Nguyễn Trung Tôn (Danlambao) - “Sáng thịt, chiều rau, ốm đau báo thuốc”. Đây là câu tuyên truyền của các cán bộ dành cho các thân nhân bị can ở trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ an (Trại giam Nghi Kim) mà hầu hết các thân nhân đều được nghe. Các bị can hầu như có thể ai cũng thuộc.
Họ nói rất đúng không hề sai đâu!
Sáng khoảng 9h chúng tôi đã được nhận cơm trưa. Cơm được đựng trong chiếc gô nhựa có đậy nắp, mở nắp ra sẽ thấy một miếng thịt lớn bằng 2 ngón tay, dày hơn lưỡi lam cạo râu khoảng 5 lần và một ít nước có chế chút bột màu vàng vào, (gọi là nước thịt) những cũng có khi còn có khi không, vì trong quá trình vận chuyển có thể đã bị đổ, có thể do ngăn đựng đồ ăn trong gô bị vỡ nên loại nước màu vàng đó đã chảy mất.
Buổi chiều thì vào khoảng 15 giờ chúng tôi được nhận rau, tùy theo mùa nào rau nấy. Nhưng đa phần là rau muống. Loại rau muống mà chúng tôi nhận có cả cái cả nước, ngọn vừa to vừa dài, trong rau có cả bèo tấm lại lẫn nhiều thứ cỏ, đôi khi có thêm một vài chú sâu to hoặc chú Đỉa. Chúng tôi vớt rau ra khỏi nước, cố gắng nhặt lấy những ngọn có thể nhai được, còn lại thì đổ vào sọt rác, nước luộc rau thì để trong chậu cho nó lắng thứ cặn bã màu đen xuống rồi chắt lấy nước trong, dùng thìa gợt những cánh bèo ra ngoài, bỏ chút bột canh vào để nuốt cho trôi miếng cơm. Có khi thì là canh củ đậu, nhưng nhà bếp chỉ đun nước sôi rồi đổ củ đậu vào và múc chia cho chúng tôi. Nước canh thì trong như nước uống, củ đậu lạt đớ không ai ăn được, nếu ai vì tiếc mà cố ăn thì phải chấm với đường; nhưng ăn nó vào thì tha hồ mà đi tiểu đêm. Vì vậy mà loại củ đậu này cũng thường được đổ vào sọt rác.
Cơm mà chúng tôi nhận mỗi xuất được lưng gô; theo cán bộ nói thì tiêu chuẩn cơm của chúng tôi là mỗi người được 0,5 kg, nhưng có ai có cân đâu mà biết chính xác đủ hay thiếu. Có lần tôi thắc mắc cơm ít quá, quan giáo đã mang cân lại cần trước cửa buồng tôi cho tôi chứng kiến và cả cậu nhà gánh cơm nhìn, thấy gô cơm cân được 4,5kg. Quản giáo đã cảnh cáo cậu này và yêu cầu lần sau phải lấy cơm vào gô cho đầy đủ. Loại cơm mà chúng tôi ăn có khi vàng, khi trắng, nhưng hầu hết mang một thứ mùi đặc trưng của gạo tồn kho quá hạn. Trong cơm có điểm thêm nhiều hạt thóc vàng hay đá sỏi. Bới vậy để có thể ăn được thứ cơm này; chúng tôi phải đổ từng gô ra chậu nhựa, dùng thìa đánh cho tơi rồi nhặt thóc và đá sỏi ra ngoài, vì cơm nhão nên muốn nhặt một hạt thóc thì nó lại dính theo mất ba hạt cơm. Nên thứ cơm này chúng tôi cũng đổ vào thùng rác. Thế mới có chuyện “Ở tù tạm giam mà cơn canh ăn thưa thải”.
Nói về ốm đau có thuốc thì cũng không sai! Mỗi buổi sáng sau khi mở cửa buồng giam thì quản giáo trực tiếp hoặc sai vệ sinh trưởng đi lấy danh sách các buồng xem có ai báo ốm đau gì thì ghi vào sổ và nộp cho các cán bộ bác sỹ bệnh xá. Buổi chiều, có bác sỹ trạm trưởng là thiếu tá Dũng, hoặc nữ bác sỹ - thiếu tá trạm phó tên Hoan dẫn theo một tù nhân tay xách theo khay thuốc, tới nhà giam. Nếu bị can nào chỉ báo cáo là mình bị các bệnh đơn giản như: đau đầu, đau bụng, cảm cúm thì sẽ nhận được hai loại thuốc, một loại màu vàng và một loại màu trắng, ai bị ho hay cảm cúm thì sẽ được vệ sinh trưởng hoặc người tù đi theo các bác sỹ, nhỏ vào mũi từ 2 tới 3 giọt “nước tỏi”, khi nhỏ loại nước vào, bị can sẽ hắt hơi liên tục và thế là khỏi bệnh. Bọn tù chúng tôi gọi thứ “nước tỏi” đó là “Nước tiểu bà Hoan”. Nếu như ai không may bị đau bụng đi ngoài hay ốm đau nặng, không phải chỉ đau đầu đau bùng đơn thuần thì quản giáo mở cửa cho ra ngoài để bác sỹ khám. Có lần tôi cảm thấy bên thận trái của mình đau, lại thêm lồng ngực tôi cũng vậy (do trước khi bị bắt, tôi vừa phải chịu một trận đòn nhừ tử bởi bọn Công an, đầu gấu vào hôm đi tổ chức lễ giáng sinh). Bệnh viện kết luận tôi đã bị tổn thương phổi. Tôi xin được ra khỏi buồng giam để nhờ bác sỹ khám thử xem sao. Những người ra gặp bác sỹ Dũng khám bệnh, phải xếp hàng đứng cách xa ông khoảng 3m. Gọi tới ai thì tiến lại gần để bác sỹ khám bệnh.
Tôi chứng kiến cách khám bệnh của bác sỹ Dũng và có nhận định: Ông còn giỏi hơn cả các ngự y thời phong kiến Trung Quốc rất nhiều!
Bác sỹ Dũng ngồi trên ghế, bệnh nhân khúm núm đứng cách khoảng 1m trước mặt, bác sỹ.
Bs hỏi: Bệnh gì?
Bn: Dạ thưa ông; Con bị đau bụng đi ngoài.
Bs: Bị lâu chưa?
Bn: Dạ từ tối hôm qua ạ!
Bs: Vậy đi mấy lần rồi?
Bn: Dạ từ đêm tới giờ con đi khoảng 7-8 lần ạ!
Bs kết luận: Như vậy thì hết phân rồi còn gì! Vào đi! Đi hết phân là khỏi thôi mà!.
Người tiếp theo được gọi bước tới. Cũng những câu hỏi tương tự.
Bs: Bệnh gì?
Bn: Dạ thưa cán bộ con bị đau bụng đi ngoài ạ!
Bs: Bị lâu chưa?
Bn: Dạ thưa từ tôi qua tới giờ ạ!
Bs: Đi mấy lần rồi?
Bn: Dạ thưa khoảng 3-4 lần ạ!
Bs: Không sao đâu! Như vậy là bình thường thôi mà! Tối nay đi thêm vài lần nữa sẽ khỏi.
Lại tới người khác tiếp theo.
Bs: Bệnh gì?
Bn: Dạ con thấy đau trong vùng bụng, tức khó chịu, mỗi khi ho hay thấy nhói đau ạ!
Bs: Anh đau chỗ nào chi tay vào đó tôi xem!
Bn: Chỗ này ạ! (Lấy tay chỉ vào chỗ đau).
Bs: Chỗ này có đau không? Chỗ này thì sao? (Đưa chân lên lấy mũi dầy nhúi nhúi vài cái vào nơi bệnh nhân chỉ)
Nếu không dùng mũi dầy thì bác sỹ cầm cây bút trên tay, lấy bút nhúi nhúi vài cát và kết luận: Bệnh này không chết được đâu về buồng đi!
Bác sỹ bảo người tù đi cùng, gói vài viên thuốc Vàng vàng, trăng trắng gì đó đưa cho bệnh nhân rồi trả vào buồng giam.
Tôi đứng sau cùng để có cơ hội quan sát. Bác sỹ khám nhiều loại bệnh chỉ bằng mũi dày và chui bút mà phát chóng cả mặt.
Tới lượt tôi!
Bs: Bệnh gì?
Tôi: Dạ tôi thấy đau ngực khó thở và hình như Thận cũng bị đau nên thắt lưng đau lắm ạ!
Bs: Bị lâu chưa?
Tôi: Dạ tôi bị đau ngực trước khi vào đây; do bị Công an và côn đồ đánh ạ!
Bs: Sao lại bị đánh?
Tôi: Dạ tôi đi tổ chức lễ mừng Chúa giáng sinh nhưng họ không cho nên họ đánh ạ!
Bs: Thế đã khám ở bệnh viện chưa?
Tôi: Dạ chụp phim và có kết luận là bị tổn thương phổi ạ!
Bs: Thế thận bị lâu chưa?
Tôi: Dạ tôi chỉ đoán vậy thôi; ở nhà tôi không bị bệnh này, nhưng vào đây thì thấy dấu hiệu có thể là bệnh thận ạ!
Bs: Bệnh này là bệnh xã hội, hết án về xã hội mà chữa, ở đây không điều trị bệnh này! Riêng thận thì anh cứ ăn nhiều rau, uống nhiều nước vào là ổn! Thôi về buồng đi!
Tôi trở về buồng mà thấy ngao ngán, thề rằng sẽ không bao giờ báo ốm để ra khám bệnh nữa.
Tuy vậy nhưng cũng có lần ở nhà C2 trong thời gian kháng án, vào ban đêm, tôi đau đầu quá, phải nhờ anh em gọi cấp cứu, khoảng 30 phút sau có trực trại Lê Tuân Anh vào hỏi xem ai bị làm sao. Sau khi biết người bị bệnh là tôi, Trực trại đi gọi Nữ bác sỹ Hoan tới khám cho tôi. Cửa buồng mở ra, anh em trải một chiếc chiếu cho tôi nằm, Bác sỹ Hoan đo huyết áp cho tôi, sau đó đưa cho tôi một liều thuốc và yêu cầu tôi phải uống ngay. Tôi làm theo bà bảo, lại hỏi xin thêm lều nữa nhưng bà không đồng ý; mà bảo tôi: Nếu chưa thấy khỏi thì gọi tiếp tôi sẽ gửi thuốc cho chứ không cấp thuốc quá liều dùng. Tôi uống thuốc vào khoảng 30 phút nằm ngủ yên và thấy không còn đau nữa. Thì ra thuốc bà Hoan đưa cho tôi uống cũng có công hiệu thật chứ không phải loại vàng vàng, trăng trắng như thuốc phát hàng ngày!
Với môi trường sinh hoạt chật chội, nước nôi thiếu thốn, ăn uống mất vệ sinh như vậy, lại thêm lối “chăm sóc sức khỏe đặc biệt” của trại giam như trên thử hỏi có ai sau khi ở nhà tù trở về mà lại không mang trong mình bệnh tật đủ loại!?
Nhưng hình thì câu tuyên truyền của trại giam là “Sáng thịt, chiều rau, ôm đau báo thuốc” vẫn có sức thu hút! Hàng ngày đoàn người vẫn kéo vào đấy để “được hưởng chế độ của Nhà nước”. Không ngày nào là ngày mà trại giam không tiếp nhận bị can mới vào.
Tôi viết lại câu chuyện này để các độc giả trong và ngoài nước, đặc biệt là những thân nhân của các tù nhân được rõ và hãy cùng nhau lên tiếng đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam phải có chính sách cụ thể để cải thiện cuộc sống chốn lao tù tốt hơn. Có cải thiện được môi trường sống và thái độ đối xử của các cán bộ công an trong nhà giam thì mới có thể cảm hóa được lương tâm của những người đã từng lầm lỡ (trong số đó không bao gồm tôi và những người yêu nước).
Thanh Hóa ngày 21/8/2014
____________________________