Hỗ trợ tài chánh là một phần của việc góp sức vào công cuộc chung - Dân Làm Báo

Hỗ trợ tài chánh là một phần của việc góp sức vào công cuộc chung

Dân Làm Báo - Những phản hồi của bạn đọc trong thôn trong các bài viết của các tác giả Nguyễn Ngọc Già, Nguyên Thạch, Vũ Đông Hà cho thấy đa phần chúng ta, bất kể đang sống ở đâu, đều muốn đóng góp vào việc hỗ trợ tài chánh cho những hoạt động tại Việt Nam - bên cạnh những đóng góp khác. Hoạt động tài chánh có nhiều đòi hỏi phức tạp và kiến thức chuyên môn. Chúng ta hầu hết đều không được học ở trường lớp về lãnh vực này. Chúng ta vừa tự tìm tòi, học hỏi ở nhau và vừa học vừa làm. Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn một số quan điểm, góp ý trong những giới hạn đó.

Trước hết, rất nhiều phản hồi của bạn đọc mong muốn có cơ hội được đóng góp ngay - Đừng nói nhiều nữa. Đồng ý với các bạn. Điều ấy các bạn có thể thực hiện ngay bây giờ. Hiện tại đã có nhiều tổ chức, quỹ hỗ trợ của người Việt Nam đang hoạt động

Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta không nắm rõ thông tin. Điều mà Dân Làm Báo cùng với các bạn có thể làm thêm là:

1. Các bạn đọc gửi thông tin dữ kiện về những tổ chức này.

2. Các tổ chức có thể gửi bài giới thiệu về hoạt động của mình để Dân Làm Báo góp tay phổ biến thông tin đến bạn đọc để đóng góp, hỗ trợ.

3. Trong vòng một tuần, Dân Làm Báo sẽ tổng hợp thông tin, đăng tải để mỗi người có thể tự tìm hiểu thêm và quyết định đóng góp.

Như vậy chúng ta xong phần làm ngay cho những gì hiện đang có. Chúng ta có thể ngưng những thảo luận về những gì đã có. Phần kế đến là việc có được thêm một loại "NGO" tài chánh chuyên nghiệp, có tầm vóc và có thể hoạt động thành công dài hạn.

I. Về vai trò và vị trí của Danlambao

Trước hết, Dân Làm Báo cần xác định ngay từ đầu cùng các bạn trong thôn về vị trí của mình: Dân Làm Báo không là tập hợp tốt nhất để trở thành một tổ chức về tài chánh, trực tiếp nhận hỗ trợ từ đám đông và sau đó điều hành quỹ tài chánh.

Lý do:

- Một NGO tài chánh với mục tiêu hỗ trợ tài chánh CHO NHIỀU HOẠT ĐỘNG, NHIỀU TỔ CHỨC KHÁC NHAU nên là một tổ chức độc lập.

- Một NGO tài chánh không nên vừa là một tổ chức hoạt động (thí dụ trong trường hợp DLB đang hoạt động trong lãnh vực truyền thông, có nhu cầu tài chánh cho những hoạt động của chính mình) vừa là tổ chức quyết định tài trợ tài chánh cho các tổ chức khác (trong đó cũng có những tổ chức hoạt động cùng lãnh vực với mình).

Bên cạnh những lý do chính yếu đó, Dân Làm Báo muốn chia sẻ thân tình cùng các bạn trong thôn về hoàn cảnh thực tế:

- 24 giờ một ngày, 365 năm ngày của một năm, DLB phải chu toàn trách nhiệm đối với bạn đọc cho công việc truyền thông. Chừng đó cũng đủ để... ngất ngư. Thêm việc đứng ra thành lập và điều hành một NGO chuyên nghiệp thì DLB sẽ chết. Chắc chắn chết!!! (phải in đậm cho nó... chắc).

- Những thành viên DLB là những người hoạt động về truyền thông, không có đủ kiến thức để điều hành một NGO tài chánh. Đứng ra nhận lãnh trách nhiệm này sẽ phụ lòng tin cậy của những người đóng góp và vô tình làm hại cho nỗ lực chung.

- Hầu hết thành viên và cộng tác viên thường trực của DLB là những người đang hoạt động tại Việt Nam và đối diện với nhiều khó khăn thử thách. Thêm lãnh vực hoạt động về tài chánh sẽ gia tăng đe dọa cho các thành viên. Điểm mấu chốt là "người ta" có thể lạm dụng pháp luật, đưa ra những đòi hỏi về sự minh bạch, bảo vệ lợi ích nhân dân... để dùng đó là những lý cớ cho việc điều tra nhằm biết rõ những hoạt động của DLB trong lãnh vực truyền thông.

3 điều trên, DLB tin rằng cũng có điều hay hết cả 3 sẽ xảy ra cho những tổ chức hoạt động khác. Đối với những tổ chức đó, chúng ta KHÔNG NÊN thay vì hỗ trợ cho những hoạt động của họ về mặt tài chánh, tiếp sức cùng họ trong những hoạt động về xã hội dân sự, nhân quyền, dân chủ thì lại chồng thêm gánh nặng cho họ khi muốn họ đứng ra nhận lãnh công việc này.

Về phần các anh chị em trong Danlambao, chúng tôi sẽ cùng các bạn góp phần đóng góp trong khả năng, kiến thức có được cho ước muốn chung của nhiều người. 

II. Về việc NGO và tài khoản nên được thành lập ở đâu?

Một NGO tài chánh sẽ bị nhà nước (sở thuế) thanh tra bất cứ lúc nào mà không cần lý do. Điều này xảy ra cho hầu hết các quốc gia trên thế giới. Những năm sau này, ngay ở những nước dân chủ, các tổ chức tài chánh bị đặc biệt lưu ý và thanh tra thường xuyên vì 3 lý do chính:

- Trá hình cho những hoạt động tài trợ khủng bố.
- Trá hình cho hoạt động rửa tiền.
- Bình phong và phương tiện để lừa đảo người đóng góp.

Khi thanh tra, mọi hoạt động, mọi chi thu, ai đóng góp - tên, tài khoản, số tiền, ai nhận sẽ nằm trong tay bộ phận thanh tra. Ở những nước dân chủ, nhà nước có nghĩa vụ phải bảo mật những thông tin này, nếu không sẽ đối diện với truyền thông tự do và nền pháp lý công minh. Tại Việt Nam, điều gì sẽ xảy ra với tổ chức tài chánh, với những tổ chức nhận tài chánh, với những người đóng góp qua tài khoản ngân hàng...? Có lẽ đến giờ này, mỗi chúng ta đều có câu trả lời chính xác.

Do đó, Danlambao nghĩ rằng có nhiều bất lợi và rủi ro nếu NGO được thành lập và điều hành ngay tại Việt Nam.

III. Để thành lập và điều hành một NGO ở ngoài Việt Nam

Danlambao xin được góp ý kiến về việc thành lập một tổ chức hỗ trợ tài chánh có tầm vóc, có tổ chức và chuyên nghiệp.

1. Những yêu cầu sơ khởi:

Một số bạn có ý kiến chỉ cần một cá nhân đến ngân hàng mở trương mục, thông báo trương mục để mọi người đóng góp là xong. Một NGO tài chánh không đơn giản như việc mở một trương mục cá nhân. Những yêu cầu sau đây (và còn nhiều yêu cầu khác mà chỉ những người chuyên môn biết rõ) phải được chu toàn trong đó có:

- Tên của tổ chức.
- Điều lệ, nội quy, lãnh vực hoạt động.
- Thành phần Hội Đồng Quản Trị.
- Mở trương mục theo hình thức một công ty hay một tổ chức vô vụ lợi. (Để thực sự được hưởng quy chế vô vụ lợi, người đóng góp được trừ thuế như tại Hoa Kỳ, phải cần một thời gian hoạt động, làm đơn, duyệt xét... mới có được).
...

Do đó, bước đầu tiên không phải chỉ cần có người đi đến nhà băng mở trương mục là xong. Để có tên tổ chức, điều lệ... ai là người quyết định? Chúng ta có thể góp ý, bàn thảo với nhau trên mạng nhưng cuối cùng phải có một nhóm người. Nhóm người đó là Nhóm khởi xướng hay Sáng lập viên.

Nhóm khởi xướng phải chọn tên gọi để NGO có thể hoạt động và phát triển mạnh. Đây là quyết định chiến lược đầu tiên:

- Cần có tầm nhìn xa để biết trước những lãnh vực hỗ trợ trong tương lai. Thí dụ như phải biết trước nếu dùng tên "Dân chủ cho Việt Nam" thì có thể không hợp lý và khó khăn (đối với người đóng góp và ngay cả với chính phủ của quốc gia nơi đăng ký) khi hỗ trợ cho một Chương trình vinh danh những Thương Phế Binh. Hay ngược lại, tên gọi cần hợp lý để bao gồm những hoạt động cho Dân chủ, Nhân quyền...

- Nhóm khởi xướng cũng có tầm nhìn để biết trước nguồn đóng góp trong tương lai không chỉ đến từ cá nhân mà NGO của mình còn có thể xin tài trợ từ các tổ chức quốc tế, NGO, foundation và các chính phủ khác. Tên gọi là gì để có thể dễ dàng xin nhiều nơi. Một tổ chức NGO chuyên hỗ trợ về người phụ nữ thiểu số sẽ lưỡng lự khi hỗ trợ cho một tổ chức mà tên gọi bị hiểu (lầm) là chỉ hoạt động cho dân chủ. Do đó, tên gọi cần phải như thế nào để có không gian hoạt động hữu hiệu và đáp ứng nhu cầu đa dạng của Việt Nam.

- Tên gọi cũng là một thương hiệu, logo cũng là một thương hiệu. Tên đó đã có người khác đăng ký dùng chưa, có dung hòa và "ăn khách" với số đông cả người Việt ở Việt Nam, ở nước ngoài và cả với người ngoại quốc... Nó là một phần của những suy nghĩ, quyết định từ ban đầu ảnh hưởng rất lớn lên đường dài phát triển.

Từ tên gọi đó sẽ có dẫn đến mục tiêu hoạt động, lãnh vực hoạt động, điều lệ hoạt động. Đôi khi, sau khi soạn thảo xong mục tiêu, lãnh vực thì tên gọi mới thực sự chính thức ra đời để phản ảnh đúng mục tiêu và bản chất hoạt động của NGO.

Câu hỏi tiếp được đặt ra: Làm thế nào có được những thành viên sáng lập để thực hiện và có được những yêu cầu trên trước khi đăng ký thành lập NGO và mở trương mục tại ngân hàng?

2. Vận động thành lập Nhóm Khởi Xướng 

Chúng ta biết rõ, mọi ý kiến đều đi vào quên lãng nếu không có những người thực sự đi đầu. Và cũng sẽ không có nhiều cá nhân xung phong nếu không có sự vận động. Nhiều bạn có đề nghị một số cá nhân và trông chờ ai đó tiếp thu ý kiến của mình để liên lạc, xác suất cao là những đề nghị ấy cũng vẫn là đề nghị của bạn. Nếu trông chờ vào 1, 2 cá nhân đi vận động thì chúng ta cũng khó thành công - chuyện này chỉ xảy ra khi có vài cá nhân muốn và xem việc thành lập một NGO là công việc toàn thời gian, là sự nghiệp của mình.

Do đó chúng ta cần có nhiều người trong thôn, đồng ý với nhu cầu quan trọng, thôi thúc vì muốn đóng góp... thực sự đi vận động. Các bạn có thể thông báo cho thôn dân biết mình sẽ đi vận động và qua Danlambao các bạn có thể liên lạc riêng với nhau để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Có nhiều quan điểm về vai trò, chức năng của những người sáng lập. Một số bạn đề nghị một số nhân vật nổi tiếng, đang hoạt động năng nổ và đóng góp rất nhiều. Thực tế, những người này thường đã "quá tải". Nếu nhận lời thường là nhận lời theo hướng "đứng tên vào danh sách". Và nếu thế thì những công việc trong phần "Những yêu cầu sơ khởi" vẫn không có ai làm.

Danlambao xin đưa ra một phương hướng như sau:

- Các bạn đọc khắp nơi, tiếp xúc và vận động tại thành phố của mình những cá nhân thành công trong sự nghiệp, có tư cách, quan tâm đến tương lai của đất nước, hỗ trợ dân chủ và không chấp nhận độc tài. Người đó không là người đang hoạt động cho một đảng phái.

- Trình bày nhu cầu, mục tiêu, tầm vóc muốn nhắm đến của NGO để thuyết phục họ trở thành một thành viên sáng lập, là những người tiên phong làm nên một NGO chuyên về tài chánh của người Việt Nam.

- Nếu đồng ý, cá nhân đó là người đóng góp đầu tiên cho NGO. Xin phép lấy con số $US5000 như là chỉ một thí dụ. Sự đóng góp này chứng minh được thái độ và ý muốn thực sự gầy dựng NGO.

- Nếu có 100 bạn đọc biến ước muốn thành hành động vận động và chỉ cần 5% thành công, chúng ta có được 5 người đồng ý là chúng ta có được một Nhóm sáng lập với số lượng thành viên tối thiểu với  quỹ điều hành ban đầu là $US25000.

Xin được nói thêm 1 số điều ở đây:

- Sự vận động khắp nơi, dẫn đến một nhóm sáng lập với những thành viên "ngẫu nhiên", độc lập sẽ giúp cho sự cân bằng, giảm thiểu nạn bè phái...

- Uy tín của thành viên sáng lập từ đầu có thể bị đặt nghi vấn bởi vì không được biết đến nhiều. Chúng ta quen với hình ảnh những người đã "nổi tiếng" và thường có khuynh hướng dễ dàng chấp nhận và hỗ trợ những người nổi tiếng. Tuy nhiên, uy tín thật sự sẽ không là "danh tiếng" qua dư luận. Uy tín thật sự cần thời gian, đến từ thành quả đóng góp và sự minh bạch trong hoạt động.

3. Vai trò của thành viên sáng lập và quỹ điều hành ban đầu

Đến đây, chúng ta quay ngược lại phần "Những yêu cầu sơ khởi" để thấy con số $25000 là quỹ điều hành ban đầu và vai trò của nó. Từ đó có thể thấy được vai trò, trách nhiệm của thành viên sáng lập.

Chúng ta thường vô tình gom chuyện khởi xướng, thành lập và điều hành thành một. Điều này trên thực tế dẫn đến tình trạng bất khả thi vì ít ai làm được hết tất cả. Những thành viên sáng lập là những người thành công trong sự nghiệp riêng, hoặc đã đang tham gia hoạt động trong một lãnh vực nào đó tại cộng đồng đang sinh sống. Do đó, họ có khả năng tài chánh nhưng không có thì giờ. Bên cạnh đó, họ không phải làm những người chuyên môn về luật, đăng ký, sổ sách và điều hành. Họ chỉ phải làm một số công việc rất quan trọng nhưng ngắn hạn trong thời gian ban đầu:

a. Xác định tên gọi, điều lệ, nội quy, phạm vi hoạt động... như đã trình bày ở trên.

b. Thành lập Hội Đồng Quản Trị. Những thành viên sáng lập có thể là thành viên của HĐQT hay những người khác mà thành viên sáng lập quyết định muốn mời thêm.

c. Cho việc thành lập NGO:

- Mướn người chuyển dịch mọi tài liệu, giấy tờ từ tiếng Việt sang tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của quốc gia đăng ký.

- Mướn luật sư, người chuyên môn để làm thủ tục đăng ký, thành lập NGO theo đúng quy trình pháp lý.

- Mướn người thiết lập Website, thiết kế logo, design tài liệu.

...

d. Cho việc điều hành NGO:

* Mướn một người điều hành. Ban đầu là bán thời gian để điều hành toàn bộ hoạt động của NGO bao gồm (nhưng không là tất cả): Soạn kế hoạch cho những chương trình gây quỹ; Soạn những mẫu đơn, mẫu báo cáo, giao kèo tiêu chuẩn cho phía xin tài trợ; Duyệt xét, quyết định hỗ trợ; Theo dõi hoạt động của xin tài trợ qua thông tin mạng, báo chí; Báo cáo định kỳ với HĐQT và công chúng; Cập nhật trang Web...

Tới giai đoạn đi vào hoạt động, gần như toàn bộ trách nhiệm điều hành thuộc về người giám đốc /ban điều hành, làm việc có lương, do HĐQT quyết định và có quyền sa thải bất cứ lúc nào.

Vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của HĐQT và người điều hành được định ra trong nội quy, điều lệ của NGO và được công bố đến với công chúng.

IV. Kết luận:

Tóm lại, quy trình được gom lại như sau: Vận động => Thành phần Sáng Lập + quỹ hoạt động ban đầu => HĐQT + Tên gọi, nội quy, điều lệ => mướn người chuyên môn tiến hành thủ tục pháp lý, thành lập => xây dựng ban điều hành chuyên nghiệp.

Vấn đề thành lập NGO phức tạp và đòi hỏi chuyên môn nếu chúng ta muốn phát triển đường dài, được tin cậy và thành công. Danlambao xin ngừng lại ở đây mà không đi vào lãnh vực NGO hoạt động như thế nào sau đó vì đó là phạm vi, trách nhiệm của HĐQT và Ban Điều Hành của NGO sau này. Danlambao chỉ xin nhấn mạnh mấu chốt của vấn đề mà chúng ta cần cùng nhau thực hiện: Có được 1 nhóm sáng lập và đóng góp cho quỹ hoạt động ban đầu. Khi có quỹ hoạt động, những việc làm sau đó - từ đăng ký cho đến điều hành sẽ được thực hiện bởi những người chuyên môn, có lương hay thù lao theo đề án. Điều này giúp chúng ta tránh những khó khăn, trì trệ khi tiến hành mọi sự dựa trên tinh thần thiện nguyện. Thành lập và điều hành một NGO dù vô vụ lợi cũng không khác gì một công ty. Nó cần được chuyên nghiệp.

Các bạn trong thôn quý mến,

Chúng ta có thành công hay không? Điều đó không một cá nhân nào có thể trả lời vì đây là nỗ lực tập thể. Với số lượng hàng ngàn bạn đọc, nếu có được 100 bạn chỉ làm công việc duy nhất là tiếp xúc vận động có người đồng ý là thành viên sáng lập và chỉ cần 10 bạn thành công thì Dân Làm Báo tin rằng chúng ta sẽ thành công cho những bước sau. Và sau này, nếu... trời thương, bên cạnh nhiều tổ chức, quỹ hỗ trợ đang có, chúng ta có thêm một NGO tài chánh lớn, được sáng lập và điều hành bởi những người không phải là chúng ta, nhưng chúng ta vẫn hãnh diện rằng mình đã đóng góp phần nhỏ nhoi của mình trong giai đoạn nó... chưa ra đời.

Nếu bạn đồng ý, Dân Làm Báo chỉ mong nhận được từ bạn 2 tin vui:

Tin vui 1: Tôi... đang sống tại thành phố, quốc gia sẽ tiếp xúc, trình bày và thuyết phục một (hay nhiều) người trở thành thành viên sáng lập.

Tin vui 2 (trong 1-2 tuần sau): Tôi đã vận động thành công một người đồng ý là thành viên sáng lập. Người đó là... đang cư ngụ tại thành phố, quốc gia.

Mong đón nhận được tin vui từ các bạn.



_____________________________________

Bài liên quan đã đăng:


* Để sự góp ý được tập trung, xin các bạn phản hồi liên quan đến đề tài.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo