Sợ - Dân Làm Báo

Sợ

Từ Thức (Danlambao) - Một bên là những người tay không. Một bên là một lực lượng đàn áp hùng hậu, tàn bạo hơn thú dữ. Trước cái can đảm phi thường của dân Hong Kong, người ta đặt câu hỏi: họ có biết sợ không? Denise Ho, một trong những lãnh tụ Hong Kong trả lời: trước đây, chúng tôi đã sợ hậu quả của sự im lặng, ngày nay chúng tôi không biết sợ nữa.

Sợ là một tình cảm tự nhiên. Người xưa tóm tắt tình cảm của con người bằng bốn chữ: hỉ, nộ, ái, ố. Có lẽ phải thêm chữ thứ năm: sợ. Sợ là một phản ứng tự vệ, để sống còn. Con nai không biết sợ sẽ làm mồi cho cọp, báo. J.P Sartre: "những người không biết sợ không phải là những người bình thường. Không liên hệ gì tới sự can đảm". Francois Mitterrand: "can đảm là chế ngự cái sợ, không phải là không biết sợ", không nói khác gì hơn Nelson Mandela: "Tôi hiểu được can đảm không phải là không biết sợ, nhưng là khả năng chiến thắng sự sợ hãi".

Không có thời giờ

Denise Ho và những người xuống đường Hong Kong đã chế ngự được cái sợ công an, cảnh sát, súng đạn hay cả cái chết, vì có cái sợ lớn hơn: sống suốt đời dưới ách Trung Cộng. Khi đã lâm cuộc, cái sợ biến mất, hay giảm đi. Ngạn ngữ La mã: cái can đảm tăng lên, khi người ta dám hành động; cái sợ tăng, khi người ta do dự. 

Aissatou Barry nói: tôi không có thời giờ để sợ. Aissatou là một thiếu nữ 12 tuổi, người Guinée, sáng lập và đứng đầu một tổ chức chống tệ nạn gả bán các bé gái vị thành niên. Aissatou quên sợ, khi tay không, tới đám cưới các thiếu nữ vị thành niên để phản đối, gây rối loạn, ăn đòn, cho tới khi cảnh sát phải can thiệp. Và cảnh sát bắt buộc phải hủy bỏ đám cưới, vì luật Guinée ngày nay 

đã cấm hôn nhân vị thành niên. Aissatou đã cứu được 9 bé gái, trong một nước 52 phần trăm thiếu nữ vẫn bị gả bán khi chưa tới tuổi trưởng thành. 

Aissatou bắt đầu hoạt động khi một bạn học cùng tuổi bị ép bỏ học để lấy một ông chồng già. Cái bất bình, và tình thương bạn lớn hơn cái sợ 

Bạo lực và kinh hoàng

Võ khí của các chế độ độc tài là bạo lực. Mục đích của bạo lực là phủ cái kinh hoàng lên khắp xã hội để người dân sợ. Sợ tới độ không dám chống đối, không dám nhìn, nghe, nói, không dám có ý kiến riêng, không dám suy nghĩ nữa. René Lenoir: "Khi một cá nhân sợ, họ trao tự do của mình cho một chính quyền mạnh, trở thành hoàn toàn vô trách nhiệm". (Lorsque les individus ont peur, ils abandonnent leur liberté à un pouvoir fort, ils se déresponsabilisent totalement). Cá nhân khi đó khoán trắng đời mình cho nhà nước, trở thành hoàn toàn thờ ơ, và từ đó đi tới vô cảm. Người Việt không sinh ra vô cảm, người Việt trở thành vô cảm.

Khi bạo lực là một quốc sách, thực hiện quy mô, trong gần một thế kỷ như ở Việt Nam, cái sợ trở thành bản năng, một nghệ thuật sống, một cá tính của dân tộc. Một nhà văn nói thay mọi người, những ngày cuối đời: tôi còn sống vì biết sợ. 

Khi biết sợ trở thành một túi khôn, một phản ứng tự nhiên để sống còn, một nhân sinh quan, một triết lý sống của người dân, tập đoàn cầm quyền có thể thoả mãn: họ đã thành công trong kế hoạch trồng người. Đã đặt một nền tảng vững chắc cho chế độ Một người VN khi muốn làm một cái gì để cải tiến xã hội, sớm muộn gì cũng được nghe lời khuyên, chí tình, của một người thân: Cộng Sản nó mạnh lắm, không làm gì được nó đâu. 

Câu khuyên bảo khôn ngoan đó là trạng thái tâm hồn của một dân tộc, là kết quả của một chính sách đại quy mô. 

Người Hong Kong không nói: Cộng Sản nó mạnh lắm, không làm gì được nó đâu, mặc dầu Cộng Sản Tàu mạnh gấp ngàn lần CS Việt Nam, và dân VN đông gấp 14, 15 lần dân Hong Kong. Bởi vì Cộng Sản Tàu chưa có thời giờ reo rắc cái kinh hoàng tại Hong Kong.

Độc tài và kinh hoàng là hai yếu tố đi liền với nhau, không thể tách rời. 

