Vũ Đông Hà (Danlambao) - "Thay vì mình nhận chìm vật chất sau nạo vét như thế thì có thể chọn nhiều giải pháp khác nữa, chứ không nhất thiết phải nhận chìm ra biển. Chẳng hạn sử dụng nó làm kè để chống sạt lở bờ biển..." (1)
Tuyên bố trên của Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận xem ra rất hợp tình, hợp lý, nhưng cũng chính vì sự hợp tình/lý ấy lại làm lộ rõ toàn bộ màn lừa đảo có hệ thống của Bộ Tài Môi, Cty Vĩnh Tân và các quan chức Bình Thuận.
1. Nếu toàn bộ 1 triệu m3 gồm 80% cát, 20% bùn thì đúng ra ngay từ đầu đã phải thực hiện phương án đơn giản, có lợi, không làm hại môi trường sinh thái biển như Nguyễn Mạnh Hùng đến bây giờ mới đề nghị.
2. Ngược lại Cty Vĩnh Tân đã cấu kết với Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam để thảo ra một bản dự án mạo danh 3 chuyên gia đứng tên trong thành phần soạn thảo là Ts Nguyễn Tác An, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm và Thạc sĩ Lê Thị Vân Linh (2). Tại sao?
3. Việc mạo danh để vẻ ra một dự án - thay vì rất đơn giản là sử dụng 80% cát + 20% bùn cho việc bồi bờ, chóng sạt lỡ có nhiều lợi ích - thì lại là dự án "nhấn chìm bùn cát ở ngoài biển". Điều này cho thấy là có một âm mưu đen tối trong việc giải quyết 1 triệu m3 "vật, chất". Phải chăng 1 triệu m3 bùn cát này chỉ là bình phong để phục vụ cho mục đích "thủ tiêu một của nợ" khác do công ty Vĩnh Phúc trách nhiệm.
4. Sau khi nhận được hồ sơ dự án, theo Thông tin Báo chí của Bộ Tài Môi thì:
- "Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép với sự tham gia của 22 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái, hải dương học, một số hội nghề nghiệp liên quan, Ban Quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và đại diện các bộ, ngành liên quan."
- "Lấy ý kiến của các bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau." (3)
Chừng đó nhân sự, tổ chức đã cùng nhau thẩm định, phê chuẩn và kết quả là vào ngày 23/06/2017 Bộ Tài Môi đã cấp giấy phép số 1517/GP-BTNMT cho dự án lừa đảo "nhận chìm bùn và cát xuống biển" cho Cty Vĩnh Tân.
Thời gian thực hiện là từ tháng 6 đến hết tháng 10 năm 2017 - cho thấy ý định phải thanh toán "của nợ" trong vòng 4 tháng.
5. Khi thông tin về dự án nhận chìm "vật, chất" đến với dư luận quần chúng, một làn sóng phản đối từ công chúng nổi lên vì mối quan tâm lo sợ rằng 1 triệu m3 "cát và bùn" này sẽ làm hại môi trường sinh thái biển là Khu Bảo tồn Hòn Cau.
6. Trước sự quan tâm và xác suất cao bị dư luận "rọi đèn" tìm hiểu sâu xa về dự án, Bộ Tài Môi tìm cách hướng dư luận vào việc giải quyết địa điểm nhấn chìm chất thải. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đăng đàn tuyên bố: "Bộ TN-MT đang chờ kết quả quan trắc, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại khu vực biển... để làm cơ sở thực tế, xem xét có giao khu vực biển cho doanh nghiệp được thực hiện nhận chìm hay không?... Nếu kết quả, đánh giá của Viện Hải dương học cho thấy, san hô, hệ sinh thái ở vùng biển nhận chìm là phong phú thì không ai cho phép tiến hành đổ thải ở khu vực đó." (4)
Cùng lúc, lo quá hóa lộ mưu đồ, Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục biển hải đảo Việt Nam của Bộ Tài Môi lại tự nhiên không khảo mà khai bằng tuyên bố: "khẳng định vật chất nhận chìm không phải là chất thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cũng không phải là chất thải của quá trình nạo vét của công trình." (5)
"Không phải..." nhưng lại chính ông này lại nói những vật chất trên "...đã được phân tích các chất phóng xạ, chất độc đều không vượt quá quy chuẩn cho phép, nằm trong danh mục được Chính phủ ban hành." (5) Nếu 1 triệu m3 là vật thể thiên nhiên, đến từ bờ, biển, không phải từ công nghệ nhân tạo thì tại sao lại phải tốn tiền, công sức để "phân tích các chất phóng xạ, chất độc" từ những vật thể thiên nhiên này và sau đó chúng lại được cho trở về biển cả!?
7. Bất ngờ, vào ngày 20.07.2017, Ts Nguyễn Tác An cho biết ông đã bị mạo danh trong danh sách thành viên tham gia soạn thảo dự án. Tiếp theo Ts An là Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm và Thạc sĩ Lê Thị Vân Linh cũng cho biết mình bị mạo danh. Bản chất lừa đảo và âm mưu đen tối của dự án bắt đầu lộ diện.
8. Khi sự việc mạo danh đổ bể, Phó Tổng Giám đốc Cty Điện lực Vĩnh Tân 1 là Phan Ngọc Cẩm Thành cho biết là ông ta không hề hay biết về chuyện này vì đó là chuyện của công ty tư vấn! (2)
9. Công ty tư vấn mà Phan Ngọc Cẩm Thành đề cập đến là Cty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam. Khi vụ mạo danh bị lộ, tổng giám đốc cty này là Hà Quốc Quân tuyên bố vô can vì chỉ "kế thừa" dự án này từ một công ty khác (Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam và Trung tâm dịch vụ Tài nguyên Môi trường biển).
10. Vậy Hà Quốc Quân là ai? Hà Quốc Quân còn là Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao giao công nghệ của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, thuộc Bộ Công thương.
Sau khi sự việc mạo danh, lừa đảo đổ bể, Bộ Công thương nhanh chóng làm việc với Hà Quốc Quân và cho biết: việc ông Quân điều hành Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam (và thực hiện dự án nhấn chìm thải) là vi phạm Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2012, Luật Viên chức. Theo đó, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Từ đó, Bộ Công thương ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với Hà Quốc Quân (6). Qua quyết định kỷ luật "rất nhẹ" này, Bộ Công thương chỉ muốn chứng minh là Bộ không liên quan đến âm mưu hủy hoại môi trường. - ông Quân đã tự ý một mình trong việc mạo danh dự án và đã vi phạm luật.
11. Ngày 22/07/2017, sau khi âm mưu lợi dụng 1 triệu m3 bùn cát nhưng thật ra là để "xử lý không tốn nhiều tiền" những chất thải rắn độc hại từ nhà máy nhiệt điện bị lộ, Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận mở đường thoát cho cả lũ: "Thay vì mình nhận chìm vật chất sau nạo vét như thế thì có thể chọn nhiều giải pháp khác nữa, chứ không nhất thiết phải nhận chìm ra biển. Chẳng hạn sử dụng nó làm kè để chống sạt lở bờ biển..." (1)
*
Trong thời gian tới, người ta sẽ thấy các quan chức hân hoan thực hiện công trình tốt đẹp, sử dụng 1 triệu m3 cát bùn cho việc bồi kè chống sạt. Cần phải làm để "gỡ gạc" và nhấn chìm âm mưu bị lộ. Còn "cái của nợ chất thải độc hại môi trường" vốn là mục tiêu thầm kín ban đầu sẽ được từ từ tính lại.
Toàn bộ những gì đã xảy ra chúng ta thấy toàn là... Việt Nam. Các quan chức cộng sản Việt Nam, những chuyên gia người Việt Nam bị mạo danh, những giám đốc, cơ quan người Việt Nam. Nhưng thật ra, tất cả đều xuất phát từ một bóng đen đứng đằng sau chủ động cho âm mưu hủy hoại môi trường này.
Đó là Tàu cộng!
Nhà máy điện Vĩnh Tân 1 là do 2 công ty Tàu cộng làm chủ 95%. Đó là Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tổng thầu thiết kế - mua sắm - xây dựng (EPC) là Viện nghiên cứu thiết kế Quảng Đông và Công ty xây dựng nhiệt điện Quảng Đông.
Trong số 90% Tàu cộng nắm giữ, 20% là vốn góp của các nhà đầu tư Tàu, 80% số tiền còn lại - tương đương 1,4 tỷ USD - đến từ 5 ngân hàng Trung Quốc. Sau 4 năm xây dựng, Vĩnh Tân được vận hành, kinh doanh bởi người Tàu trong 25 năm trước khi "bàn giao" lại cho Việt Nam. (7)
Formosa, Bauxite Tây Nguyên, Vĩnh Tân... nhìn đâu cũng thấy Trung Nam Hải. Toàn bộ các quan tham như Trần Hồng Hà, Nguyễn Mạnh Hùng, cho đến Nguyễn Xuân Phúc mới đây vừa mới chính thức đầu hàng Formosa (8)... chỉ là những Việt gian, những tên tay sai, thái thú bản xứ, nhận tiền và sự bảo kê quyền lực của giặc để tàn phá đất nước Việt Nam.
25.07.2017
_________________________________
Chú thích:
(3) http://botruong.monre.gov.vn/821/0/3520/Thong-tin-bao-chi-ve-viec-cap-Giay-phep-nhan-chim-o.aspx
(5) http://baomoi.press/vu-nhan-chim-1-trieu-m3-bun-cat-chat-thai-cua-bien-nen-dua-ve-bien.html
(6) http://www.baomoi.com/dinh-chi-cong-tac-lanh-dao-dn-tu-van-cho-nhiet-dien-vinh-tan-1/c/22817231.epi