBND thành phố về việc xây đường ống mới. Hiện đang lấy ý kiến tư vấn, nhà chuyên môn. “Dự án sẽ được hoàn thiện trong vòng 90 ngày”, ông Vinh khẳng định.
Cùng với đó, Hà Nội đang tiếp tục đôn đốc Vinaconex thực hiện khẩn trương tuyến đường ống số 2 để chia sẻ với tuyến ống có sẵn, và nhanh chóng nâng cấp giai đoạn 2 nhà máy nước mặt sông Đà.
Người dân xếp xô lấy nước từ xe bồn tại ngõ 61 Nguyễn Văn Trỗi, Phương Liệt,
Thanh Xuân, Hà Nội như thời bao cấp (trưa 18/8). Ảnh: Nguyễn Tuấn.
Một giải pháp cấp bách nữa cũng được đưa ra là triển khai nâng cấp sản lượng của nhà máy nước mặt Bắc Thăng Long - Vân Trì, thêm được khoảng 30.000m3/ngày đêm, khoảng tháng 3/2016 sẽ đưa vào khai thác sử dụng, đủ cho Cty nước sạch Hà Nội cung cấp lượng nước đang bị thiếu cho địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.
Về giải pháp lâu dài, trong tháng 10/2015, Hà Nội sẽ khởi công nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000 m3/ngày đêm, thời gian thi công khoảng 2 năm. Dự kiến, cuối năm 2017, đầu 2018 thành phố sẽ có thêm được nguồn nước mặt sông Hồng, cấp bù cho lượng nước thiếu hụt, với mục tiêu đảm bảo đủ nước cho nhân dân Thủ đô.