Từ Cách mạng Pháp 1789 tới nazi Đức, phát xít Ý, và các chế độ Cộng Sản, bao giờ reo rắc kinh hoàng cũng là phương pháp duy nhất để nắm quyền, nhất là để củng cố quyền lực. Người ta có thể đến với cách mạng qua lý tưởng, nhưng sống chết với "cách mạng" vì sợ. 

Người Cộng Sản đã lý thuyết hoá việc reo rắc kinh hoàng và thực hiện một cách hữu hiệu lý thuyết đó. Hữu hiệu và đẫm máu: trên dưới 100 triệu người bỏ mạng. Marx và Engels đã khai sinh, và Engels tiếp tục biện minh cho ý niệm độc tài vô sản. Ông trùm Cộng Sản Lev Kamenev quả quyết việc tiêu diệt tận gốc rễ các lực lượng đối lập là phương tiện duy nhất để duy trì cách mạng. Lénine nói những chế độ Cộng Sản bền vững là những chế độ có khả năng tận diệt, không đắn đo, do dự, các phần tử chống đối. 

Staline, và ngay cả Lénine trước đó, Mao, Pol Pot đã thực thi triệt để lý thuyết trên. Những người CS Việt Nam được Nga, Tàu huấn luyện, cũng thực hiện kế hoạch reo rắc kinh hoàng trong suốt những thập niên vừa qua. Chưa nói tới chống đối, mỗi khi có sự hoài nghi, có chút nản lòng, có dấu hiệu mệt mỏi trong xã hội, nhà nước phát động những chiến dịch kinh hoàng, hết Cải cách ruộng đất tới Nhân Văn Giai. 

Phẩm. Cũng chỉ là học sách vở của Mao, hết kế hoạch nhảy vọt tới Cách mạnh văn hoá. Phải đè nặng cái sợ trên đầu dân. 

Ngày nay, cái gọi là toà án nhân dân ban phát 10, 15 năm tù, bản án dành cho những kẻ cướp của giết người ở những xứ văn minh, cho những người nghĩ khác tập đoàn cầm quyền, cũng không có mục đích gì khác hơn là reo rắc khủng bố, duy trì cái sợ. Như ngày xưa, người ta bêu đầu phạm nhân giữa chợ để răn trăm họ. 

Sợ nhà nước

Để sống còn, phương tiện duy nhất của người dân là cái sợ. Cái sợ trở thành một bản năng. Đúng hơn là cái sợ chính quyền, ngay cả ở những người không biết sợ, không phải vì can đảm, nhưng vì vô ý thức. Đó không phải là một cái sợ bâng quơ, nhưng là cái sợ guồng máy đàn áp của chính quyền. 

Rất nhiều người VN đứng hồn nhiên coi gỡ mìn, chở mìn trên xe đạp, nghĩa là coi mạng sống của mình không đáng một xu, nhưng không hề, không dám phản đối khi bị nhà nước cưỡng bức. Không dám tỏ một thái độ chống nhà nước, dù rất bất mãn, uất ức Nhiều nạn nhân bị cán bộ cướp vườn, cướp ruộng, tuyệt vọng, mổ bụng tự tử, sau khi giết cả vợ con, nhưng không đụng tới chân lông bọn cầm quyền lộng hành. Cái sợ nhà nước đã ăn sâu vào tiềm thức, không rời bỏ được, ngay cả khi không còn gì để sợ nữa. 

Khi hết sợ, người ta trở thành một người tự do. Biết phẫn nộ trước những bất công, bất bình trước những cái trái tai gai mắt. Khi người ta tìm lại được những tình cảm tự nhiên, người ta bừng tỉnh, hết muốn làm nô lệ. Gandhi: khi một người quyết định không muốn làm nô lệ nữa, xiềng xích đã đứt. 

Cởi bỏ cái sợ là bước đầu của mọi thay đổi, nhưng làm cách nào gột rửa được cái sợ đã ăn sâu vào xương tuỷ qua nhiều thế hệ, để trở thành dân tộc tính? Lại trở lại công thức La Mã: người ta hết sợ khi hành động. Hay nói như người Pháp: l’appétit vient en mangeant. Cứ ăn đi, cái ngon sẽ tới. Khởi đầu bằng những hành động ít nguy hiểm nhất, thí dụ tranh đấu cho môi trường, hay chống lại những chuyện trái tai gai mắt trong đời sống thường nhật. 

Cái sợ giảm đi khi người ta không đơn độc. Chính vì vậy mà "tụ tập đông người" là một cái tội trong xã hội Cộng Sản. Cấm tụ tập đông người, không phải sợ gì vài chục người, nhưng sợ cái sợ của người dân sẽ giảm đi. Chính vì vậy mà phải vu cáo, nhục mạ, đánh hội đồng để cô lập hoá những người chống đối. Trong bối cảnh đó, không thể không khâm phục những người tại quốc nội, đã chế ngự được cái sợ, để tranh đấu cho quyền làm người, cho sự mất còn của đất nước. 

10/10/2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo