Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Để quản trị xã hội trật tự, phát triển và đúng chuẩn mực quốc tế, bất kỳ quốc gia nào cũng phải có một hệ thống pháp luật văn minh, đảm bảo hai thuộc tính: Kế Thừa & Liên Tục.
Để luôn tiếp cận với sự vận động của cuộc sống, các quốc gia thông thường cũng phải sửa luật (tu chính án) hoặc ban hành những đạo luật mới, hủy bỏ những đạo luật cũ, sao cho phù hợp với hiện trạng xã hội và tình hình thế giới. Luật càng ít sửa, càng chứng minh những nhà soạn luật của quốc gia đó, không chỉ có tầm nhìn xa mà còn dự đoán được tương lai.
Luật VN chỉ để trang trí
Nước CHXHCNVN, kể từ sau 1975, vốn không có được những điều nói trên. Bằng chứng, một thời không hề có trường luật. Ngay cả miền Bắc trước 1975 được gọi là VNDCCH, nhưng xã hội được điều hành bằng sắc lệnh, nghị quyết, chỉ thị v.v... thậm chí là "lệnh miệng". Nói cách khác, cái gọi là "luật", chẳng qua được soạn theo mong muốn chủ quan của nhà cầm quyền, nhằm phục vụ mục đích chính trị vào từng thời đoạn lịch sử, không phải phục vụ theo đòi hỏi khách quan của xã hội và dân chúng.
Khoảng 12 năm trở lại đây, đặc biệt khi được kết nạp làm thành viên WTO, nhà cầm quyền CSVN dần dần đi vào "quỹ đạo luật" của thế giới, bởi không còn cách nào khác. Tuy nhiên, những gì nhà cầm quyền CSVN thực hiện, luôn mang tính miễn cưỡng, với điều kiện khi thực hiện "luật nào đó" phải mang lại "lợi ích tối đa" và "thiệt hại tối thiểu" cho họ, nếu không có "thiệt hại" càng tốt. Đó không phải tư duy của "con nhà luật".
Vì lẽ đó, nó trở thành một trong các lý do chính, làm cho hệ thống luật tại VN luôn dễ dàng thay đổi và điều đó cũng lý giải tại sao, các nhà đầu tư và thương gia nước ngoài thường rất ngán ngẩm "luật VN" khi vào "làm ăn" tại VN.
Bàn về "luật VN", dù trên lãnh vực "kinh tế" hay "an ninh quốc gia" hoặc "tổ chức bộ máy", người quan sát thấy rõ, nhà cầm quyền CSVN cho đến nay, khi soạn và thi hành luật, vẫn không khoa học, bởi thiếu tính khách quan cùng tính vận động cần phải có. Đặc biệt, tư duy soạn luật của nhà cầm quyền CSVN thường nghiêng về tính chất đối phó.
Các vụ kiện tụng - như của ông Trịnh Vĩnh Bình (người Hà Lan gốc Việt) - là hậu quả của não trạng coi thường luật pháp suốt hàng chục năm qua của nhà cầm quyền CSVN. Vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình trở thành "di sản tồi tệ" của những tiền nhiệm "CS đời trước" di họa đến nay.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh lại phản ánh góc độ nhà cầm quyền CSVN không chỉ chà đạp luật pháp quốc tế mà còn tự biến hình ảnh "nhà nước CHXHCNVN" - vốn được hàng trăm quốc gia công nhận - trở nên thảm hại trước thế giới. Mới nhất, RFA cho hay [1] "Slovakia khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", trong bài báo nêu rõ: "...Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hứa sẽ chuyển tải những yêu cầu này của Slovakia đến các nhà lãnh đạo Việt Nam...", dù ông Phạm Bình Minh là UVBCT đồng thời là Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng BNG.
Bởi nguyên tắc tối quan trọng "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" được quy định tại khoản 1 điều 9 chương II của điều lệ ĐCSVN, đã biến một ông Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng BNG không khác một"người giao liên" trước thế giới. Điều đó cũng đồng nghĩa, những quy định trong "Luật tổ chức Chính Phủ" hay "Luật điều ước quốc tế" hoặc "Nghị định số 26/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao" hoàn toàn vô giá trị. Không những thế, chính nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" đã biến sự việc "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" vốn thuộc vấn đề đặc biệt nghiêm trọng của quốc gia, trở thành việc "cha chung không ai khóc".
Tất cả những dẫn giải nêu trên đủ để bật ra 3 khái niệm "tập quyền", "tản quyền" và "phân quyền", suốt hàng chục năm qua, người CSVN không màng tới mối liên hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau rất mãnh liệt của chúng. Hậu quả, người dân (và cả người thi hành công vụ) gánh lấy rất rõ, trước một xã hội vô cùng hỗn độn và rối rắm, trên mọi lãnh vực.
Từ đó, uy tín & danh dự (gọi tắt là uy danh) của nhà cầm quyền CSVN đang tụt giảm nhiều nhất trong 10 năm gần đây, thông qua hình ảnh mới tinh của ông Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu trước Đại hội đồng LHQ với vô vàn ghế trống.
Lẫn lộn
Hệ thống pháp luật - khi soạn thảo và thi hành - phải dựa trên những tiền đề căn bản nhất.
Dường như người CSVN hiện vẫn đang "lẫn lộn" về ba khái niệm: "Tập quyền", "tản quyền", "phân quyền".
Với nền tảng "tam quyền phân lập" lâu đời như Hoa Kỳ, ba khái niệm nói trên được vận dụng đảm bảo khoa học và nhịp nhàng.
Không chỉ Hoa Kỳ, các quốc gia châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc v.v... cũng như vậy, với hình ảnh Thủ Tướng hay Tổng Thống cúi đầu xin lỗi dân chúng và buộc phải đối diện tòa án, để trả lời việc vi phạm pháp luật của họ.
Giám sát và khống chế quyền lực (dù tập quyền hay phân quyền hoặc tản quyền) là một thiết chế buộc phải độc lập tuyệt đối.
Biểu hiện minh họa rõ nhất cho việc "lẫn lộn" ba khái niệm nói trên, chính là sự điều hành "chệch choạc" trên tất cả lãnh vực. Hình ảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" là điều dễ nhìn thấy. Thậm chí, có thể nói tình trạng "hỗn quân hỗn quan", hoặc người ta cũng gọi là tình trạng "vô chính phủ" đang diễn ra với tần suất dày hơn và rộng hơn trên cả nước.
Một ví dụ rất nhỏ, nhưng cho thấy "hình ảnh" luật pháp VN vô cùng "bát nháo", chính là sự việc "công an có thể bảo kê cho chợ Long Biên" đang được làm rõ. Một sự việc chỉ cần cấp công an quận đã đủ, nhưng thực tế phải cần đến Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Sơn [2] "khẳng định Bộ Công an đang chỉ đạo khẩn trương điều tra vụ thu tiền "bảo kê" ở chợ Long Biên".
Vì vậy, xã hội VN mãi mãi sẽ khó có trật tự và ổn định, nên khó nói đến việc phát triển theo mong muốn gọi là "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh", bất chấp việc "nhất thể hóa" có thành công đi chăng nữa.
Mô hình của Tập Cận Bình không thể là lối thoát cho ĐCSVN
Mới đây, trên rất nhiều trang báo và mạng xã hội bàn thảo sôi nổi về tên gọi "nhất thể hóa", trong đó nhiều người tin tưởng, một khi ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm luôn chức "Chủ tịch nước" sẽ có nhiều cái lợi, trước tiên là giảm chi phí (vì bộ máy cồng kềnh sẽ gọn hơn) cho một ngân khố vốn dần dần cạn kiệt. Ngoài ra, chức "Chủ tịch nước" sẽ làm cho ông Trọng "tập quyền" nhiều hơn nhờ "chính danh" hơn, từ đó, trách nhiệm sẽ rõ ràng & cụ thể hơn, trong bối cảnh xã hội VN chỉ tồn tại khái niệm "thiếu trách nhiệm" (không phải khái niệm "tròn trách nhiệm" mà lẽ ra cần phải gầy dựng lại nó hơn bao giờ hết).
Tuy nhiên, điều đáng mổ xẻ ở đây, chính là những ai hân hoan vào một "nhất thể hóa" đã không lường được hai khái niệm "tản quyền" và "phân quyền" sẽ tác động gây xáo trộn và làm nảy sinh nhiều vấn đề gai góc, khó lường, một khi "nhất thể hóa" thực hiện xong mà "bỏ quên" chúng. Tàu cộng đang chứng kiến điều Lord Acton nói "Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối" Và cũng bởi, "văn hóa trong lãnh vực chính trị" giữa Việt Cộg và Tàu Cộng vẫn có nhiều điểm khác biệt mà ông Nguyễn Phú Trọng sẽ muôn vàn vất vả so với "Tập Hoàng Đế", khi nắm luôn chức "Chủ tịch nước".
Ngoài ra, ông Lý Khắc Cường trong vai trò Thủ tướng, dường như cũng hoàn toàn "ăn khớp" với mọi quyết sách của ông Tập Cận Bình. Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng xem ra khó thể "ngày một ngày hai" điều khiển được.
Không dừng lại đó, ngoài tư cách "nước lớn" với một vị trí Ủy viên thường trực HĐBALHQ, quy mô kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới với dân số hơn 1,4 tỷ người v.v..., một mấu chốt rất đặc biệt ông Tập Cận Bình có được mà ông Nguyễn Phú Trọng không bao giờ có được, đó là [3] "...tuyên bố của chủ tịch Tập Cận Bình "các đảo trên biển Nam Hải - Việt Nam gọi là Biển Đông - là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ xưa...". Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ làm cho hàng trăm triệu người Trung Hoa "một lòng một dạ" quyết theo "Tập Hoàng Đế" để làm sao "giang san gấm vóc Trung Hoa được thu về một mối".
Nói cách khác, sau lưng "Tập Hoàng Đế" là một điểm tựa quá vững chắc mà ông Nguyễn Phú Trọng không tài nào có được. Nó không chỉ đến từ "lòng dân" mà còn ngay trong nội bộ của các "đồng chí với nhau" - điều mà ông Trọng sẽ mãi mãi khó lòng đạt được, một cách khó chối cãi, dù ông đang rất quyết tâm "đốt lò" đi chăng nữa để "lấy lại lòng tin trong dân chúng" và ngay trong nội bộ người CS với nhau.
Kết
Tàu cộng, kể từ 1949 tới nay, dù sao cũng không phải là một quốc gia tiến bộ với một hệ thống luật pháp văn minh. Nay, họ lại đang phải đối diện với cuộc thương chiến đang ngày càng căng thẳng mà nhiều nhà quan sát không tin Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Tập có thể ngồi vào bàn thương nghị sớm.
Ngoài ra, Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) đã thành công [4], điều đó sẽ giúp Hoa Kỳ "nhẹ bớt một gánh" để càng tập trung đối phó với Bắc Kinh.
RFA cho hay [5]: "...Một nguồn tin chưa kiểm chứng mà chúng tôi có được cho biết từ đây đến cuối năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa sẽ có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ...". Chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng nếu diễn ra, không chắc là "chuyến đi dễ chịu" - như ông đã từng gặp cựu Tổng thống Obama 2015 - dù trong vai Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước, bởi bài phát biểu "gây sóng gió" của Tổng thống Donald Trump tại Đại hội đồng LHQ mới đây như là lời hiệu triệu cả thế giới cần phải chống lại CNXH mà "thiên hạ cười rộ" với hàm ý rõ ràng nhưng rất hóm hỉnh: "...Vấn đề tại Venezuela không phải nước này thực thi XHCN một cách yếu kém mà là CNXH đã được thực hành một cách thành thực...".
"Học tập và làm theo tấm gương Tập Cận Bình" nhất định không phải là "bài học hay" cho ĐCSVN trong bối cảnh thế giới hiện nay.
03.10.2018
________________________
Chú thích: